Nhà băng lo "mắc bẫy" khi ông lớn hạ lãi suất
Trong vòng vài ngày đã có 4 ngân hàng công bố cắt giảm lãi suất mạnh tay, từ 7,5%/năm về mức 6%/năm. Giảm mạnh lãi suất đầu vào, các nhà băng kỳ vọng sẽ khơi thông được dòng vốn đầu ra hiện đang "tắc".
Nhìn ngó "ông lớn"
Cách đây 3 ngày, NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã gây không ít bất ngờ khi công bố hạ lãi suất về 6%/năm, giảm 1,5 điểm phần trăm so với mức trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – mức 7,5%/năm.
Cụ thể, theo biểu niêm yết vừa điều chỉnh, trần lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng là 6%/năm, 2 tháng là 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm. Kỳ hạn 6-9 tháng, trần lãi suất huy động áp dụng là 7%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với lãi suất trần là 8%/năm.
Lãi suất cho vay cũng được Vietcombank tiếp tục giảm mạnh, theo đó lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường hiện chỉ còn khoảng 10,5%/năm, đặc biệt lãi suất cho vay trung dài hạn đối với các doanh nghiệp thấp nhất cũng chỉ còn khoảng 11,6%/năm.
Sau động thái mạnh tay cắt giảm lãi suất của Vietcombank, 3 "đại gia" trong ngành ngân hàng khác là BIDV, Vietinbank và Agribank cũng đã lần lượt công bố hạ lãi suất huy động đầu vào.
Việc 4 ngân hàng lớn lần lượt tuyên bố giảm lãi suất huy động cho thấy tín hiệu một "đợt sóng" giảm lãi suất đang bắt đầu le lói.
Lý giải cho đợt cắt giảm mạnh tay này, Tổng giám đốc Vietcombank ông Nguyễn Phước Thanh cho rằng, mặc dù lãi suất huy động trong thời gian qua liên tục giảm, nhưng nguồn vốn huy động của nhà băng vẫn tăng trưởng khá, thanh khoản ổn định và vẫn được duy trì tốt trong thời gian khá dài, trong khi đó tín dụng vẫn hết sức trì trệ.Các nhà băng kỳ vọng giảm lãi suất huy động đầu vào sẽ khơi thông dòng vốn đầu ra đang tắc nghẽn Ảnh: Internet |
"Hạ lãi suất huy động sẽ là mũi tên trúng 2 đích khi vừa kích thích các thành phần kinh tế và người dân tiêu dùng nhiều hơn, qua đó giải quyết hàng tồn kho. Đồng thời lãi suất huy động giảm là trực tiếp góp phần giảm chi phí huy động, tạo tiền đề để ngân hàng giảm lãi suất cho vay, khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp" – ông Thanh nói.
Còn đại diện BIDV cho hay, trong đợt cắt giảm lãi suất lần này BIDV mới điều chỉnh giảm các hạn mức lãi suất huy động, còn lãi suất cho vay vẫn áp dụng mức hiện tại.
Nhìn nhận về động thái giảm lãi suất của một số nhà băng lớn, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, đây là bước đi tích cực của các ngân hàng nhằm "dọn đường" cho một đợt giảm lãi suất tiếp theo.
Chuyên gia tài chính ông Nguyễn Đức Trung (Học viện Ngân hàng) nêu quan điểm: "Nếu lạm phát năm nay là 6,97% hoặc 6,6% thì lãi suất huy động còn dư địa về 7% một năm và ở mức này thì người gửi tiền có thể chấp nhận được. Còn nếu kịch bản kinh tế xấu hơn và lạm phát là 6% thì lãi suất có thể hạ tiếp".
Coi chừng "bẫy"
Đây không phải lần đầu tiên nhóm các nhà băng lớn tiên phong trong việc hạ lãi suất huy động. Thường sau những đợt cắt giảm lãi suất của khối này, các ngân hàng lại "nhìn nhau" hạ theo. Liệu lần này kịch bản có lập lại, khi mức lãi suất các ông lớn đưa ra khá "sốc"?
Là người trong cuộc, Phó Chủ tịch NHTMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Đức Hưởng thẳng thắn, "hạ lãi suất chỉ nên vừa phải" để vừa cứu doanh nghiệp, vừa bảo vệ người gửi tiền. Ông cho rằng, hạ lãi suất huy động quá sâu là các ông lớn đang "tự làm khó mình".
Hoan nghênh hành động "tiên phong" hạ lãi suất đầu vào của các nhà băng lớn để từ đó là cơ sở hạ tiếp lãi suất đầu ra cho doanh nghiệp trong bối cảnh “doanh nghiệp đang chết mòn trong đống hàng tồn kho”, song TS. Nguyễn Trí Hiếu không khỏi băn khoăn với mức giảm tới 1,5% thậm chí là 2% lãi suất lần này.
Theo ông, những định chế tài chính lớn, họ có dòng tiền rẻ để giảm sâu lãi suất, nhưng đâu phải ngân hàng nào cũng huy động được dòng tiền rẻ, nhiều ngân hàng nhỏ đang chật vật huy động vốn, huy động tiền từ dân chúng. "Nếu các ngân hàng có giảm lãi suất thì mức giảm cũng không thể mạnh tay như các nhà băng lớn đang làm. Tôi cho rằng, thời điểm hiện tại giảm về 7% để đồng tiền Việt còn sức hấp dẫn" – ông nói
Cũng theo Phó Chủ tịch LienVietPostBank, dư địa hạ lãi suất nếu còn chỉ có thể giảm 0,5% và đây là mức lãi suất tiết kiệm hợp lý mà người gửi tiền có thể chấp nhận được. "Nếu lãi suất giảm sâu xuống 4%, 5% hay 6% thì người gửi tiền chắc chắn sẽ không đem tiền gửi tiết kiệm nữa mà họ sẽ chọn các kênh đầu tư khác như vàng, đô la... Như vậy, các ngân hàng lại sẽ rơi vào bẫy thanh khoản, và các ngân hàng lại rơi vào cuộc đua lãi suất huy động lên cao, điều còn đáng sợ hơn cả nợ xấu " – ông nói.