"Nhật ký" người chồng chăm vợ ở cữ, tự tay nấu cháo, thay bỉm, tắm cho con
Khoảng thời gian chăm vợ sau sinh được anh Tuấn Anh ghi lại bằng tất cả tình thương yêu dành cho vợ và đứa con đầu lòng của mình.
Mới đây, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, câu chuyện về hành trình chăm vợ trong thời gian ở cữ được anh Uông Văn Tuấn Anh (TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ thu hút sự theo dõi của nhiều người. Dòng nhật ký được "bố bỉm sữa" viết ra với mong muốn lưu lại những khoảnh khắc chăm vợ bằng sự chân thành đi kèm với hành động thực tế.
Hình ảnh vợ con anh Tuấn Anh |
Anh Tuấn Anh kể lại, anh và vợ về chung một nhà sau gần 4 năm yêu nhau. Từ lúc bé Gấu (tên ở nhà của con anh) đến với vợ chồng anh tới giờ là khoảng thời gian không bao giờ quên với anh.
Lần đầu anh đưa chị đi khám thai, bác sĩ bảo thai chưa vào tổ, anh vẫn chưa tin vợ đã có thai. Sau khi vợ thử 5 cái que thử thai, que cuối cùng mới hiện lên hai vạch, về nhà anh cứ nhắn tin qua lại với bác sĩ để chắc chắn vợ đã có bầu.
Anh Tuấn Anh tắm cho con bằng nước mướp đắng khô để tránh rôm sẩy. |
Trong hành trình thai kỳ, Gấu khiến anh chị sợ hãi khi chị bị tụ dịch trong tháng thứ 4. May mắn thay, vợ anh nằm viện hơn một tuần, điều trị bằng thuốc nội tiết, thai kỳ ổn định trở lại.
Từ ngày vợ anh có thai, anh luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho cả hai mẹ con. Anh tham gia tất cả các hội nhóm để xin kinh nghiệm, mua từng lọ vitamin, canxi, sắt,… để mong em bé và vợ khoẻ mạnh. Có lần thấy vợ có hiện tượng lạ, anh đăng lên hỏi mọi người tư vấn còn bị hiểu lầm là mẹ đẻ của vợ.
Từng tờ giấy siêu âm của con, anh giữ lại không sót tờ nào, anh muốn lưu giữ mọi thứ để làm kỷ niệm về đứa con đầu lòng của mình.
“Ngày tôi đi làm như bao ngày khác, nghe vợ nhắn tin sắp đẻ, tôi cũng không quá bất ngờ vì đã chuẩn bị tâm lý sẵn từ trước. Tôi cũng có cảm nhận và linh tính được điều này khi 3 hôm liền đều mất ngủ”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Lúc vợ vào viện để sinh bé Gấu, anh vội vã bắt xe taxi để về nhà. Trên đường anh thấp thỏm lo lắng vì lúc vợ cần anh nhất thì anh lại không có mặt.
“Khi chạy đến phòng sinh việc đầu tiên tôi không làm như nhiều người hỏi con đâu rồi, con có khoẻ không? Tôi muốn thấy vợ tôi vì lúc này cô ấy là người cần quan tâm nhất”, anh Tuấn Anh kể lại.
Một ngày sau khi sinh, vợ anh được chuyển qua phòng điều trị. Lần đầu nhìn con anh sợ không dám bồng nhưng anh cũng thử để biết cảm giá bế trẻ sơ sinh. Nó khác xa so với tưởng tượng khi anh nhìn thấy con, tuy nặng 3,3kg nhưng anh vẫn thấy con nhỏ xíu, bé bỏng trong vòng tay của mình.
Ngày thứ hai chăm vợ, anh thấy may mắn khi có mẹ vợ hỗ trợ, bà khá tâm lý nên không mâu thuẫn trong cách chăm trẻ sơ sinh. Anh cũng cố gắng giúp đỡ vợ vượt qua những cơn đau sau sinh.
Ngày thứ ba, vợ con xuất viện về nhà, anh có sự hỗ trợ từ bà ngoại nhưng vẫn không có thời gian nghỉ. Anh làm tất cả mọi thứ từ nấu cháo, thay bỉm, tắm cho con đến đi chợ, thay băng cho vợ,…
“Bên tai phải là con khóc vì đói, bên trái là vợ gọi nhưng tôi hạnh phúc vì được làm những điều đó. Xong việc cho hai mẹ con tôi là người ăn cuối cùng, lủi thủi một mình ăn tô cơm với mấy miếng thịt kho tôi có rưng nước mắt. Tôi khóc không phải vì tủi thân mà khóc vì nghĩ tôi đang là người chăm sóc gia đình, con cái”, anh cho hay.
Anh Tuấn Anh cũng hết sức quan tâm tới tâm lý của phụ nữ sau sinh. "Khi đến tuần khủng hoảng (wonder weeks) vợ thường rất dễ bị trầm cảm sau sinh ở giai đoạn này. Hy vọng mẹ Gấu sẽ vượt qua vì tôi phải đi công tác xa. Nhìn thấy vợ trải qua những điều đã qua, tôi vô cùng thán phục những người mẹ, nhất là những bà mẹ chăm con một mình không nhận được sự trợ giúp từ người thân và gia đình”, anh viết.
Sau khoảng thời gian chăm vợ ở cữ, anh nhận ra rằng, phụ nữ là người thiệt thòi và khổ cực nhất. Đừng quan niệm đàn ông không làm được việc nhà, hãy luôn hỗ trợ cùng vợ trong tất cả mọi tình huống để san sẻ cùng nhau. Sau sinh phụ nữ rất nhiều việc, do vậy hãy người chồng nên luôn ở bên để giúp đỡ, động viên và khích lệ.
Mỗi người có một cách quan tâm vợ con khác nhau nhưng anh Tuấn Anh chọn sự chân thành đi kèm với hành động thực tế. |
Anh Tuấn Anh luôn nhớ "chân lý" khi bạn ốm đau, người chăm sóc bạn không ai khác là vợ. Vì vậy, hãy chăm sóc vợ lúc yếu đuối nhất bằng một cách thiêng liêng nhất.
“Cuộc sống gia đình không nói trước được điều gì cả, hôm nay hạnh phúc, mai chia xa là chuyện bình thường trong cuộc sống. Do đó, hãy yêu thương và trân trọng những phút giây ở bên nhau. Phụ nữ sinh ra là để yêu thương chứ không phải là công cụ sinh đẻ và làm việc”, anh Tuấn Anh nói.
Mai Phương
Ảnh: NVCC