Người Việt ở nước ngoài: Khổ nhất là hạn chế tiếng Anh
Người Việt ở nước ngoài hạn chế tiếng Anh. Ảnh minh họa |
Trầm cảm vì hạn chế tiếng Anh
Cưới chồng được 5 năm, chị Dương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã được chồng đón sang Anh sống cùng. Cách đó vài tháng, khi sang thăm chồng, chị từng ao ước có ngày cả nhà được sống ở đất nước đó vì không khí trong lành, cảnh đẹp.
Khi học xong tiến sĩ, chồng chị Dương xin được việc làm và nói sẽ đón vợ con sang sống cùng, chị Dương đã gật đầu ngay. Việc đầu tiên, chị đăng bán căn nhà chung cư của hai vợ chồng ở Time City. Dù công việc ở Hà Nội đang làm phòng pháp chế cho một ngân hàng, thu nhập cao nhưng chị Dương vẫn quyết nghỉ. Chỉ nghĩ sang bên đó điều kiện thuận lợi, con cái được học hành tốt hơn. Chị cân nhắc kỹ nếu ở Việt Nam kiếm tiền cho con đi du học sau này thì chị chọn sang đó sống ngay từ giờ tốt hơn. Để chuẩn bị hành trang sang Anh, chị Dương lên kế hoạch học thêm tiếng Anh để có thể giao tiếp tốt khi sang đó.
Nhưng cuộc sống xứ người không màu hồng như chị tưởng. Chồng ngày ngày đi làm, các con cũng đi học, chị lủi thủi ở nhà một mình. Mùa hè thì lúc nào cũng ẩm thấp và khó chịu. Đến mùa đông, xung quanh tuyết trắng xóa. Giao tiếp tiếng Anh không được tốt, chị nói người ta không hiểu đôi khi khiến chị ngại giao thiếp hơn. Chị càng thấy cô quạnh và buồn chán. Chị nhớ Hà Nội, nhớ những buổi trưa tụ tập bạn bè, nhớ buổi tối mấy mẹ con dắt nhau đi chơi. Còn ở bên này, cứ mặt trời xuống núi mọi thứ cũng kết thúc sau cánh cửa.
Bằng cấp trong nước vô giá trị, ngôn ngữ hạn chế, chị muốn tìm việc để đi làm cho đỡ buồn và chia bớt gánh nặng kinh tế cho chồng nhưng không được. Cuối cùng sau 2 năm sống ở Anh, chị Dương lại về nước. Chị phải đi chữa trầm cảm mất vài tháng. Việc đi làm lại cũng nan giải chẳng kém gì lúc ở Anh.
Làm gì khi học tiếng Anh ở nước ngoài
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Viện Garvan (Australia), khi rời Việt Nam, công việc đầu tiên của ông là phụ bếp, rửa chén tại bệnh viện St Vincent's ở Sydney và ông cho rằng bất cứ người Việt nào muốn thành công ở nước ngoài đầu tiên đó là phải học tiếng Anh.
Tiếng Anh ngày nay đã trở thành một ngôn ngữ loại ngôn ngữ phổ quát. Đi đâu cũng thấy người ta dùng tiếng Anh để giao tiếp với nhau. Không chỉ trong khoa học, ngoại giao, mà còn trong văn chương nữa, tiếng Anh gần như là một ngôn ngữ thống trị, là phương tiện để chúng ta gần lại với nhau. Nó còn là một phương tiện mở mang kiến thức và tiếp thu thông tin.
40 năm trước, những ngày đầu mới sang Australia định cư, GS Tuấn tâm sự tiếng Anh thực sự là điều hạn chế nhất với ông. Có lúc, ông vào hiệu sách muốn mua quyển sách chỉ vì phát âm sai nhân viên nhà sách không biết ông mua gì.
Ông sợ nói tiếng Anh vì chỉ sợ giao tiếp với người khác họ không hiểu. Nhưng rồi, Giáo sư Tuấn bắt đầu nghiệm ra một điều là mạnh dạn nói, mạnh dạn giao tiếp mới có thể cải thiện được tình trạng tiếng Anh của mình.
Đến nay, giáo sư Tuấn cho rằng tiếng Anh lại là một rào cản đối với nhiều người Việt. Theo một bảng xếp hạng về EF English Proficiency của nhóm Education First (Thụy Sĩ), Việt Nam đứng hạng 41 trên thế giới. Với thứ hạng này xếp Việt Nam vào nhóm trung bình trên thế giới.
GS Tuấn tâm sự thời gian đầu qua Australia, ông cũng chẳng bao giờ có dịp học tiếng Anh một cách bài bản trong trường lớp. Khi ở Thái Lan chuẩn bị di cư, những ngày đầu mới đến hostel dành cho người di cư, ông cũng được cho đi học một lớp tiếng Anh, nhưng là loại dành cho người đi xin việc. Lúc nào cũng “How are you today”, “I am fine, thank you”, “Where were you from?”, “How long have you been here?”, v.v. Tuy nhiên, chỉ sau 1 tuần không chịu nổi với cách dạy như thế nên ông bỏ học.
Và GS Tuấn bắt đầu quá trình tự học tiếng Anh của mình. Khi đã trở thành người nói tiếng Anh thành thạo cả về nhấn giọng đến phát âm. Giáo sư Tuấn đưa ra kinh nghiệm gói gọn trong 5 điểm: từ điển & trầm mình trong tiếng Anh, học từng chữ một, mạnh dạn nói, học từ báo chí & truyền thông, và đọc sách văn học.