Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế vì bội chi
Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế vì bội chi
“Hiện nay, chỉ những người mắc bệnh mãn tính mới mua bảo hiểm y tế (BHYT) dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHYT vì bội chi cho những đối tượng này”. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi lấy ý kiến xây dựng đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012 – 2015 và năm 2020 tại khu vực phía Nam, ngày 13/8.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nguy cơ vỡ quỹ là do số thẻ BHYT diện tự nguyện tăng mạnh. Trong khi, đa số đối tượng này chỉ tham gia BHYT tự nguyện khi có bệnh nặng nên chi phí điều trị rất cao. Hiện, tại TP.HCM có 800.000 người tham gia BHYT tự nguyện, với tổng số tiền đóng khoảng 500 tỉ đồng, nhưng BHYT phải chi trả chi phí khám chữa bệnh cho các đối tượng này lên đến 1.600 tỉ đồng.
Điều này cũng một phần do Bộ Y tế không quy định thời gian đóng BHYT bao lâu thì mới được hưởng quyền lợi nên chỉ khi nào người dân đi khám, phát hiện có bệnh mới mua BHYT.
“Trong khi đó, những gia đình có điều kiện lại không tham gia mua BHYT vì chất lượng dịch vụ y tế chưa thu hút được họ. Nhiều người dân vẫn cho rằng, khám tư nhân vừa tiện lợi vừa không phải chịu những rắc rối, rườm rà như: xếp hàng từ 4 – 5 giờ sáng để lấy số khám bệnh, phải chen lấn, chờ đợi trong điều kiện nóng bức, chật chội tại các phòng khám… Đây là điều vô cùng bất cập cho các đối tượng tham gia BHYT”, bà Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho hay, hiện nay, danh danh mục thuốc và danh mục dịch vụ được thanh toán BHYT quá nới rộng. Nhiều biệt dược, dịch vụ kỹ thuật cao không cần thiết cũng được đưa vào danh mục thanh toán BHYT. Nếu không tính toán lại thì BHYT không bền vì chắc chắn sẽ bội chi và gây vỡ quỹ BHYT.
Do đó, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ điều chỉnh lại danh mục thuốc, danh mục dịch vụ được hưởng BHYT, các quy định về vượt tuyến, phân tuyến kỹ thuật… Theo đó sẽ căn cứ vào mức đóng và thời gian đóng BHYT của người tham gia để đưa ra các mức hưởng quyền lợi BHYT tương ứng, đảm bảo quyền lợi hài hòa của người dân trong khả năng cân đối quỹ BHYT.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thêm, Bộ đang dự thảo Đề án BHYT toàn dân. Theo đó, đến năm năm 2015 có trên 75% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT.
Tuy nhiên, hiện nay nước ta chỉ mới có gần 64% người dân tham gia BHYT. Trong 13 tỉnh khu vực ĐBSCL thì có đến 10 tỉnh có mức độ bao phủ BHYT thấp hơn 50%. Do đó, để tiến đến BHYT toàn dân vẫn còn là một thách thức lớn.
Thúy Ngà