Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Nhà tôi ngày Tết con cái không nhất thiết ở nhà"
Một vài năm gần đây, khi hội nhập ngày một sâu rộng, khi mức thu nhập của người dân ngày một tăng cao, quan niệm về Tết Nguyên đán của một bộ phận người dân đã dịch chuyển từ “Ăn Tết” sang xu hướng “Chơi Tết”.
Theo đó, người lao động, nhất là những người trẻ chưa lập gia đình, hoặc các gia đình trẻ thường chọn thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán là dịp để đi du lịch, thay vì sum họp với ông bà, cha mẹ như quan niệm truyền thống của người Việt.
Mặc dù “Ăn Tết” hay “Chơi Tết” vẫn còn là đề tài gây tranh cãi, nhưng người Việt cũng đã có cái nhìn cởi mở hơn khi ngày càng có nhiều người mặc dù không ủng hộ bỏ Tết Ta để ăn Tết Tây, nhưng cũng ủng hộ việc tận hưởng ngày Tết bằng một kỳ nghỉ.
Sự sum họp, theo quan niệm truyền thống là phải quây quần với nhau ở một địa điểm nào đó, tại một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, trao đổi với PV báo điện tử Infonet, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng khi chúng ta đang sống trong thời đại 4.0 thì “sum họp” không có nghĩa là ở bên nhau, nhìn thấy nhau. Do vậy, ý nghĩa gia đình vì thế cũng khác.
“Câu chuyện ở đây là cần phải hiểu hai chữ “truyền thống”. Đừng nghĩ rằng cứ giữ cái nếp cũ thì được gọi là truyền thống. Bản chất của truyền thống là phát triển, nhưng phát triển theo kiểu nào để vẫn giữ được giá trị. Giá trị của sự sum họp ở đây là gia đình, còn phương thức thể hiện thì có nhiều cách khác nhau, nếu chúng ta cứ giữ theo cách cổ điển thì có một số cái không phù hợp với sự phát triển hiện nay”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Nhà sử học Dương Trung Quốc. (Ảnh: Nguyễn Tuân) |
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, chúng ta không nên cực đoan đến mức bỏ hẳn Tết cổ truyền như người Nhật Bản. Người Nhật Bản có cách của họ, không phải vì bỏ hẳn Tết âm lịch mà họ bỏ qua những giá trị truyền thống của gia đình. Còn chúng ta nên có bước chuyển đổi dần dần, đáp ứng yêu cầu của đời sống hiện nay.
“Cái “truyền thống” của chúng ta là trong xã hội nông nghiệp, với cường độ lao động hiện nay thì việc nghỉ dưỡng là rất quan trọng, Tết là cơ hội để đi thăm thú các nơi, cũng là dịp để người lao động tái tạo sức lao động, đồng thời kích thích sự phát triển của xã hội.”
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng mỗi một gia đình có những cách thức thể hiện khác nhau, ông lấy ví dụ về gia đình mình với việc con cháu không nhất thiết phải có mặt đông đủ.
“Như gia đình tôi chẳng hạn, các cháu cũng ở Hà Nội cả nên cứ cố gắng làm sao đêm 30 Tết ngồi với nhau một lúc, sau đó anh nào anh ý túa đi, chứ không còn theo lối rềnh ràng của ngày xưa nữa. Như thế vừa thỏa mãn được nhu cầu cả gia đình với nhau, mỗi người đi theo sở thích, hoàn cảnh, nhu cầu của mình”.
Không chỉ có cái nhìn về quá khứ, ông Dương Trung Quốc cũng có cái nhìn về hiện tại và tương lai, với một thái độ rất cởi mở: “Thời đại bây giờ với công nghệ internet, ngồi ở tít đâu đâu vẫn có thể thăm hỏi ông bà, bố mẹ. Thậm chí bây giờ người ta còn làm cúng giỗ online cơ mà. Tất nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, còn đương nhiên lý tưởng nhất vẫn là gặp được nhau, nhưng đó không phải là tiêu chí duy nhất. Trong khi xã hội đã thay đổi, người ta vẫn hướng về gia đình, hướng về tổ tiên, còn làm thế nào thì tùy theo hoàn cảnh từng gia đình, không nên cứng nhắc giữ gìn theo nếp cũ, như thế không có nghĩa là truyền thống. Truyền thống là sự thay đổi mà vẫn giữ được giá trị truyền thống, còn phương thức thể hiện thì mỗi thời một khác”.
Nói về vấn nạn cờ bạc, rượu bia ngày Tết khiến nhiều người phải ngán ngẩm khi nghĩ về Tết, ông Dương Trung Quốc cho rằng bất kể việc gì một khi đã quá ngưỡng sẽ thành tiêu cực, thành tệ nạn.
“Ngày Tết xưa các cụ nhà ta chơi tổ tôm, tam cúc đều là thú vui, nhưng nếu biến thú vui đó thành trò ăn tiền thì lại là cờ bạc. Uống rượu bia cũng thế, có người cực đoan đề xuất cấm rượu bia và coi đó là thứ độc hại, nhưng thực ra không phải thế, ngày lễ Tết người ta còn đặt lên bàn thờ tổ tiên chén rượu cơ mà. Chúng ta phải hướng tới giá trị được định lượng, cũng như khi tham gia giao thông, anh vượt quá tốc độ tối đa cho phép thì bị phạt, cuộc sống cũng thế thôi”.