Nhiễm whitmore, tiên lượng 90% tử vong, nữ bệnh nhân thoát chết thần kỳ
Bệnh viện đa khoa Sơn Tây (Hà Nội) vừa tìm ra bệnh và cứu sống nữ bệnh nhân nhiễm whitmore, bị sốc nhiễm khuẩn nặng. Những ngày đầu nhập viện, bác sĩ tiên lượng nguy cơ tử vong lên đến hơn 90%.
Bệnh nhân Đinh Thị T. đã thoát án tử. |
Vài tháng trước, bệnh nhân Đinh Thị T (62 tuổi, ở Cổ Đông, Sơn Tây) điều trị ở một số bệnh viện do vết thương viêm tấy ở bàn chân trái có hoại tử xương trên nền bệnh nhân tiểu đường tuyp II, tăng huyết áp, suy tuyến thượng thận.
Mới đây, bệnh nhân bị ngã, đập cánh tay bên trái xuống nền nhà vệ sinh. Sau ngã, cánh tay bên trái sưng nề, bầm tím, có hoại tử cơ.
Bệnh nhân được Bệnh viện đa khoa Sơn Tây tiếp nhận trong tình trạng sốt cao kéo dài, rét run, mạch nhanh, huyết áp thấp, khó thở.
Qua thăm khám, chẩn đoán, bác sĩ chỉ định theo dõi sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, hoại tử cơ cánh tay trái trên nền bệnh nhân tiểu đường, tăng huyết áp và suy tuyến thượng thận. Bệnh nhân đã được các bác sỹ khoa Hồi sức cấp cứu và khoa Ngoại chấn thương kết hợp điều trị vừa phẫu thuật vừa hồi sức tích cực, đồng thời cấy máu tại khoa Vi sinh thì phát hiện trong máu bệnh nhân có vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người) gây ra bệnh Whitmore.
TS.BS. Đặng Đức Hoàn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sơn Tây thông tin, trong quá trình hồi sức, đôi lúc tưởng chừng không qua khỏi do bệnh nhân có nhiều bệnh lý kết hợp và bệnh mãn tính. Sau gần một tháng điều trị, với sự nỗ lực của các y bác sĩ, bệnh nhân đã thoát sốc, các chỉ số sinh tồn trở về trạng thái bình thường.
Hiện tại, bệnh nhân đã khỏe lên rất nhiều, tự sinh hoạt. Sau khi đánh giá tổng thể sức khoẻ, ngày hôm nay (28/8), bệnh nhân đã được xuất viện.
Giám đốc Bệnh viện đa khoa Sơn Tây cho biết, whitmore là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn gây nên và mọi lứa tuổi đều mắc bệnh với tỷ lệ tử vong từ 40 đến 60%.
Người có nguy cơ nhiễm bệnh nhiều nhất là nông dân, người có tiền sử đái tháo đường, người nghiện rượu, người có bệnh mãn tính về phổi hoặc thận.
Đáng chú ý, bệnh không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng và dễ nhầm với nhiều bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do tụ cầu, liên cầu.
“Không chỉ khó khăn về chẩn đoán bệnh mà cả việc điều trị cũng hết sức phức tạp vì phải dùng kháng sinh tiêm tấn công liều cao kéo dài liên tục và duy trì từ 3 đến 6 tháng”, TS Đặng Đức Hoàn nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, Trưởng khoa vi sinh Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, những người thường xuyên tiếp xúc với đất như nông dân, công nhân làm gạch và làm xây dựng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh whitmore cao vì vi khuẩn gây bệnh này sống ở đất, vi khuẩn xâm nhập từ vết thương ngoài da vào cơ thể.
Khi cơ thể có vết nhiễm khuẩn lâu khỏi, nguy cơ hoại tử, BS Phúc khuyến cáo người dân nên đến viện, thực hiện cấy máu sẽ phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh và điều trị được triệt để căn nguyên.
N. Huyền