Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm online, giảm mạnh lãi suất cho vay
Mức chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm online và lãi suất tiết kiệm tại quầy của một số ngân hàng |
Tăng lãi suất tiết kiệm online lên cao
Giữa lúc dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, nhiều ngân hàng khuyến khích khách hàng gửi tiền online thông qua việc tăng nhẹ lãi suất huy động từ 0,1 - 0,2%/năm so với trước. Đồng thời cũng có không ít các ngân hàng cộng thêm lãi suất với mức từ 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn ngắn, còn các kỳ trung và dài hạn, một số mạnh tay cộng thêm đến hơn 1%/năm.
Theo khảo sát tại của PV trong ngày 2/4, lãi suất ngân hàng kỳ hạn dưới 6 tháng không có nhiều sự thay đổi. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 5 tháng được niêm yết phổ biến trong khoảng 4,3 - 4,75%/năm, và lãi suất cho các khoản tiền gửi trực tuyến tại các kỳ hạn này không có sự chênh lệch quá lớn so với gửi tại quầy do vướng quy định về trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Một số ít ngân hàng do niêm yết lãi suất tại quầy thấp nên với lãi suất online đã nới tăng đáng kể, chẳng hạn như Techcombank tăng 0,45%, SeABank tăng 0,4%, ACB và BIDV tăng lần lượt 0,25 và 0,2 điểm phần trăm.
Nhưng đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, lãi suất tăng 0,1 - 0,3%/năm ở một số ngân hàng; chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm online và tại quầy cao nhất tới 1,4%/năm.
Đơn cử như VietinBank đã thực hiện cộng thêm lãi suất đến 0,3%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm online qua kênh ngân hàng điện tử so với trần lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm VND tại quầy. Tại BIDV, khách hàng gửi tiền online cũng sẽ được cộng thêm 0,2%/năm lãi suất ở tất cả các kỳ hạn so với lãi suất niêm yết tại quầy giao dịch.
Mức chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm online và lãi suất tiết kiệm tại quầy của một số ngân hàng |
Ở nhóm ngân hàng cổ phần, SCB là ngân hàng đang áp dụng lãi suất tiết kiệm online cao nhất, với lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 8,03 - 8,21%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 8,48 - 8,66%,… Theo đó, lãi suất tiết kiệm trực tuyến các kỳ hạn 6 tháng, kỳ hạn 12 tháng lần lượt cao hơn lãi suất tại quầy là 0,9 - 1,11 và 0,98 - 1,16 điểm phần trăm.
Với kỳ hạn 6 tháng, Eximbank hiện niêm yết lãi suất tiết kiệm trực tuyến ở mức 7%/năm, và đây cũng là ngân hàng có mức chênh lệch lãi suất tại quầy và online cao nhất trong số các ngân hàng tham gia khảo sát - tới 1,4%/năm.
Lãi suất tiết kiệm online của Techcombank và Viet Capital Bank cũng hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm truyền thống, mức chênh lệch dao động từ 0,45 - 0,8 điểm phần trăm. Riêng Viet Capital Bank tăng lãi suất 0,3%/năm so với mức cũ trước ngày 01/4.
Tại VIB, MSB, TPBank, SeAbank, SHB hay MBBank, khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến cũng sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất trong khoảng từ 0,1 - 0,4% so với gửi tiết kiệm tại quầy. Trong khi đó, KienLongBank ưu đãi thêm lãi suất cho các khoản tiền gửi online từ 0,2-0,25%/năm so với tiết kiệm truyền thống.
ACB cũng tăng 0,2% cho kỳ 6 tháng và 0,05% cho các kỳ hạn dài hơn để thu hút tiền gửi.
Nhóm 6 ngân hàng bao gồm VPBank, ABBank, HDBank, OCB, Sacombank, Viet A Bank tăng đều lãi suất cho tất cả các kỳ hạn lên 0,1 điểm phần trăm cho các khoản tiền gửi trực tuyến so với gửi tại quầy.
Ngoài ra, cũng có một số ngân hàng không có sự thay đổi lãi suất giữa 2 hình thức gửi tiền này như ngân hàng LienVietPostBank.
Giảm mạnh lãi suất cho vay
Hàng loạt ngân hàng đã công bố chính thức về các gói tín dụng và giảm lãi suất cho vay, có ngân hàng giảm tới 4,5%/năm, cũng có ngân hàng giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu.
VIB là ngân hàng tiên phong công bố hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay hiện hữu, bắt đầu từ 1/4/2020. Cụ thể, VIB tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2,0% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực.
HDBank giảm mạnh lãi suất cho vay với mọi khách hàng, không yêu cầu chứng minh khó khăn do dịch Covid-19 kể từ ngày 31/3. Gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2-4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước.
Vietcombank đã có chính sách giảm lãi suất VND đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng bởi dịch. Tổng số dư nợ các ngành/lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới trên 112.700 tỷ đồng. Thời gian tới, ngân hàng này sẽ có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2-2,5% so với mặt bằng hiện nay. Các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ được giảm tới 2,5% một năm và được hưởng mức lãi suất chỉ 4,5-5% một năm.
Bên cạnh đó, ngân hàng này sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1-1,5% đối với dư nợ hiện hữu (từ hạn 30/4 chuyển sang đến 30/9). Lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm 300 tỷ đồng vì chính sách này.
Tại Agribank, ngân hàng dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng Đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.
VietinBank thông báo tiếp tục giảm 2% lãi suất cho vay, đưa ra chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng.
Ngoài ra, VietinBank tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng không giới hạn quy mô như: Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp, Ưu đãi lãi suất cho vay cố định, Vay ưu đãi lãi tri ân dành cho khách hàng bán lẻ,...với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,2%-3%/năm so với thông thường.
Tại BIDV, ngân hàng đã chính thức công bố giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay áp dụng cho cả vay thế chấp lẫn tín chấp.
Ngân hàng cũng giảm đến 1%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập. Đặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch.
BIDV có các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có nhu cầu vay mới với lãi suất giảm 2% so với lãi suất cho vay cùng loại ngày 31/12/2019.
Kienlongbank quyết định giảm 3%/năm lãi suất cho vay trong hạn so với mức lãi suất đang áp dụng theo thỏa thuận của hợp đồng tín dụng đã ký kết đối với cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
VPBank tung gói hỗ trợ đặc biệt thứ 2, giảm lãi suất đến 2% cho doanh nghiệp gặp khó khăn mùa dịch. Cụ thể, đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất tối đa 1,5%/năm đối với khoản vay VND, 1%/năm đối với khoản vay USD. Đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm, VPBank áp dụng mức giảm lãi suất tối đa 2%/năm đối với khoản vay VND và 1%/năm đối với các khoản vay USD.
TPBank ban hành thêm các chương trình ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng giải ngân mới với tổng dư nợ lên tới 12.000 tỷ đồng. Theo đó, TPBank có các gói 5.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, gói 4.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn, và 3.000 tỷ dành cho khách hàng cá nhân, với mức lãi suất ưu đãi giảm 1,5-2,5% so với mức lãi suất hiện hành.
Bên cạnh việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ gốc và lãi cho khách hàng theo quy định thì TPBank còn thực hiện giảm lãi suất từ 0,5% - 1% với các khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, với tổng số dư nợ có thể được xem xét lên tới 30.000 tỷ đồng.