Nhiều gia đình Việt đang chi tiền cho y tế ở mức "thảm họa"
Chi phí dành cho y tế vẫn là gánh nặng với người dân nhất là người già. |
Gánh nặng chi phí y tế
Theo báo cáo từ "Gánh nặng chi phí cho y tế từ tiền túi và bảo vệ tài chính tại Việt Nam 1992-2014", mỗi hộ gia đình Việt Nam tốn 16 USD/tháng cho chi phí y tế. Đây là các khoản tiền mà hộ gia đình phải trả vào thời điểm họ sử dụng dịch vụ y tế, bao gồm: Tiền khám, tiền thuốc, tiên giường, tiền xét nghiệm... Chi phí này không bao gồm tiền đi lại, bồi dưỡng, chi cho mua bảo hiểm và các khoản được bảo hiểm y tế chi trả.
Chi phí y tế “thảm họa” và “nghèo hóa” do chi phí y tế xảy ra ở các hộ gia đình có người già và ở nông thôn, hộ nghèo và cận nghèo. Mặt khác, tác động bảo vệ tài chính của chính sách y tế chưa thực sự rõ ràng.
Nguồn chi này được cung cấp từ 5 nguồn, bao gồm: Ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, viện trợ nước ngoài, chi trực tiếp từ hộ gia đình và các nguồn kinh phí tư khác.
Trong đó, tỷ lệ chi từ tiền túi của hộ gia đình chiếm tới 54,8% - Cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp và gấp 3 lần trung bình thế giới.
Theo PGS.TS Hoàng Văn Minh, điều này dẫn đến hệ lụy gánh nặng chi phí y tế từ tiền túi của người dân rất cao. Minh chứng là có 2,3% hộ gia đình Việt (tương đương 550.000 hộ gia đình) đang gặp phải tình trạng "chi phí thảm họa" - Tức chi phí y tế chiếm bằng hoặc trên 40% khả năng chi trả.
Chi phí 6,6 % GDP nhưng không hiệu quả
TS Hương cho biết giải pháp để giảm được chi tiêu y tế từ tiền túi, đó là mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, những câu hỏi đặt ra là làm thế nào và tốc độ bao phủ ra sao? Sự lựa chọn giữa tăng chậm độ bao phủ qua đóng góp hay dùng thuế hỗ trợ cho khối lao động chính thức?
Đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình của bên cung ứng dịch vụ để hạn chế việc thu lợi từ chi phí của người bệnh.
Thực hiện đổi mới phương thức chi trả - dần thay thế trả theo phí dịch vụ. Tăng cường khả năng của nhà nước để trở thành bên mua chiến lược đối với các dịch vụ tế. Giảm giá thuốc và mức độ sử dụng thuốc, là những biện pháp được báo cáo này đưa ra để giảm tổng chi tiêu cho y tế tính trên GDP.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu tỷ lệ chi cho y tế từ tiền túi của người dân vượt quá 30% thì khó đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đặc biệt, nếu tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân bằng hoặc vượt quá 40% khả năng chi trả của hộ gia đình thì gọi là chi phí thảm họa.
Trên thực tế, chi phí thảm họa tại Việt Nam đã giảm từ 8,2% năm 1992 xuống còn gần 2,3% năm 2014, nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực.