Nguy cơ đột tử, đột quỵ khi tập thể thao tại nhà và khuyến cáo của chuyên gia
PGS. TS. BS Võ Tường Kha cho biết, có trường hợp đột quỵ, đột tử khi tập thể thao tại nhà nếu chúng ta không thực hiện nghiêm túc vệ sinh luyện tập, kiểm tra sức khoẻ, theo dõi tình trạng thể lực, bệnh lý tiềm ẩn của bản thân…
Có thể đột tử, đột quỵ ngay khi tập thể thao tại nhà (ảnh minh hoạ) |
Hiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương, chính quyền đã khuyến cáo người dân không ra đường khi không cần thiết.
Việc rèn luyện sức khoẻ tại nhà là một việc nên làm để tăng cường sức khoẻ thể chất và tinh thần, nâng cao sức đề kháng. Tập luyện tại nhà mang lại nhiều sự thuận tiện, chi phí thấp, không tốn công đi lại.
Trao đổi với phóng viên Infonet, PGS. TS. BS, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam Võ Tường Kha cho rằng, các bài tập ở nhà có thể là các bài tập có dụng cụ luyện tập đơn giản như các máy chạy tại nhà, xe đạp tại nhà hoặc các tạ tay hay nhảy dây tại nhà. Ngoài ra cũng có thể tập nhũng bài tập không cần dụng cụ như gym (Plank, Push-up, Ball twist Squats…), yoga hoặc là các bài tập chống đẩy, xà đơn-kép, aerobic hoặc khiêu vũ…
Tuy nhiên, PGS Tường Kha nhấn mạnh việc luyện tập ở nhà do hạn chế về không gian, hạn chế về điều kiện sân bãi, thiết bị tập luyện cũng như trang phục tập luyện không đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu kỹ thuật nên ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng của các bài tập, đồng thời cũng làm tăng các nguy cơ chấn thương.
Theo đó, nguy cơ chấn thương khi tập luyện tại nhà phụ thuộc vào không gian, dụng cụ, kỹ thuật động tác, kỹ thuật thực hiện và tình trạng thể lực và bệnh lý cơ-xương-khớp tiềm ẩn. Ví dụ, nếu bạn chỉ bước lên máy chạy bộ và chạy để đổ mồ hôi thì nguy cơ chấn thương dường như là rất thấp.
Nhưng nếu chúng ta có ý định tập những bài rèn luyện sức mạnh, sức nhanh thì tập tại nhà có thể dẫn đến những chấn thương không mong muốn. Nguy cơ này đặc biệt cao nếu bạn mới tập hoặc thử động tác mới. Nguyên nhân chấn thương thường là do tập sai tư thế, tập với tải trọng (lực đối kháng) quá lớn, cường độ, lượng vận động quá cao hoặc quá sức chịu đựng.
“Để an toàn cho vấn đề luyện tập cần phải tự đánh giá được thể lực, tình trạng sức khoẻ đặc biệt là không được đua tranh, thách đố nhau trong quá trình luỵện tập tại nhà.
Ngoài ra người tập thể thao phải dựa trên nguyên tắc tăng dần về thời gian và cường độ luyện tập, lượng vận động cũng như độ khó. Việc này nhằm đảm bảo sự thích ứng của cơ thể đối với bài tập hàng ngày. Trong quá trình tự tập luyện tại nhà, người tập tự theo dõi, cảm nhận dấu hiệu khác thường để điều chỉnh cường độ, lượng vận động và độ khó bài tập, thậm chí dừng tập và đi đến cơ sở y tế chuyên sâu để khám và điều trị.
Vì điều kiện luyện tập, dụng cụ trang thiết bị cũng như không gian luyện tập không đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như không có giáo viên hướng dẫn kỹ thuật theo sát bên cạnh nên có thể dẫn đến các nguy cơ chấn thương, nặng hơn là các bệnh lý tim mạch. Thậm chí có trường hợp đột quỵ, đột tử nếu không thực hiện nghiêm túc về vệ sinh luyện tập, kiểm tra sức khoẻ, theo dõi tình trạng sức khoẻ, bệnh lý tiềm ẩn của bản thân”, PGS. TS. BS Võ Tường Kha nhấn mạnh.
Để giảm thiểu nguy cơ chấn thương, tai nạn không mong muốn khi tập tại nhà, các chuyên gia lưu ý mọi người những điều sau: kiểm tra đánh giá tình trạng sức khoẻ và bệnh lý tiềm tàng, nhất là bệnh lý cơ-xương-khớp và tim mạch; lựa chọn bài tập và lượng vận động, độ khó phù hợp tình trạng sức khoẻ; chuẩn bị và kiểm tra điều kiện, trang thiết bị, trang phục thi đấu, bảo hộ; chuẩn bị đầy đủ tối thiểu thuốc, vật tư y tế an toàn cho tập luyện; chuẩn bị sẵn sàng nước uống, dinh dưỡng bổ sung đầy đủ.
Tập luyện trước với huấn luyện viên chuyên nghiệp. Trước khi tập tại nhà, chúng ta nên có vài tháng tập dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên chuyên nghiệp tại phòng tập. Đây là khoảng thời gian cần thiết để chúng ta hiểu cấu trúc, lợi ích của các bài tập, kỹ thuật động tác cụ thể, phù hợp. Khi đã thuần thục, người tập có thể tự tập ở nhà. Cách này sẽ giúp giảm nguy cơ chấn thương do vận động sai tư thế, sai động tác hay tập quá nặng.
Nếu bạn không đủ điều kiện tập với một huấn luyện viên chuyên nghiệp thì hãy tìm các video trên mạng hoặc tải các ứng dụng hướng dẫn tập luyện. Ưu tiên các video do các huấn luyện viên chuyên nghiệp thực hiện, hoặc tham khảo các bài tập trên trang điện tử của Tổng cục Thể dục thể thao.
Thực hiện đa dạng các loại bài tập có thể giúp giảm nguy cơ chấn thương. Thay vì chỉ tập một số bài quen thuộc, mọi người hãy thử yoga, chạy bộ hay nâng tạ.
Trong trường hợp không may chấn thuơng trong quá trình luyện tập thể thao tại nhà, các bác sĩ khuyến cáo cần xác định đó có phải là trường hợp khẩn cấp hay không. Nếu bạn không gặp khó khăn trong việc hít thở và đi lại được thì không thực sự đáng ngại.
Lúc này, bạn hãy ngưng tập và thực hiện nguyên tắc PRICE (Pressure; Rest; Ice; Compression; Elevation) vùng đau, chi đau. Nếu là chấn thương nặng thì cần phải sớm đến bác sỹ chuyên khoa khám và điều trị. Trong trường hợp cơn đau dai dẳng, liên tục hoặc ảnh hưởng đến giấc ngủ, sinh hoạt, công việc hằng ngày thì cũng cần ngưng tập ngay và đi khám bác sĩ.
“Thay vì tập luyện trong nhà, tại một số địa phương không yêu cầu hạn chế ra đường, một số người chọn hình thức đạp xe nhằm luyện tập thể thao.
Tuy nhiên, phải đảm bảo đầy đủ nguyên tắc 5K để phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt cần chọn địa điểm, lượng vận động, cường độ vận động thích hợp. Xe đạp phải đảm bảo quy chuẩn, trang thiết bị, trang phục tập luyện phải đảm bảo. Ví dụ có mũ, quần áo, giày dép phù hợp theo mùa.
Đặc biệt khi tập xe đạp trong thời gian kéo dài dưới trời nóng bức như hiện nay với lượng vận động lớn, thì phải chuẩn bị thêm nước uống, thực phẩm ăn nhanh để bổ sung trong quá trình luyện tập nhằm phòng tránh kiệt sức, phòng tránh mất nước, mất điện giải dẫn tới nguy cơ đột quỵ, thậm chí tử vong”., PGS. TS. BS. Võ Tường Kha nói.
N. Huyền