Nhà vượt lũ ở Phương Mỹ: Những giấc mơ đã thành hiện thực
Hạnh phúc bên căn nhà vượt lũ
Phương Mỹ là vùng rốn lũ của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Vốn địa hình thấp, trũng nên mỗi khi đến mùa mưa lũ, người dân nơi đây lại oằn mình chống chọi với lũ dữ. Phương Mỹ có 4 thôn với hơn 3.000 nhân khẩu, lại nằm ở 2 bên bờ dòng sông Ngàn Sâu nên hoàn toàn bị nước lũ chia cắt, cô lập. Bởi vậy, nhiều đời nay, người dân Phương Mỹ luôn cháy bỏng ước mơ có được những căn nhà kiên cố và cây cầu nối đôi bờ sông để thuận tiện trong giao thương, đi lại.
Bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Ấp Tiến năm nay đã hơn 60 tuổi. Hơn nửa đời người lăn lộn với “rốn lũ” Phương Mỹ, bà không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần gia đình mình “chạy lụt”.
Căn nhà gỗ nhỏ, lợp ngói xiêu vẹo suốt mấy chục năm là nơi trú ẩn của bà và cô con gái. Cũng như nhiều ngôi nhà khác của người dân nơi đây, phía trên sát mái nhà có một tầng gác được kết từ những tấm gỗ. Mỗi khi nghe thông tin nước lũ tràn về, bà phải tất tả dắt con bò – là nguồn thu nhập lớn nhất nuôi sống hai mẹ con – đi mấy cây số lên chỗ cao để gửi. Sau đó quay về nhà cất những gì có giá trị và thức ăn lên tầng gác mái rồi ở trên đó chờ con nước lên.
Cũng có những cơn lũ quét đến đột ngột vào nửa đêm, hai mẹ con còn không kịp dọn đồ, chỉ kịp dìu dắt nhau leo lên mái nhà kinh hãi nhìn dòng nước lũ trong đêm tối. Mọi đồ vật tích cóp bằng mồ hôi, nước mắt cũng theo đó trôi theo dòng nước. Nếu cơn lũ rút chậm, có khi từ 3-5 ngày, hai mẹ con chỉ còn biết đợi chờ đồ ăn và nước uống từ các đoàn cứu trợ, thường là gói mì tôm cho đến khi nước rút. Cứ năm này qua năm khác như vậy, bà cũng cứ thế sống quẩn quanh mãi trong cái nghèo tưởng chừng như không bao giờ có thể dứt ra được.
Tuy nhiên, từ năm nay, bà đã bớt đi nỗi lo mà trước đây bà còn chẳng dám mơ đến. Được các nhà từ thiện hỗ trợ và vay mượn thêm, bà đã xây được một căn nhà hai tầng vượt lũ trị giá khoảng 100 triệu đồng. Đứng bên căn nhà mới, bà nhoẻn miệng cười không thôi. Bà vui vì từ mùa lũ năm nay sẽ không còn phải trú trên mái nhà tranh tre tưởng chừng bị cuốn theo dòng lũ khi nào không hay. Trên tầng 2 của ngôi nhà xây, dù năm nay chưa có cơn lũ nào tới nhưng với kinh nghiệm của một người dân "rốn" lũ, bà đã mua sẵn nhiều can chứa nước lớn, chum vại để có thể dự trữ thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thanh hạnh phúc bên căn nhà vượt lũ mới hoàn thành. |
Nỗi lo lớn nhất bây giờ của bà là vẫn phải đi gửi con bò ở chỗ cao hơn nếu nước lũ tràn về. Nhưng hơn hết, bà đã có thể an yên. Dù con gái bà bây giờ đã khôn lớn và đi làm xa, không còn ở gần mẹ, nhưng một mình bà, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, vẫn có thể dễ dàng tự lo được cho bản thân khi đã có căn nhà vượt lũ bao nhiêu năm mơ ước.
Khi chúng tôi đến thăm, ông Nguyễn Văn Diệu (51 tuổi) đang ngồi hoàn thiện nền ngôi nhà mới xây. Niềm vui hiện lên trên khuôn mặt gầy đen vì mưa nắng. Dù kinh tế còn khó khăn, nhưng vào năm 2017, nhận được thêm 35 triệu đồng ủng hộ từ một nhà từ thiện, ông đã xây được căn nhà hai tầng vượt lũ trị giá khoảng 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Diệu đang hoàn thiện những khâu cuối cùngcủa ngôi nhà vượt lũ mới xây dựng. |
Ngôi nhà vượt lũ kiên cố trị giá 300 triệu đồng mới sẽ giúp gia đình ông Diệu yên tâm trước mùa lũ so với căn nhà ngói cũ bên cạnh. |
Hằng năm, mỗi khi nước lũ về, đỉnh điểm nước có thể dâng cao đến 4m, cả gia đình 6 người dìu dắt nhau leo lên sàn gỗ áp mái của căn nhà gỗ nhỏ, ăn mì tôm chờ cứu trợ. Bây giờ đã có căn nhà mới, ông không còn lo mỗi khi con nước về, tư tưởng của cả gia đình cũng đã được thoải mái, chủ động được lương thực, nước uống và các đồ dùng có giá trị khi mùa lũ đến.
Ông Phan Văn Quân, Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ cho biết, hiện toàn xã Phương Mỹ đã có tất cả 102 căn nhà vượt lũ, đạt 40% so với nhu cầu của địa phương. Để có những căn nhà này, ngoài nội lực của người dân, còn nhờ nguồn hỗ trợ theo Quyết định 48 về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung của Thủ tướng Chính phủ; nguồn hỗ trợ của các nhà từ thiện. Theo ông Quân, mỗi căn nhà vượt lũ có thể giúp thêm những nhà bên cạnh trú tránh lũ, đem lại cảm giác yên tâm, an toàn khi mùa lũ đã tới gần.
Niềm vui nhân đôi
Bên cạnh những ngôi nhà vượt lũ, hạnh phúc như được nhân đôi khi năm nay người dân Phương Mỹ đã có cây cầu Chợ Hôm mới được xây dựng.
Chị Bình sinh ra và lớn lên bên dòng Ngàn Sâu. Suốt chiều dài 10km đi qua địa phương này không có lấy một cây cầu. Chị nhớ, Phương Mỹ ngày trước có đến 4 bến đò chở người, nông sản qua sông. Sau này chỉ còn 3, rồi 2, rồi 1. Sau khi không còn bến đò thì người dân làm một cây cầu Phao bắc qua sông để thuận lợi cho người dân qua lại. Cũng trên những chiếc bến đò và cầu phao đó, không biết bao nhiêu người đã phải bỏ mạng dưới dòng nước đục ngầu.
Người dân Phương Mỹ cũng chịu nhiều thiệt thòi khi giá nông sản và nhu yếu phẩm ở đây bị đẩy lên cao hơn so với nhiều nơi khác chỉ vì bị chia cắt. Khu chợ Hôm – chợ quê nhỏ nằm bên bờ chiếc cầu phao theo đó cũng đìu hiu, xơ xác cùng cái nghèo, cái khổ của Phương Mỹ. Cho đến khi đã trưởng thành, làm nghề viết báo và lấy chồng ở một nơi khác, chị vẫn không lúc nào thôi ám ảnh, khắc khoải về mong ước một cây cầu của quê nhà.
Cầu Chợ Hôm - cây cầu 40 năm mơ ước của người dân Phương Mỹđã hoàn thành và đưa vào sử dụng. |
Và sau 40 năm chờ đợi, mong ước của chị và người dân xã Phương Mỹ đã được đền đáp. Cầu Chợ Hôm được khởi công từ tháng 6/2017, bắc qua sông Ngàn Sâu với chiều dài trên 115m, rộng 7m có tổng mức đầu tư 47 tỷ đồng. Đến tháng 7/2018, cây cầu đã chính thức được khánh thành, nối nhịp bờ vui.
Khu Chợ Hôm bây giờ nhìn cũng có sức sống hẳn khi nằm bên cây cầu khang trang, vững chãi. Cây cầu hoàn thành đã góp phần đảm bảo an toàn cho người dân Phương Mỹ và các vùng lân cận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản của địa phương.
Nếu được hỏi về cảm giác khi quê hương mình đã có nhiều căn nhà vượt lũ, lại có cây cầu mới, ông Quân, chị Bình và bao người dân Phương Mỹ chỉ có thể mỉm cười và nói gọn trong hai từ “hạnh phúc” - khi những giấc mơ bao đời đến nay đã thực sự trở thành hiện thực.