Người Việt: Tuổi thọ trung bình xếp 58/177 quốc gia
Người Việt: Tuổi thọ trung bình xếp 58/177 quốc gia
Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng lên 72,8 năm, đứng thứ 58/177 nước |
Cơ cấu dân số "vàng"
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dân số nước ta hiện đứng hàng thứ 13 trên thế giới, với quy mô xấp xỉ 87 triệu người, mật độ dân số 257 người/km².
Đáng chú ý, trong những năm tới, dân số Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng, với mức tăng trung bình hơn 1 triệu người/năm, có nghĩa là tương đương với dân số của một tỉnh trung bình ở nước ta.
Hôm nay (11/7) , thế giới kỷ niệm ngày Dân số thế giới, với thông điệp ấn tượng “Thế giới 7 tỷ người”. Thông điệp này khẳng định, dân số thế giới tiếp tục gia tăng mạnh mẽ, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn đối với bất kỳ quốc gia nào.
Mặc dù dân số nước ta đang ở mức cao so với nhiều quốc gia trên thế giới nhưng đáng mừng, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” và sẽ kéo dài tới năm 2040. Thời kỳ dân số “vàng” đồng nghĩa với việc số người trong độ tuổi lao động của chúng ta tăng mạnh, giúp đất nước có nguồn lao động trẻ dồi dào, tạo đà để phát triển kinh tế - xã hội.
Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng lên 72,8 năm, đứng thứ 58/177 nước, nhưng đáng buồn là tuổi trung bình khỏe mạnh chỉ là 66 tuổi, xếp thứ 116/177 nước trên thế giới. Các chỉ số về thể lực như chiều cao, cân nặng, sức bền, suy dinh dưỡng… của người dân và trẻ em nước ta vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.
Hiện cả nước vẫn còn hơn 3 triệu hộ gia đình nghèo và 1,6 triệu hộ thuộc diện cận nghèo. Trong số này, không ít hộ rơi vào cảnh thiếu ăn, đứt bữa thường xuyên.
Tổng chi phí chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 5%-6% tổng GDP, tương đương khoảng 46 USD/người/năm là mức thấp hơn các quốc gia khác trong khu vực. Hiện nay, cả nước vẫn còn hơn 3 triệu hộ gia đình nghèo và 1,6 triệu hộ thuộc diện cận nghèo.
Tuy nhiên, cơ hội vàng có thể bị bỏ lỡ...
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hiện nay, mỗi năm nước ta có khoảng 1,4 – 1,6 triệu người bổ sung vào lực lượng lao động. Sự dồi dào của lực lượng này thực sự đang tạo ra cơ hội vàng cho sự phát triển xã hội. Một khi lực lượng này được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động vào sản xuất, điều tất yếu sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích luỹ lớn cho tương lai của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội khi nước ta bước vào giai đoạn “dân số già.”
Qua nghiên cứu, các chuyên gia dân số đã kết luận rằng, giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” chỉ có thể kéo dài nhất là 40 năm. Như vậy, việc nắm bắt cơ hội này để tạo nên một bước đột phá cho sự phát triển của đất nước thật không dễ dàng gì. Nếu không thật khẩn trương và triệt để, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội và đi đến giai đoạn dân số già mà không hề có được một nền tảng vững chắc về kinh tế và an sinh xã hội.
Thanh Hà
Tổng hợp