Người nông dân và tuyến đường tự mở
Khu vực khe Cán Hồ thuộc thôn Thái Niên, xã Thái Niên (Bảo Thắng) có hơn 300 ha rừng cùng một số diện tích ao và ruộng nước, nhưng vì không có đường giao thông nên việc sản xuất của 52 hộ dân có đất ở đây nhiều năm qua không phát huy được hiệu quả kinh tế.
Anh Vương Văn Phúc. |
Với 7 ha rừng trồng và một số diện tích ruộng, nương nằm trong khu vực này, nên gia đình anh Vương Văn Phúc cũng gặp nhiều khó khăn khi muốn phát triển sản xuất. Tâm sự với chúng tôi, anh Phúc cho biết: Năm 2008, gia đình tôi trồng sắn trong khe Cán Hồ, khi thu hoạch bán được 130.000 đồng/tạ, nhưng sau khi trừ chi phí vận chuyển thì hầu như không có lãi. Đối với rừng trồng cũng vậy, bán cả đồi gỗ cũng chỉ được vài chục triệu đồng, vì chi phí cho vận chuyển quá lớn... Từ thực tế đó, anh đã bàn với vợ và đưa ra quyết định “táo bạo” khi đứng ra xin mở tuyến đường dài gần 4 km vào khe Cán Hồ.
Nghĩ là làm, vợ chồng anh Phúc viết đơn gửi lên UBND xã, xin phép được chủ trì huy động nhân dân trong khu vực tự mở đường. Ý định ấy của anh được UBND xã Thái Niên nhất trí, ủng hộ. Được phép của chính quyền, anh Phúc tổ chức họp các hộ dân có diện tích canh tác để bàn cách chung sức mở đường. Phần lớn các hộ tham gia nhất trí, nhưng một số hộ còn tỏ ý băn khoăn vì phải hiến nhiều đất ruộng, trong khi kinh tế còn khó khăn.
Đôi lúc anh Phúc cũng thấy nản chí, bởi kinh phí để mở gần 4 km đường không phải nhỏ, trong khi kinh tế gia đình anh cũng không lấy gì làm khá giả. Chia sẻ với chúng tôi, anh Vương Văn Phúc kể: Nếu ai cũng ngại, không muốn đứng lên chủ trì thì việc lớn ắt không thành. Gia đình tôi cũng nghèo, trong nhà không có vật dụng sinh hoạt đắt tiền, nhưng nhất định phải cố gắng dồn lực làm cho bằng được con đường này. Có đường sẽ có tất cả! Khó khăn là vậy, nhưng thuận lợi cũng nhiều, ngoài việc chính quyền xã ủng hộ về chủ trương, tôi được người bạn làm doanh nghiệp ở thành phố Lào Cai hỗ trợ một phần kinh phí. Có động lực, tôi bắt tay vào khảo sát, tính toán, dự kiến tuyến đường phải mở sẽ có chiều dài gần 4 km, mặt đường rộng tối thiểu 3 m. Như vậy, chỉ tính riêng chi phí công san gạt và hệ thống cống thoát nước cũng lên tới hơn 200 triệu đồng.
Sau khi nhận 45 triệu đồng hỗ trợ của bạn, cộng với đóng góp của các hộ trong thôn được 19 triệu đồng, anh Phúc quyết định dồn hết vốn liếng của gia đình để tiến hành thi công. Quá trình thi công cũng gặp không ít khó khăn do nhiều lần phải thay đổi tuyến thiết kế vì không có kinh phí cho việc nắn suối. Mỗi lần đổi tuyến là một lần anh Phúc phải “đàm phán” với các hộ liên quan để đất thi công, rồi phải làm cống dẫn nước, thoát nước để trả lại khả năng canh tác cho những hộ có ruộng bị ảnh hưởng… “Nhưng mọi khó khăn đều phải lùi bước, bà con thấy tôi nhiệt tình và cũng nhận ra lợi ích sau khi tuyến đường được mở nên rất nhiệt tình ủng hộ”- anh Phúc chia sẻ. Sau hơn 2 tháng san đắp, đến nay tuyến đường đã cơ bản hoàn thành, mặt đường tuy chưa được cứng hóa vì khả năng kinh phí có hạn, nhưng công nông đã vào được hơn 3 km để vận chuyển gỗ và nông sản. Theo anh Phúc, toàn bộ chiều dài của tuyến đường là 3,6 km, mặt đường rộng 3 m, chỉ cần mở thêm 500 m nữa là có thể nối thông với thôn Tân Thắng.
Ngày đưa tuyến đường vào sử dụng, bà con trong thôn vỡ òa niềm hạnh phúc, bởi từ nay giao thông thuận lợi đồng nghĩa với việc kinh tế sẽ phát triển. Còn riêng anh Phúc, có đường nhưng chưa hết lo; đó là nỗi lo về khoản nợ hơn 30 triệu đồng vẫn chưa thanh toán với bên B, rồi làm thế nào để bảo vệ, không để đường xuống cấp...
Tuyến đường vào khe Cán Hồ được hình thành không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của hơn 50 hộ dân có diện tích đất canh tác tại đây, nó còn tạo ra một tuyến mới, nối Ga Thái Niên với thôn Tân Thắng. Đây thực sự là công trình rất đáng được ghi nhận, thể hiện nỗ lực của chính người dân khi họ nhận ra được vai trò quan trọng của giao thông trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
MẠNH NGUYÊN/Báo Lào Cai