Người phụ nữ mù chữ 32 năm tặng quần áo cũ cho người nghèo
Bà là Lương Thị Em (52 tuổi), ngụ tại số 60/41/12 đường Lý Chính Thắng, P.8, Q.3, TP.HCM. Bà vẫn được bà con ở con hẻm này gọi với cái tên - bà Hòa “từ thiện".
Bà Em tự tay khâu từng chiếc nút áo, chăm chút từng tí một những chiếc áo cũ rồi mới mang đến cho người nghèo |
Bà tâm sự rằng suốt 32 năm trời làm từ thiện bà gặp muôn vàn khó khăn vì mình…không biết chữ. Vậy mà bằng tấm lòng nhân ái của mình, suốt quãng thời gian đó bà đã tặng hàng ngàn bộ áo quần cho nhiều người nghèo ở khắp các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ.
“Vì không biết chữ nên tôi không thể nhớ nổi mình đã đi đến những địa phương nào, chỉ biết mình theo các đoàn thiện nguyện lên với những vùng đồng bào dân tộc hoặc những vùng quê khó khăn. Nhiều lần cũng nhờ người ta ghi chép chỗ này, chỗ kia mà mình đi qua nhưng nhờ mãi đâm ra ngại lắm”- bà Em kể.
Chẳng hiểu bà “bén duyên” với công việc quyên góp áo quần cũ như thế nào mà theo bà kể từ rất lâu rồi, bà đi làm mướn cho người ta, thấy nhiều gia đình có điều kiện khi đi mua sắm về liền bỏ bớt những món đồ cũ. Nhìn những món đồ còn mới bị bỏ đi bà lại nghĩ đến những người bán vé số, những trẻ em đánh giày mặc chiếc áo với nhiều lớp vá chằng chịt, nhiều người thậm chí còn mặc áo rách. Vậy là bà xin lại những món đồ cũ về giặt giũ, ủi phẳng rồi đem tặng cho người nghèo.
Tấm bảng treo trước cửa nhà đã quen thuộc với người dân |
“Bây giờ đời sống nhiều người cao rồi, không còn phải mặc áo rách như cách đây vài chục năm trước. Nhưng ở nhiều vùng núi cao hoặc nơi xa xôi hẻo lánh việc có một chiếc áo lành lặn mặc vẫn là một niềm vui” - Bà Em chia sẻ.
Sợ những người nghèo cảm thấy mặc cảm khi nhận đồ cũ bà cẩn thận giặt giũ sạch sẽ, có chiếc cúc áo nào mất thì bà tự tay xâu chỉ đơm lại, chỗ nào bị xổ chỉ bà khâu lại cho tươm tất rồi ủi cho thật phẳng. Bà quan niệm, người nghèo cũng có lòng tự trọng của họ, tặng quần áo cũ rồi nhưng phải làm sao đó để khi nhận những chiếc áo quần của mình thì họ cảm thấy vui mới được.
Sau khi giặt ủi kỹ càng, kiểm tra từng chiếc áo bà xếp ngay ngắn đóng gói vào những chiếc túi ni lông rồi cho vào bao tải. Nghe có đoàn từ thiện nào chuẩn bị về các vùng khó khăn tặng quà là bà xin đi theo. Những vùng đất nghèo suốt 32 năm qua từ vùng núi cao như Đà Lạt (Lâm Đồng) hay các vùng quê như Sóc Trăng, Đồng Nai, Tây Ninh đều có dấu chân của bà.
Việc tốt như được lan tỏa, nhiều người biết việc thiện của bà cũng ủng hộ theo dù họ cũng không khá giả gì. Chị Trần Thị Phượng, người bán ve chai trú ở đường Cô Giang, quận 1 cho biết: “Thấy cô cứ chạy xe chở áo quần cũ đi quyên góp cho người ngheo mình cũng muốn đóng góp thôi. Mình cũng không giàu có gì, không mặc đồ hiệu nhưng ở đâu đó sẽ có những người cần đến những bộ đồ cũ. Nói là đồ cũ nhưng mình cũng phải “lựa chọn” những bộ áo quần không đến mức…cũ tặng cho họ để họ không cảm thấy buồn”.
Chở quần áo cũ cho người nghèo |
Chị Đặng Thị Anh Thi, một gia đình nghèo ở Q.11, TP.HCM được bà tặng hàng chục chiếc áo cũ rất cảm kích với tấm lòng của bà.
“Tuy là đồ cũ nhưng mới nhìn không ai nói là đồ cũ cả. Nhờ có cô mà sắp nhỏ nhà tôi có những bộ áo quần tươm tất để đến trường. Nhiều năm không may đồ mới cho mấy đứa nhỏ cũng áy náy lắm. Mình còn nghèo, lo chạy ăn từng bữa là may rồi huống hồ chi nói đến việc mặc”- chị Thi kể.
Nhiều năm đi quyên góp quần áo cũ, dù sống ở TP.HCM nhiều năm nhưng bà vẫn bị…lạc đường vì không biết chữ. Đó là lần đi nhận quần áo cũ của một chị công nhân ở quận 2, bà bị lạc mất suốt 1 buổi sáng để tìm đường. May thay nhờ có địa chỉ cụ thể của chị công nhân mà bà được một người đàn ông tốt bụng dắt đến tận nhà.
Với tấm bảng hiệu quyên góp đồ cũ, nhiều năm qua bà em được nhiều bà con cả khu phố quý mến vì bà xuất thân nghèo mà có tấm lòng thật đáng quý.