Nhiều giáo viên Hàn Quốc tức giận vì bị bắt làm xét nghiệm chất gây nghiện
Nhiều giáo viên giảng dạy tại trường công lập của Hàn Quốc tức giận vì bị cơ quan giáo dục bắt đi làm xét nghiệm chất gây nghiện.
Cô Lee, giáo viên ngoài 20 tuổi đang giảng dạy tại một trường tiểu học ở tỉnh Gyeonggi gần đây đã lần đầu tiên trong đời đi làm xét nghiệm chất gây nghiện, sau khi đây là quy định bắt buộc đối với các giáo viên trường công ở Hàn Quốc.
“Chuyện này thật bất tiện, tôi cảm thấy mình bị đối xử như người có khả năng nghiện ngập”, cô Lee nói với tờ Korea Times.
Nhiều giáo viên Hàn Quốc tức giận vì quy định bắt buộc làm xét nghiệm chất gây nghiện. (Ảnh minh họa) |
Cũng theo cô Lee, việc thiếu hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan giáo dục cũng đã khiến quy trình đi làm xét nghiệm gặp nhiều rắc rối.
“Tôi chỉ nhận được tờ giấy báo lấy kết quả xét nghiệm vào ngày 17/7 mà không có bất cứ hướng dẫn nào trước đó được đưa ra về nơi lấy mẫu và liệu tôi có được nghỉ làm để đi làm xét nghiệm hay không”, cô Lee nói.
Cũng theo cô Lee, cô đã tự trả tiền để làm xét nghiệm với mức giá khoảng 40.000 won (35 USD) và được thông báo chính phủ không chi trả cho khoản chi này.
Nhưng sau vài ngày, cô Lee lại nhận được thông báo từ văn phòng giáo dục tỉnh Gyeonggi yêu cầu giữ lại hóa đơn để được hoàn trả.
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, trong năm nay, 20.000 giáo viên giảng dạy tại các trường công trên cả nước sẽ trải qua xét nghiệm TBPE giống như cô Lee. Đây là quy định bắt buộc nằm trong Luật Giáo dục Cấp 1 và 2 sửa đổi đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua hồi tháng 12/2020.
Bộ luật sửa đổi nhằm tăng cường giám sát các giáo viên công lập sau khi số vụ phạm tội liên quan tới người nghiện đang gia tăng ở Hàn Quốc trong những năm gần đây. Do đó, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đưa đưa yêu cầu làm xét nghiệm chất gây nghiện là việc bắt buộc đối với những người muốn nhận chứng chỉ sư phạm.
Theo hệ thống giáo dục hiện hành ở Hàn Quốc, những sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm sẽ nhận chứng chỉ Loại 2, nghĩa là họ đủ yêu cầu để tham gia các kỳ kiểm tra chất lượng giáo viên được tổ chức hàng năm ở nước này.
Đối với những giáo viên có trên 3 năm kinh nghiệm giảng dạy tại các trường có thể nhận chứng chỉ sư phạm Loại 1. Đây là cơ hội để họ có thể thăng cấp và tăng lương.
Xét nghiệm chất gây nghiện hiện là quy định bắt buộc đối với những người thi để nhận chứng chỉ sư phạm Loại 1 và 2 ở Hàn Quốc.
Song chính sách trên lại khiến không ít giáo viên Hàn Quốc cho rằng đây là “quyết định đơn phương” từ phía các cơ quan giáo dục và giáo viên dường như bị xem như đối tượng có khả năng nghiện ngập cao hơn những ngành nghề khác.
“Các nhân viên y tế bao gồm bác sĩ, y tá và bác sĩ thú y là những người thường xuyên tiếp xúc với các loại thuốc, nhưng họ chỉ cần làm xét nghiệm 1 lần duy nhất khi thi chứng chỉ hành nghề. Việc bắt giáo viên làm xét nghiệm 2 lần là không công bằng, dễ gây hiểu nhầm nghề giáo viên có nguy cơ mắc nghiện cao hơn những ngành nghề khác”, cô Park Keun-byeong, người đứng đầu Hiệp hội Giáo viên Seoul nhận định.
“Tôi đồng tinh là giáo viên cần có chuẩn mực đạo đức cao hơn những ngành nghề khác, nhưng điều khiến tôi không hài lòng là việc thiếu đối thoại từ các cơ quan giáo dục. Những vấn đề nhạy cảm như xét nghiệm chất gây nghiện nên được thảo luận kỹ trước khi ban hành”, nữ giáo viên giấu tên công tác tại một trường tiểu học ở Seoul cho biết.
Liên đoàn Giáo viên Gyeonggi có 100.000 thành viên cũng đã lên tiếng chỉ trích các cơ quan giáo dục Hàn Quốc thiếu sự hỗ trợ đối với giáo viên. Theo Liên đoàn, chính phủ nên miễn phí tiền làm xét nghiệm và đảm bảo giáo viên được nghỉ làm để đi lấy mẫu xét nghiệm.
Sau khi nhận được kiến nghị, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã quyết định miễn phí xét nghiệm chất gây nghiện cho các giáo viên, cũng như đảm bảo các thầy cô đi làm xét nghiệm được nghỉ làm 1 ngày mà vẫn có lương.
Loạt quan chức Hàn Quốc mất chức, mất mạng vì quấy rối tình dục cấp dưới
Một vài quan chức cấp cao Hàn Quốc đã bị đưa ra xét xử và nhận án tù sau cáo buộc tấn công tình dục nữ nhân viên cấp dưới.
Minh Thu (lược dịch)