Người phụ nữ “Vươn lên từ cánh hoa khuyết”
Chị Nguyễn Thị Diệu Linh đang kết hạt thành những chiếc móc khóa cho kịp đơn hàng. |
Vượt khó vươn lên
Sinh ra trong một miền quê nghèo, những tưởng cuộc sống an yên nhưng khi lên 2 tuổi cô bé Nguyễn Thị Diệu Linh bất ngờ bị một cơn sốt nặng. Sau cơn ốm đó, đôi chân Linh không còn có thể cử động được nữa.
Linh đã có một thời gian dài tự ti, mặc cảm sống khép kín với mọi người. Tuy nhiên những lời động viên từ gia đình, bạn bè đã vực cô đứng dậy.
Từ những bước chân đầu tiên đầy khó khăn, đau đớn tới trường cho đến khi Linh kết thúc 12 năm học với danh hiệu học sinh khá giỏi là nỗ lực phi thường mà không phải ai cũng có.
Luôn đam mê khao khát cháy bỏng theo con đường học vấn, thế nhưng một lần nữa mong ước nhỏ nhoi ấy cô cũng không đạt được. Các trường đại học cao đẳng lần lượt từ chối nhận Linh vì không đủ sức khỏe để theo học.
Buồn bã, cô tiếp tục thu mình trong nhà và gắn bó với “bạn thân” là một chiếc máy may. Từ những đường cắt sửa đồ đạc của người thân, cô học đã học thêm rồi nhận áo quần về gia công tại nhà.
Trong một lần nhận được lô hàng từ nước ngoài cần đính cườm vào áo, tuy nhiên nhìn sản phẩm sau khi làm ra lại thấy không vừa mắt, Linh quyết định theo học một khóa kết cườm.
Sẵn niềm đam mê lại thêm quen biết một người bạn có sở thích kết cườm, cô nhờ luôn người này chỉ dạy. Những sản phẩm đầu tiên Diệu Linh làm ra chủ yếu là móc khóa, tranh, tuy nhiên làm được bao nhiêu cô cũng chỉ để tăng người quen vào ngày sinh nhật, hoặc cho bà con lối xóm.
Cứ cho như vậy cho đến khi nguyên vật liệu, tiền bạc dần hết cô mới nảy ra ý tưởng bán những sản phẩm nhỏ ấy. Trời không phụ lòng người, sản phẩm Linh làm ra ngày một nhiều, bán ổn định hơn lại không mất mát hao hụt.
Dáng người gầy, nhỏ bé đi lại khó khăn nhưng bù lại đôi tay cô lại rất linh hoạt. Những viên đá vô tri vô giác dưới bàn tay cô trong giây lát được tạo hình hài thành những bông hoa, chiếc túi xinh xắn.
Trong một lần gặp mặt bạn bè tại khu du lịch Văn Thánh, cô thấy một quầy hàng bỏ trống nên ngỏ lời với Ban quản lí khu du lịch để mong được hỗ trợ một quầy bán hàng. Kể từ đó đến nay Diệu Linh bán tại Văn Thánh đã được ba năm. Cứ mỗi sáng chủ nhật hàng tuần cô gọi xe ôm vượt hơn 10 km tới điểm bán.
Đôi tay linh hoạt trong chốc lát những hạt cườm đã đước tạo hình hài thành những chiếc móc khóa ngộ nghĩnh. |
Không ngừng học hỏi
Hiện ã làm chủ một cơ sở đồ Handmade (phường Tân Quy, quận 7) nhưng Diệu Linh vẫn không ngừng học tập. Mỗi khi có sự kiện, hội thảo tư vấn, dạy nghề cho người khuyết tật cô đều nhiệt tình tham gia.
Nói về dự định sắp tới cô mỉm cười cười chia sẻ: “Dự định thì rất nhiều nhưng sẽ triển khai một số trước, còn một số để sau chứ triển khai hết một lúc nhiều quá kham không nổi”.
Theo cô, giờ đây khi mạng xã hội phát triển “người người kinh doanh online, nhà nhà kinh doanh online”,việc buôn bán của cô cũng gặp nhiều khó khăn khi hàng làm ra chững lại, khó bán.
Chính vì vậy cô đang học thêm một khóa chụp ảnh, bán hàng qua mạng để sắp tới vừa bán ở cửa hàng vừa bán online.
Cô tâm sự: “Bây giờ hàng mình làm ra không đại trà nữa mà phải phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Tiêu biểu là các ngày lễ lớn, như ngày Giáng Sinh thì cơ sở sẽ làm các quả cầu, các móc khóa treo lên cây thông, ngày 8/3, ngày 20/10 cơ sở sẽ sản xuất bóp, ví để phục vụ nhu cầu khách hàng mua biếu, tặng…”
Sắp tới không chỉ chuyển qua bán online mà Diệu Linh còn muốn dạy nghề cho nhiều người hơn. Người được học nghề không chỉ là người khuyết tật mà còn có trẻ em, người già ở các khu chung cư.
Cô mong rằng sau khi học nghề xong, học viên có thể tạo ra những món quà để tặng người thân bạn bè hay đơn giản là dùng vào cuộc sống.
Không những vậy Diệu Linh còn muốn liên kết những người khuyết tật làm đồ handmade lại với nhau. Cô cho biết sẽ chịu trách nhiệm cho đầu ra sản phẩm, làm hàng mẫu cho các bạn để mọi người có việc làm ổn định.
“Được sống được làm việc theo niềm đam mê, tạo ra những sản phẩm có giá trị sẽ khiến cuộc sống có ý nghĩa hơn, nên dù khó khăn tôi cũng không dễ dàng bỏ cuộc” – cô chia sẻ.