Nhiều phụ nữ Việt Nam từng bị chồng tấn công tình dục
Khoảng 10% phụ nữ kết hôn từng bị chồng tấn công tình dục theo kết quả của một nghiên cứu gần đây. Ảnh minh họa. |
20.000 vụ bạo lực gia đình một năm
Thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Việt Nam cho thấy trong 5 năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm. Chỉ riêng trong năm 2015 có 31 phụ nữ, 7 trẻ em bị người thân giết hại. Số liệu báo cáo của các tổ chức phi chính phủ năm 2014 cũng cho thấy cứ 2-3 ngày lại có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình, mà nạn nhân đa phần là phụ nữ và trẻ em.
Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình năm 2010 cũng cho thấy vùng nông thôn Việt Nam là một trong những địa điểm mà nạn bạo hành gia đình xảy ra thường xuyên nhất. Cứ 10 người phụ nữ được hỏi thì 4 người cho biết họ không cảm thấy gia đình là nơi an toàn để sống.
Mặc dù hiện tại chưa có thống kê số liệu quốc gia chính thức về các loại hình bạo lực tình dục khác nhau nhưng số liệu từ một vài nghiên cứu trong quy mô nhỏ gần đây chỉ ra tình trạng báo động của bạo lực tình dục. Theo đó, 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng; gần 30% phụ nữ hành nghề mại dâm tại Việt Nam cho biết họ đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục và 22% trong số họ đã từng bị cưỡng hiếp tình dục; 10% phụ nữ đã kết hôn từng bị chồng tấn công tình dục.
Đáng ngại là, bạo lực tình dục có thể xảy ra tại gia đình - nơi vẫn được cho là “an toàn” và “bình yên” nhất. Nhiều người còn cho rằng “cưỡng hiếp” phải có yếu tố người lạ, bị ép buộc hoặc để lại những tổn thương về thể xác cho nạn nhân. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây về 462 vụ việc cưỡng hiếp và tấn công tình dục đã chỉ ra một thực tế hoàn toàn khác. Trong 86% những vụ việc này, kẻ tình nghi lại có mối quan hệ quen biết với nạn nhân và phần lớn các vụ việc xảy ra tại nơi riêng tư mà không hề có sự tổn thương về thể xác.
Đại diện Cơ quan Phụ nữ liên hợp quốc (UN Women) tại Việt Nam trong một hội thảo gần đây về bạo lực gia đình đã khẳng định: “Bạo lực tình dục thường xuyên bị xã hội che giấu. Khi một người phụ nữ nói rằng cô ấy bị cưỡng hiếp, ngay lập tức rất nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi là cô ấy đã làm gì để khêu gợi hành vi tình dục nhằm vào bản thân mình, có thể vì cô ấy đã tới nhầm một nơi nào đó vào nhầm thời điểm, hoặc do cô ấy ăn mặc không đúng đắn – vì nhu cầu tình dục của nam giới được mặc nhiên coi là bản năng tự nhiên của con người, còn ‘người con gái ngoan’ sẽ không chủ động về tình dục. Nghiên cứu Quốc gia năm 2010 về Bạo lực Gia đình cho thấy 87% phụ nữ bị bạo hành gia đình không tìm tới sự trợ giúp từ các cơ quan có thẩm quyền. Điều này có thể dễ dàng hiểu được tại sao.”
Quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại
Nguyên nhân của tình trạng này, TS Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng viện nghiên cứu Phát triển Xã hội cho rằng, liên quan rất nhiều đến vấn đề bất bình đẳng giới. Theo đó, quan niệm “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại khá phổ biến, nhất là khu vực nông thôn. Tư duy người đàn ông là người có quyền duy trì tôn ti trật tự trong gia đình và phụ nữ bất luận có làm gì ngoài xã hội thì về nhà phải nghe lời người chồng vẫn tồn tại.
Một nguyên nhân khác cũng được TS Khuất Thu Hồng chỉ ra, đó là, nhiều năm qua, phụ nữ Việt Nam đã tự tin, có nhiều đóng góp cho kinh tế, gia đình và xã hội, tuy nhiên nam giới lại không có được những thay đổi cùng nhịp, “cho nên tôi cho rằng nam giới cảm thấy bị thách thức bởi phụ nữ và họ cảm thấy quyền lực của họ đang bị đe dọa. Có thể vì thế mà họ sử dụng bạo lực để khẳng định quyền lực, vị thế của mình trong gia đình”- TS Khuất Thu Hồng nói.
Trong khi đó, ở Mỹ, nếu người phụ nữ bị chồng đánh, chỉ cần nhấc điện thoại gọi cảnh sát, vài phút sau người chồng sẽ bị đưa về đồn. Hay ở Canada, nếu phụ nữ báo chính quyền là bị chồng tát hoặc hành động bạo hành tương tự, người chồng đó có thể phải ngồi tù từ 1-30 năm. Còn Việt Nam thì khác. Thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp ngay giữa đường phố, giữa thanh thiên bạch nhật, cảnh tượng người chống đấm, đá, giật tóc, tát người vợ túi bụi nhưng hiếm thấy trường hợp nào được người đi đường can ngăn, mà đa số chỉ dừng xe đứng nhìn và thì thầm bảo nhau “chuyện gia đình người ta, xen vào làm gì”.
“Hiện, cách giải quyết bạo lực gia đình ở Việt Nam nói chung và ở nông thôn nói riêng còn nhiều vấn đề, chẳng hạn nếu gia đình nào xảy ra bạo lực, thì phương pháp đầu tiên là hòa giải. Các cấp hội, chính quyền thậm chí người thân sẽ khuyên nhủ người phụ nữ nên cam chịu, nhịn nhục để giữ hòa khí trong gia đình. Và con cái được đưa ra làm mục đích hòa giải gia đình. Cho nên bạo lực không được giải quyết tận gốc rễ, mà chỉ lắng xuống rồi lại bùng lên”- TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.