Nhịn ăn, tích góp dành tiền "yêu" nấm, mỗi năm chàng trai 9X Hải Dương thu cả tỷ đồng
Từ đồng vốn nhỏ giọt chỉ 2 triệu đồng ban đầu, chỉ sau 3 năm lập trang trại nấm ngay chính quê nhà, anh Lê Văn Mùa (SN 1990) ở Hải Dương đã có thể thu về 2 tỷ đồng/năm, lãi hơn 1 tỷ đồng.
Với sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, anh Lê Văn Mùa, sinh năm 1990 ở thôn La B, thị trấn Cẩm Giang (Cẩm Giàng, Hải Dương) đã trở thành tỷ phú nhờ đam mê nghề nông.
Từ 2 triệu đến 2 tỷ đồng
Sinh ra, lớn lên trong gia đình quanh năm lam lũ với đồng ruộng nên bố mẹ anh Mùa luôn khao khát anh học được cái chữ, không mong đổi đời mà chỉ muốn con đỡ vất vả. Và anh cũng đã thắp lên niềm hy vọng cho họ bằng việc thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên). Thế nhưng thay vì chú tâm vào việc học, anh lại có niềm đam mê đặc biệt với những cây nấm.
Từ năm 2012, anh Mùa đã bắt đầu tìm hiểu về quy trình trồng nấm sau khi đi tham quan vài mô hình tại Thái Nguyên. Càng nghiên cứu anh lại càng bị cuốn hút bởi loại cây cho giá trị cao này, khác hẳn với cây lúa, củ khoai mà quê anh hay trồng. Thậm chí, anh Mùa còn nhịn ăn, tích cóp tiền chỉ để mua bịch phôi nấm về tỉ mẩn xem xét. Phòng anh thuê trọ cũng chật kín giá thể trồng nấm.
Những tưởng đây chỉ là thú vui thời sinh viên nhưng khi ra trường năm 2015, xin được việc làm ổn định tại doanh nghiệp, anh Mùa vẫn tranh thủ thời gian rảnh mua rơm rạ về ủ, học hỏi các kỹ thuật trồng nấm khác nhau. Ngày đi làm, tối về anh lại lên mạng trao đổi thông tin với những người cùng đam mê về nấm. Những trang trại nấm lớn nhỏ ở khu vực phía Bắc đều đã in dấu chân anh Mùa.
Cũng chính trong thời gian này, anh luôn trăn trở liệu làm công, ăn lương có phải là lựa chọn duy nhất? Và tại sao phải rời bỏ nơi mình sinh ra để đi tìm cuộc sống khác chứ không phải lập nghiệp tại đó? Khi mọi thứ vẫn còn mông lung thì xã Kim Giang (nay là thị trấn Cẩm Giang) thực hiện dồn điền, đổi thửa. Điều này đã giải tỏa một phần khúc mắc trong anh bấy lâu về địa điểm khởi nghiệp.
Năm 2016, anh Mùa quyết định bỏ việc về quê trồng nấm. Bố mẹ anh phản đối kịch liệt vì nghĩ rằng cấy lúa không bán được, không ăn hết thì có thể cất đi, còn trồng nấm nếu không thuận là mất hết. Nhà có vài sào ruộng dồn vào cấy lúa cũng chỉ đủ ăn, giờ bỏ ra lập trại trồng nấm thì lấy gì để sống.
"Người ta thường nói lập nghiệp từ con số 0, còn tôi thì vẫn còn khoản nợ mấy chục triệu đồng vay vốn sinh viên chưa trả. Đi vay 2 triệu đồng người ta còn ái ngại, huống chi là cả khoản tiền lớn để đổ xuống ruộng đồng mà còn không biết có thu lại được hay không.
Hơn nữa, người thân phản đối nhiều cũng làm tôi dao động và thoáng nghĩ cứ an phận làm công nhân, kiếm 10 triệu đồng/tháng để bố mẹ an lòng. Song, những bế tắc trong cách nghĩ, cách làm của người dân địa phương về sản xuất nông nghiệp càng thôi thúc tôi phải quyết đoán, phải thay đổi", anh Mùa trải lòng.
Trại nấm của anh Mùa nằm lọt thỏm giữa cánh đồng thôn La B, từ ngoài nhìn vào kiểu cách thô sơ không khác khu chuyển đổi những năm 90 của thế kỷ trước là mấy. Mặc dù vậy, khi tìm hiểu kỹ mới thấy trang trại này không hề tầm thường bởi lợi nhuận tiền tỷ mỗi năm và chủ nhân của nó chỉ thuộc thế hệ 9X, mới ngoài 30 tuổi.
Anh Mùa là người hoạt ngôn nhưng cách nói chuyện lại điềm đạm. Với vốn kiến thức về nấm phong phú, anh làm cho mọi người cảm thấy nể phục khi tiếp xúc. Anh nói rằng thời đi học luôn bị đánh giá học lực kém nhưng khi nhắc tới những cây nấm thì lại sáng dạ và tiếp thu nhanh đến bất ngờ. Khởi nghiệp khi còn trẻ lại không có sự hỗ trợ tài chính từ gia đình nên anh phải góp nhặt và đầu tư theo kiểu “du kích”.
Và theo anh, trồng nấm chỉ đòi hỏi kỹ thuật cao chứ không cần quá chú trọng tới hạ tầng sản xuất. Cũng vì lẽ đó mà trại nấm của anh Mùa tuy không hiện đại về cơ sở vật chất song lại chưa từng thất bại trong sản xuất lần nào. Theo thời gian, quy mô trại nấm cũng lớn dần từ 50 m2 giờ đã lên tới 5.000 m2.
Chính vì thế mà từ đồng vốn nhỏ giọt chỉ 2 triệu đồng ban đầu, chỉ sau 3 năm anh đã có thể thu về 2 tỷ đồng/năm, lãi hơn 1 tỷ đồng. Ngoài trồng nấm, tận dụng đồng đất, anh còn nuôi vịt thả đồng, có thời điểm lên đến 1,4 vạn con. Đây cũng là nguồn thu nhập khá cho anh và gia đình.
Tìm tòi trồng nhiều loại nấm khác nhau song anh Mùa thành công nhất khi trồng nấm sò, nấm mỡ và nấm rơm. Đây là những loại nấm được thị trường ưa chuộng, sản phẩm làm ra tới đâu bán hết tới đó. Do làm chủ được kỹ thuật sản xuất nên anh đã khắc phục được tính mùa vụ của loại cây được xếp vào hàng khó tính, đỏng đảnh bậc nhất này. Vì thế, anh trồng và bán nấm quanh năm.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ nấm cũng chậm hơn. Mặc dù vậy, anh Mùa không lo lắng mà tận dụng cơ hội này để chuyên tâm nghiên cứu về loại nấm mới là sò yến.
Đây là dòng nấm phổ thông có nguồn gốc từ Hàn Quốc, giá trị dinh dưỡng tỷ lệ thuận với lợi nhuận kinh tế mới du nhập vào Việt Nam được hơn 1 năm nhưng rất được ưa chuộng. Do đó, nếu sản xuất đại trà thành công thì đây sẽ là loại nấm chủ đạo của anh trong thời gian tới.
Chưa hết suy tư
Còn trẻ, tiếp xúc nhiều, hiểu biết rộng nên anh Mùa chưa khi nào hài lòng với bản thân mình. Mỗi ngày, anh đều cố gắng thay đổi, hướng tới mục tiêu toàn diện hơn song cái đích mà anh mong chờ có lẽ còn rất xa. Không giấu giếm về thu nhập và anh cũng không coi đó là niềm tự hào.
Dấn thân vào nông nghiệp, anh đã xác định sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, bấp bênh. Nay là tỷ phú nhưng mai có thể trở thành kẻ trắng tay. Vì điều này mà anh Mùa luôn mong muốn xây dựng được chuỗi liên kết ổn định để phát triển bền vững.
Hiện anh đang tập trung làm thương hiệu sản phẩm “Nấm sạch bốn mùa”. Anh khẳng định khi tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì gánh nặng về đầu ra sẽ được tháo gỡ.
Thời gian tới, thay vì mở rộng sản xuất, anh sẽ hướng tới phát triển thị trường, tạo dựng lòng tin cho khách hàng. Bởi hiện tại, nếu trại nấm của anh hoạt động hết công suất, sẽ đủ cung cấp nấm thương phẩm cho nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc.
Không được đào tạo bài bản về nông nghiệp nhưng với những kiến thức, bài học tự trải nghiệm đã giúp anh Mùa nhanh chóng trưởng thành trong nghề nông. Trồng nấm đòi hỏi khắt khe về yếu tố nhiệt độ, độ ẩm phải được bảo đảm gần như chính xác tuyệt đối.
Gần 10 năm gắn bó với cây nấm nên chỉ cần dựa vào cảm nhận anh có thể đoán biết điều kiện môi trường có phù hợp cho cây sinh trưởng hay không. Không chỉ vậy, anh Mùa cũng nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị trường để điều chỉnh kế hoạch sản xuất hợp lý. Vì thế, điều anh trăn trở, suy tư nhất không phải là bài toán kinh doanh nan giải mà là thay đổi thái độ và tư duy với nghề nông.
Anh nêu quan điểm: “Làm nông nghiệp hiện đại cần loại bỏ tư duy ăn chắc trước đây nhưng phải tính toán đường đi nước bước cụ thể thì mới mong tìm kiếm được cơ hội trong khó khăn.
Nghề nông mạo hiểm nhưng thay vì trốn chạy, tìm cách thoát ly thì hãy dũng cảm đương đầu, khó ở đâu gỡ tại đó. Chính bởi cách làm này mà tôi vượt qua được những trở ngại đầu tiên. Chặng đường phía trước còn rất dài, nếu muốn trụ vững thì tôi phải không ngừng nỗ lực".
Điều lo ngại luôn thường trực trong anh Mùa chính là vấn đề tích tụ ruộng đất. Ruộng của nhà có ít, anh phải thuê thêm gần 5 mẫu ruộng để sản xuất với thời hạn 5 năm. Ngày hết hạn thuê đã cận kề, người dân có thể sẽ không cho anh thuê tiếp vì tâm lý hơn thua bao đời nay luôn ám ảnh họ. Ruộng có thể bỏ hoang nhưng khi người khác thuê làm ăn được thì lại đòi ruộng. Anh Mùa tiếc vốn liếng bỏ ra đầu tư hạ tầng một thì trăn trở cho những người trẻ muốn vùng vẫy, thử sức với nông nghiệp mười.
Đây chính là nút thắt lớn nhất hiện nay trong phát triển nông nghiệp. Hướng mắt về khu đồng mênh mông đang vào thời kỳ bén rễ hồi xanh, anh Mùa hy vọng một ngày nào đó, chỗ này sẽ là vùng sản xuất nông nghiệp giá trị cao không chỉ của anh mà của mọi người dân. Vì thế, để không đơn độc trên đồng ruộng, anh đang chủ động kết nối tìm đường đồng hành nhằm chia sẻ những khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh.
Ép đất cằn cho những mùa quả ngọt, mỗi năm chàng trai xứ Thanh thu gần nửa tỷ đồng
Từ 5ha đất đồi cằn cỗi đưa lại giá trị kinh tế thấp, sau hơn 5 năm, chàng trai 8X xứ Thanh Bùi Anh Kiều đã “ép” vùng đất cằn sinh ra những trái ngọt, cho thu nhập trừ chi phí từ 400 triệu/ha/năm.
Theo Dũng Cường/Báo Hải Dương