“Nhìn bề ngoài anh Thanh rất nghiêm khắc, nhưng ảnh rất tình cảm!”
“Ổng là người dám nói, dám làm, hy sinh cho dân!”
Chiều 13/2, hàng trăm người dân Đà Nẵng tụ tập trước cổng nhà ông Nguyễn Bá Thanh, đau xót đón nhận tin người lãnh đạo mà họ yêu quý vừa mới qua đời. Chúng tôi gặp hai bà Ngô Thị Nổi và Trần Thị Út (tổ 79, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đang say sưa kể với mọi người xung quanh về ông hàng xóm Nguyễn Bá Thanh ở đối diện nhà họ trên đường Cách Mạng Tháng Tám.
Hai bà Ngô Thị Nổi (trái) và Trần Thị Út (ở tổ 79, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) kể về người hàng xóm Nguyễn Bá Thanh! (Ảnh: HC) |
Với bà Ngô Thị Nổi thì việc ông Nguyễn Bá Thanh qua đời là điều đau buồn, mất mát lớn không chỉ của người dân Đà Nẵng mà còn của nhiều người dân trong cả nước. “Tôi chỉ cầu mong Đà Nẵng có được một người thứ hai như ông. Nếu có người lãnh đạo nào làm được như ông Thanh thì dân Đà Nẵng sẽ ủng hộ!” – bà Ngô Thị Nổi nói.
Trong khi đó, bà Trần Thị Út bày tỏ thật lòng: “Thấy ổng ra TƯ, tui rất buồn, không ưng ổng đi. Thật sự như rứa. Không phải vì ổng cho tui cái chi, nhưng vì ổng làm lãnh đạo thì dân Đà Nẵng được nhờ nhiều lắm. Người dân mẫu mực, ăn xin không có, người thế nọ, thế kia cũng không có. Thật sự như rứa. Nói chung ổng là người dám nói dám làm, hy sinh cho dân!”.
Đồng tình với bà Út, bà Ngô Thị Nổi cũng nói: “Thực tế ổng là người rất mẫu mực, dám nói dám làm, hy sinh cho dân. Thời gian ổng ra TƯ rất ngắn, nghe tin ổng đau, bọn tui ở đây rất là buồn. Không phải ở gần ổng bọn tui được ổng cho cái chi, nhưng bọn tui thấy nhờ ổng là như ri: đường sá, cầu cống ổng làm được hết tất cả mọi việc, trộm cướp rất ít có, không như trước đây. Thực tình bọn tui rất là buồn!”.
Gặp chúng tôi trong nhà ông Nguyễn Bá Thanh giữa lúc mọi người đang tất bật lo chuẩn bị tang lễ cho ông, bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ, trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng (nơi ông Nguyễn Bá Thanh đang là Chủ tịch Hội) cho biết, sáng 13/2 bà vô Bệnh viện Đà Nẵng thăm ông Nguyễn Bá Thanh. Vừa về đến nhà thì nhận được một lá thư của một bệnh nhân đang nằm điều trị ở Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng gửi bằng đường bưu điện đến địa chỉ của bà, nhờ bà chuyển giùm cho ông Thanh.
“Thư chưa kịp đến tay thì ảnh đã mất rồi. Tôi đọc lá thư của một bệnh nhân ung thư viết để cám ơn ảnh, để động viên ảnh vượt qua cơn bạo bệnh mà không cầm được nước mắt. Đọc tới đâu, nước mắt chảy dài tới đó!” – bà Nguyễn Thị Vân Lan nói trong tiếng nấc nghẹn và những dòng nước mắt lăn dài.
“Tôi học tập ở anh Thanh rất nhiều!”
Ông Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng vừa nghỉ hưu từ đầu năm 2015) cũng tâm sự: “Tôi cứ thấy anh Thanh vẫn còn đâu đây chứ không hề nghĩ là ảnh đã mất. Khi ảnh được đưa từ Mỹ về đến Đà Nẵng tối 9/1, tôi lên máy bay đón. Ảnh bắt tay tôi, nói: “Chiến đó hả!”, giọng rang rảng y như những lần ảnh gọi điện thoại cho tôi. Cứ mỗi lần gọi cho tôi thì câu đầu tiên bao giờ ảnh cũng nói: “Chiến đó hả!”. Tới giờ tôi vẫn như nghe tiếng của ảnh văng vẳng đâu đây!”.
Ông Văn Hữu Chiến kể mình cũng biết đánh cờ tướng nhưng ít khi đánh với ông Thanh vì “sức cờ của mình dưới trướng ảnh nhiều quá, đánh cứ bị ảnh chê”. Rồi ông Chiến nói thêm: “Anh Thanh là một người luôn luôn sáng tạo, kiên quyết, chỉ đạo cáo gì cũng quyết liệt. Cái đó rất là rõ. Ngoài ra, nói thế chứ nhìn bề ngoài, ảnh rất nghiêm khắc trong công việc, nhưng ảnh cũng rất tình cảm, đối với anh em rất là tình cảm. Tính cách đó thể hiện rõ lắm!”
Theo ông Văn Hữu Chiến, ông Nguyễn Bá Thanh rất tôn trọng ý kiến của tham mưu. Đơn cử như trong vấn đề quy hoạch. Đây là vấn đề lâu dài. Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP căn cứ vào đó để triển khai các quy hoạch chi tiết, có những điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh và sự phát triển. Trong quá trình đó, ông Nguyễn Bá Thanh và lãnh đạo UBND TP luôn có sự bàn bạc và ông Thanh luôn lắng nghe những ý kiến phản biện, dù là của cấp dưới.
“Thực ra tôi học tập ở anh Thanh rất nhiều. Khi ảnh làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thì tôi làm Giám đốc Sở GTVT. Khi tôi lên Phó Chủ tịch UBND TP thì thường những nơi khó khăn nhất, các công trình lớn, công trình trọng điểm là ảnh hay đưa tôi vào. Các cuộc tiếp dân thường xuyên, ảnh và tôi cũng hay đi với nhau, nên cái bản lĩnh, cái cung cách, cái lề lối làm việc, tôi học được ở anh Thanh rất nhiều.
Sau này anh Thanh ra TƯ, tôi lên đảm đương Chủ tịch UBND TP, hoàn cảnh có khác hơn, điều kiện, nguồn lực khác hơn nên cách làm cũng phải khác hơn cho phù hợp. Nhưng cách làm trước đây của anh Thanh rất hiệu quả nên tôi cũng học tập rất nhiều. Cái đó là cái có thật. Bởi vì người đi trước như thế thì sau này mình làm được cái gì cũng có dáng dấp của những chủ trương đã được quán triệt trước đó!” – ông Văn Hữu Chiến nói.
Điều đáng ghi nhận là không chỉ có sự đau buồn mà từ việc ông Nguyễn Bá Thanh qua đời, nhiều người dân Đà Nẵng còn thể hiện những ý nguyện mạnh mẽ về sự phát triển của Đà Nẵng sắp tới. Theo hai bà Ngô Thị Nổi và Trần Thị Út, để tỏ lòng kính trọng, thương mến ông Nguyễn Bá Thanh thì dù ông đã mất, người dân Đà Nẵng vẫn phải luôn gương mẫu, nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với tâm huyết mà ông đã dành cho TP này.
“Dân Đà Nẵng không phải ai cũng giàu có, nhưng nhờ ổng mới nên sự nghiệp như ri. Nên dân Đà Nẵng phải làm răng để TP mình tiếp tục vươn lên. Phải gương mẫu để tôn trọng ổng. Đó là cách một người dân đối xử với một người cán bộ cấp lớn như ông, phải gương mẫu để tôn trọng ổng!” – bà Trần Thị Út nói.