Nhà đầu tư ngoại vẫn "ngán" DNNN
Môi trường cạnh tranh, những khó khăn về môi trường đầu tư tại Việt Nam chưa hài lòng các hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nước ngoài được nêu ra trong diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2012”.
Nhiều khó khăn khi đầu tư
Bên cạnh vấn đề luật lao động có nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài thì vấn đề các DN nhà nước chiếm tỷ trọng lớn, được ưu tiên hơn cũng là điểm mà nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi đầu tư vào Việt Nam.
Môi trường đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. |
“Số lượng doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam hiện đang giảm nhưng quy mô lại tăng. Lý do là bởi vì vốn và nguồn lực đang tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước, cho dù chính phủ luôn khuyến khích cổ phần hóa. Theo số liệu của Bộ Tài chính, doanh nghiệp nhà nước hiện đang sử dụng khoảng 70% đất đai, sử dụng trên 70% vốn ODA và chiếm 60% tổng số dư nợ.
Mặc dù đã được tập trung nguồn lực nhưng hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước vẫn thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Có thể nói, tái cơ cấu nền kinh tế thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một nhiệm vụ cấp bách. Chính phủ Việt Nam phải xóa bỏ vị thế độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cho những doanh nghiệp này để làm đầu tàu cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới”, Chủ tịch Phòng thương mại Hàn Quốc về môi trường kinh doanh tại Việt Nam - Kim Jung In cho biết.
Đồng thời ông Preben Hjortlund Chủ tịch Phòng thương mại Châu Âu tại Việt Nam - EuroCham cũng chia sẻ: “Các ước tính cho thấy khu vực doanh nghiệp nhà nước đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế. Bản thân điều này không có gì đáng quan ngại. Vấn đề là ở chỗ, các công ty nhà nước nhìn chung được ưu đãi nhiều hơn – thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, chỉ tiêu lợi nhuận thấp, v.v. – và thường hoạt động không hiệu quả. Điều này đang hìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế. Chúng tôi cho rằng Chính phủ cần tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian sớm nhất có thể, để tạo ra một môi trường mang tính cạnh tranh hơn và hoạt động theo cơ chế thị trường”,
Vấn đề giá cả cũng là một khó khăn được ông Preben Hjortlund đề cập đến: “Chính phủ tiếp tục thể hiện sự lưỡng lự đối với việc định giá theo thị trường tự do, và trong một số ngành (chẳng hạn như với ngành năng lượng), việc điều chỉnh giá cũng phải xin sự phê duyệt. Cách thức kiểm soát giá này rõ ràng khiến các đầu tư quan ngại khi họ kỳ vọng được tự thiết lập giá trong các khuôn khổ thông thường được xác lập bởi chi phí và cạnh tranh. Điều nay tạo ra sự không chắc chắn đối với các nhà đầu tư”
Quyền sở hữu trí tuệ chưa được bảo vệ tại Việt Nam cũng là một rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài.Ông Preben Hjortlund bày tỏ quan ngại: “Các nhà đầu tư sẽ không muốn mang công nghệ đến Việt Nam, trừ khi các quyền sở hữu trí tuệ thực sự được bảo vệ. Nếu không, Việt Nam sẽ vẫn bị vướng vào cái bẫy giá nhân công thấp”.
Việt Nam cam kết tạo thuận lợi
Trước những kiến nghị, đề xuất của đại diện các tổ chức DN nước ngoài tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh bày tỏ quan điểm của Chính phủ Việt Nam.
Phó Thủ tướng cho biết: Trong quá trình hoạch định chính sách ở Việt Nam những vấn đề chung được nêu ra: Trong dài hạn thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình kinh tế, tăng trưởng kinh tế nhanh; Trong ngắn hạn trước mắt ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng hợp lý và duy trì an sinh xã hội, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.
“Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm tới các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư và coi các DN, Nhà đầu tư là nhân tối phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ luôn coi những khó khăn và thành công của các DN và nhà đầu tư là khó khăn và thành công của chính mình”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
“Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các DN vượt qua khó khăn để phát triển kinh doanh trong đó có vấn đề về tiếp cận vốn, lãi suất chúng tôi sẽ xem xét để giảm lãi suất”.
Về vấn đề thuế và phí mà các DN nêu ra thì Phó Thủ tướng cũng khẳng định: Hạn chế tăng các chi phí cho các DN, trong đó có cả thuế và phí. Chúng tôi cũng tiếp thu vấn đề này. Về thuế thì Chính phủ Việt Nam đã có lộ trình cải cách thuế đến 2015, trong đó có thuế DN. Chính phủ Việt Nam cũng sẽ xem xét rà soát lại phí và các lệ phí để đảm bảo không tăng gánh nặng cho các DN.
Về vấn đề điều chỉnh lương và tăng lượng tối thiểu, Phó Thủ tướng cho biết: “Hiện nay, tiền lương tối thiểu ở Việt Nam rất thấp, chính vì thấp nên có các DN lợi dụng làm cho tiền lương công nhân ở các DN rất thấp gây khó khăn cho người lao động. Lương tối thiểu theo lộ trình đến năm 2015-2016 thì mới đảm bảo cuộc sống tối thiểu trong điều kiện lao động giản đơn nhất.
Trong lộ trình đó năm 2013 Chính phủ Việt Nam sẽ tăng tiền lương tối thiểu khoảng 22-25%. Tuy nhiên, Chính phủ đã nhận được đơn của các hiệp hội ngân hàng, DN kiến nghị chỉ tăng trong khoảng 17-18% và Thủ tướng cũng đã chấp nhận mức kiến nghị này. Với mức tăng khoảng này thì Chính phủ đã tính toán và phân tích nghiêm túc chỉ có 6,6% số DN phải điều chỉnh mức lương tối thiểu vì mức lương tối thiểu thấp hơn. Và chi phí điều chỉnh cho tăng lương tối thiểu không đến 1%. Như vậy, điều chỉnh mức lương tối thiểu không ảnh hưởng lớn đến các DN".
Liên quan đến vấn đề cải cách DN nhà nước Phó Thủ tướng khẳng định: Chúng tôi sẽ đặt các DN nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng. Việc sắp xếp lại các DN nhà nước trong đó chỉ giữ lại các DN nhà nước lớn. Còn lại sẽ cổ phần hóa các DN đến 2015 và 2020, tăng cường giám sát kiểm tra, thanh tra các DN, đổi mới quản trị các DN”.
Đồng thời để tạo điều kiện hơn nữa cho các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, Phó Thủ tướng cam kết sẽ thực hiện, đào tạo, tuyên truyền để người lao động hiểu biết về pháp luật của người lao động và cũng thực hiện hợp đồng đảm bảo ưu đãi các DN vừa và nhỏ.