Người nhà tố bác sĩ thờ ơ khiến bệnh nhân nguy kịch, Bộ Y tế vào cuộc
Chị Nghĩa vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. |
Nguy kịch vì chuyển viện muộn
Đến chiều ngày 6/5, chị Nghĩa đang nằm cấp cứu tại Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Bệnh viện Việt Đức vẫn trong tình trạng sức khỏe rất yếu. Chị Cấn Thị Lợi - chị dâu của chị Nghĩa cho biết: “May mà gia đình đã đưa bệnh nhân lên bệnh viện Việt Đức kịp thời, nếu chậm không biết giờ này ra sao nữa”.
Chị Lợi kể, đêm 2/5, chị Nghĩa đau bụng quằn quại, chị được chuyển đến khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cấp cứu.
Chị Lợi kể khi đến Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ chẩn đoán chị Nghĩa bị dính ruột và ruột đã hoại tử, tiên lượng 95% không thể cứu. Nói trong nước mắt, chị Lợi kể cả nhà bàng hoàng khi bác sĩ nói bệnh nhân đến viện quá muộn, lẽ ra phải đến trước 6 tiếng mới có cơ may sống. Nhưng gia đình hi vọng còn nước còn tát nên quyết định cho làm phẫu thuật.
Đến nay sau 3 ngày phẫu thuật, tình hình sức khỏe của chị Nghĩa vẫn chưa thể tiên lượng được điều gì. Chị Lợi cho biết hoàn cảnh chị Nghĩa rất khó khăn. Chồng chị Nghĩa mới mất năm ngoái, một mình chị Nghĩa nuôi hai con nhỏ. Nhìn thấy em nằm cấp cứu chưa biết sống chết thế nào, chị Lợi cho biết “Giá như bác sĩ quan tâm đến bệnh nhân một chút, cho đi xét nghiệm chiếu chụp luôn thì giờ này chị Nghĩa đã không như thế”.
Nói về tình trạng của bệnh nhân Nghĩa, bác sĩ Đỗ Tất Thành, khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho biết bệnh nhân được chẩn đoán mổ do tắc ruột. Khi phẫu thuật, phía trong ruột bệnh nhân đã thối và xuất hiện hoại tử, vì thế các bác sĩ phải cắt hết những đoạn ruột hỏng.
Chuyển viện chậm là do người nhà
Theo hồ sơ tiền sử bệnh tật thì bệnh nhân Nghĩa bị sỏi mật đã mổ 3 lần. Người điều trị cho chị Nghĩa là bác sĩ Nguyễn Minh Chiến. Từ khi nhập viện, các bác sĩ đã chẩn đoán tắc ruột và tiến hành xử trí theo hướng đó, tiến hành đặt xông, truyền dịch... nhưng không có tiến triển. Đến sáng đưa bệnh nhân đi chiếu chụp thì bệnh nhân yếu dần đi. Bệnh viện cho chuyển tuyến nhưng phía người nhà bệnh nhân chưa đông đủ và phải chờ người nên dẫn đến chuyển tuyến muộn.
Nói về việc không cho bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau, ông Đính cho rằng bác sĩ làm đúng chuyên môn vì bệnh này phải theo dõi từ từ. Còn việc bác sĩ không thăm khám chăm sóc bệnh nhân hay mắng mỏ người nhà, ông Đính thừa nhận những lời nói đó ông không chứng kiến nên không rõ đúng sai thế nào. Nhưng khi người bệnh có phản ánh thì phía bệnh viện sẽ chấn chỉnh. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã làm báo cáo gửi lên Sở Y tế Hà Nội và gọi điện thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.
Ông Đính khẳng định “trên tinh thần cầu thị chúng tôi đã họp trên tinh thần nghiêm túc để xem xét toàn bộ quá trình bệnh nhân vào khám, theo dõi và tinh thần thái độ của nhân viên y tế với bệnh nhân”.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã đã có công văn yêu cầu sở Y tế Hà Nội xác minh thông tin cán bộ y tế khoa Ngoại tổng hợp, BV Đa khoa Sơn Tây thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc điều trị cho người bệnh và yêu cầu có báo cáo sự việc về Bộ trước ngày 12/5.