Người vợ “manơcanh”
Ảnh minh họa |
Trong đám cưới cô cháu gái ở quê, chị Ngọc nổi bật bởi “đẳng cấp” của vợ đại gia. Mấy đứa cháu xuýt xoa: “Cái túi thím ấy đang dùng giá khoảng 200 triệu, đôi giày không dưới 15 triệu, cái váy khoảng 10 triệu, đồng hồ 25 triệu, còn vòng cổ kim cương kia cũng tầm hơn trăm triệu…”.
Chị Ngọc vốn là hoa khôi của núi rừng Tây Bắc từng làm xiêu lòng không biết bao nhiêu trai bản lẫn trai phố. Một ngày đẹp trời, vị đại gia buôn gỗ đi khảo sát nguồn hàng gần nhà chị và bị hớp hồn bởi vẻ đẹp trong sáng của bông hoa nơi núi rừng. Rồi người đàn ông lớn hơn chị gần 20 tuổi ấy dùng tiền điều khiển người thân của chị đồng ý để ông làm rể.
Sau ngày cưới, chị trở thành bà chủ, có giúp việc cơm bưng nước rót, chẳng phải động tay chân vào việc gì. Nhiệm vụ duy nhất của chị là cùng chồng đi ngoại giao, làm chồng vui và thỏa mãn trong đời sống chăn gối. Con cái sinh ra, chị cũng không phải chăm sóc nhiều bởi chồng giao hết trọng trách cho giúp việc, gia sư, tài xế… Ba đứa con “hưởng phúc” làm con đại gia nên chúng được phục vụ ngay từ lúc lọt lòng. Nhìn vào cuộc sống thần tiên đó, chẳng có điều gì để than trách. Ấy vậy mà chị Ngọc vẫn ôm nặng nỗi sầu riêng.
- Bao năm nay tôi giống như manơcanh trưng bày tài sản của chồng hơn là một người vợ đúng nghĩa. Anh ấy không tiếc tiền dẫn tôi ra nước ngoài mua sắm hàng hiệu cho dùng, vàng bạc, trang sức trị giá cả tỷ đồng. Mỗi lần dự tiệc làm ăn, anh bắt tôi đeo trang sức, mặc đồ hiệu, thuê thợ trang điểm đến để biến tôi thành một “ngôi sao”. Vì vậy, tôi giúp anh “tỏa sáng” trong những sự kiện ngoại giao. Xong việc trở về, anh thu hồi trang sức, vật dụng dùng để ngoại giao cất vào két. Anh có cả một danh sách ghi rõ đồ đạc mua cho tôi, thỉnh thoảng anh lại kiểm đếm xem tôi có lấy cho ai, hoặc bán đi lấy tiền mang về cho người thân không? Nhìn vào, tôi có tài sản tiền tỷ nhưng thực quyền với số tài sản đó tôi lại không có. Trên mỗi hóa đơn mua hàng đều ghi tên anh.
Chị Ngọc nói, mang tiếng lấy chồng đại gia bao năm nay nhưng chưa một lần được tự mình mang một chút tiền về quê biếu bố mẹ, anh em. Điều đó diễn ra nhiều lần khiến chị biến thành bà vợ đại gia bủn xỉn, giàu có nhưng quên nghĩa anh em, làng xóm. Không một ai hiểu được tình cảnh có “tiếng” mà không có “miếng” của chị.
Em trai chị Ngọc bảo từ ngày chị gái trở thành vợ đại gia, ông con rể giàu có sắm cho bố mẹ vợ một cái két sắt, bảo ở nhà quê cửa giả không cẩn thận có tý tài sản, giấy tờ quan trọng bỏ vào đó cho chắc chắn. Kèm theo đó, con rể tặng kèm 10 triệu đồng gọi là “xông két” lấy may. Mấy năm nay, ngoài tấm bìa đỏ, cái két đó chẳng có cơ hội cất giữ thêm món tiền to tát nào nữa. Nó chỉ trở nên quan trọng mỗi lần vợ chồng chị Ngọc về quê lo việc hiếu, hỉ. Lúc ấy, con rể trưng dụng két để cất đồ cá nhân của hai vợ chồng khi ngủ, khi tắm giặt. Sau khi vợ chồng chị Ngọc trở về thành phố, cái két lại nằm im lìm một xó, quanh năm rỗng ruột.
Giàu lên nhờ bản chất con buôn nên con rể tận dụng tất cả các cơ hội để thu lợi trong mọi tình huống. Khi bố vợ mất, con rể tuyên bố sẽ bỏ tiền ra để làm đám tang xứng tầm là bố vợ đại gia. Người dân phố núi đến giờ vẫn không thể quên được đám tang kéo dài gần một tuần phúng viếng, vòng hoa xếp hàng dãy đường làng ngõ xóm. Sau đám tang bố vợ, anh con rể chở về thành phố một ô tô chứa mấy bao tải tiền phúng viếng “đáp lễ” làm ăn. Nỉ non hết lời, chồng chị mới để lại cho người thân của vợ một món tiền nho nhỏ gọi là “lộc của bố”.
Người chồng đại gia ấy không chỉ biến vợ thành “manơcanh” mà còn “tiêm” vào não mấy đứa con suy nghĩ bố có tiền của, còn mẹ “ăn bám” nên chẳng có quyền gì. Do vậy, chúng răm rắp nghe theo sự chỉ đạo của bố, phớt lờ mọi lời răn dạy của mẹ. Mỗi khi nhìn thấy chị có ý định dùng đòn roi để trừng phạt, chúng bảo “mẹ có quyền gì mà đánh con”, rồi gọi điện mách bố. Những lúc vợ chồng mâu thuẫn, mấy đứa con đều đứng về phía bố chỉ trích mẹ. Ngột ngạt với cuộc sống không thể tự quyết được vấn đề gì, con cái coi thường, chị “dọa” ly hôn. Ai ngờ vừa nói ra, chồng bảo chị đến thế nào thì ra đi như thế, nếu ở lại thì vẫn là vợ đại gia, bước chân khỏi nhà sẽ biến thành kẻ trắng tay. Mấy đứa con cũng tuyên bố, mẹ ly hôn thì sống một mình, còn chúng sẽ ở lại với bố.
Hạ Thi/Báo Phụ nữ Thủ đô