Nhiều di sản tại Việt Nam nguy cơ bị mất danh hiệu di sản thế giới
Đó là cảnh báo vừa được ông Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng năm 2016 diễn ra sáng nay, 12/1/2016, ở Hà Nội.
Ông Lê Hoài Trung (ở giữa) tại Hội nghị tổng kết sáng 12/1/2016. Ảnh: B.M |
Theo ông Lê Hoài Trung, "bảo tồn và phát triển di sản đang là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương trong quá trình đô thị hóa. Các địa phương đang hơi quá trong vấn đề chủ động quản lý và phát triển các di sản. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước và việc triển khai Luật Di sản chưa được nghiêm. Nhiều di sản sẽ sớm không còn giữ được danh hiệu di sản thế giới do UNESCO công nhận".
"Đáng chú ý, năm 2017 tới, nhiều địa phương sẽ phải công bố kết quả thực hiện những cam kết khi được công nhận di sản văn hóa. Trong số 10 cam kết thì đến giờ, tại nhiều địa phương, mới có 2 – 3 cam kết được bắt đầu thực hiện", ông Lê Hoài Trung chia sẻ thêm.
Là một trong những địa phương hiện mới chỉ thực hiện được 2 – 3 cam kết như thế, đại diện Ban Quản lý di tích Thành nhà Hồ, Thanh Hóa cho biết: "Thành nhà Hồ đã được công nhận di sản thế giới từ năm 2011. Nhưng đến nay mới có 3/10 cam kết với UNESCO đang được Thanh Hóa thực hiện, còn lại 7 cam kết vẫn chưa được triển khai. Hàng năm, Ban quản lý đều có lập các kế hoạch, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này. Tuy nhiên, ngân sách địa phương khó khăn nên chưa thể tập trung hết nguồn lực để thực hiện các cam kết với UNESCO".
"Di sản có ý nghĩa và giá trị tương đương Huân chương Sao Vàng. Để được công nhận danh hiệu di sản thế giới đã rất khó khăn, vất vả, giờ để mất danh hiệu di sản sẽ là có lỗi với ông cha, với đất nước. Bởi vậy, một trong những công việc trọng tâm nhất trong năm 2016 là cùng phối hợp bảo tồn những di sản đã được thế giới công nhận để bảo tồn và quản lý những di sản này tốt hơn", Chủ tịch Lê Hoài Trung nhấn mạnh.
Hội nghị thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý của các Bộ, ngành, địa phương. Ảnh: B.M |
Liên quan tới những bất cập trong công tác quản lý, bảo tồn di sản, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch lưu ý câu chuyện: Nhiều địa phương sau khi được nhà nước đầu tư mấy trăm tỷ đồng, hỗ trợ để được công nhận danh hiệu di sản thế giới, giờ lại đang có dấu hiệu manh nha muốn tách riêng phần thu phí ra khỏi hoạt động quản lý di sản để triển khai xã hội hóa. Trong khi đây là một trong những nguồn kinh phí cho việc tái đầu tư, tu bổ để di sản phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Thế Hùng dẫn chứng một ví dụ cụ thể là ở Huế, 40% tiền bán vé được dùng để tái đầu tư và tu bổ di sản. Tuy nhiên, Huế chỉ là một trong số rất ít gương điển hình về việc làm tốt công tác bảo tồn, phát triển di sản như thế.