Người nghệ sĩ và chuyến xuyên Việt thăm Mẹ Việt Nam anh hùng
“Các Mẹ còn khổ quá”
Câu chia sẻ nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa bao nỗi trăn trở của người đàn ông ngoại ngũ tuần rắn rỏi. Nỗi xót xa khi tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của không ít bà mẹ VNAH trong những lần một mình rong ruổi hàng chục ngàn km khắp dải đất hình chữ S, đã thôi thúc anh thực hiện thêm một chuyến xuyên Việt “Về với Mẹ”.
Nghệ sĩ Quang Đạt và chiếc xe độc đáo theo anh hàng ngàn km từ Nam ra Bắc |
“Có đi mới biết các Mẹ còn khổ quá, nhiều người chỉ còn da bọc xương, quanh năm suốt tháng nằm cô quạnh trên chiếc chõng tre gồ ghề, tôi nhìn mà rớt nước mắt” – Quang Đạt tâm sự.
Chính vì thế sau chuyến đi đầu tiên vào năm 2012 qua 23 tỉnh thành cả nước, anh đã quyết định đi thêm lần này với tâm nguyện “phải thực hiện bằng được vì mỗi ngày các mẹ một hao mòn, mình không làm nhanh sẽ không còn cơ hội nữa”.
Nói là làm, vào ngày 30/4/2013, Quang Đạt đã bắt đầu cuộc hành trình của mình bằng chuyến đi về các tỉnh miền Tây trên chiếc Vespa cổ có chữ ký của hơn 700 nhà báo, cùng vẻn vẹn một ba lô vừa đủ chứa một vài bộ đồ gọn nhẹ, cứ như thế anh rong ruổi suốt từ Nam ra Bắc.
Có lẽ hình ảnh một người đàn ông chạy Vespa với bộ quần áo thanh niên xung phong xanh thẫm đã làm không ít người tò mò, ngạc nhiên. Nhưng với những người mẹ VNAH nó đã gợi lên bóng dáng thân thương của người con đã mất, và trong những lần gặp gỡ ấy, nhiều mẹ đã rơi nước mắt vì tưởng đứa con mình đứt ruột sinh ra nay mới trở về.
Nhiều Mẹ đã rơi nước mắt khi ngỡ Quang Đạt là con |
“Thằng Hai hả con, sau đánh nhau lâu quá tới giờ này mày mới chịu về thăm má” – câu nói của một mẹ tại Bình Dương khiến những người trong đoàn nghẹn giọng.
Trong những người mẹ anh đã gặp, có mẹ còn khỏe, cũng có mẹ đã nằm liệt hàng năm, có mẹ minh mẫn nhưng cũng có mẹ đang sống giữa hai miền thực - ảo, tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng các Mẹ đều có chung một nỗi đau – đó là mất đi những người thương yêu nhất. Và với những “cố gắng nhỏ nhoi” của mình, Quang Đạt đang cố sức bù đắp cho các Mẹ như một người Con.
Vui buồn trên đường thiên lý
Tâm sự với PV, Quang Đạt cho biết: Trong hành trình của mình đã có những lúc anh rất buồn, thậm chí là tức giận, đó là khi tâm nguyện của anh bị chính người trong một cơ quan hành chính phớt lờ, khi đó họ đã “xua tay đuổi” anh ra khỏi nhà như gặp phải một gã đang đi lừa đảo.
Nghệ sĩ Quang Đạt xin bút tích của các mẹ sau chuyến viếng thăm |
“Với những người đó tôi không cần, chỉ khi nào đồng tiền đi cùng với cái tâm nó mới có ý nghĩa. Nhưng hành động đó làm tôi rất buồn, không phải cho công việc của tôi mà là cho suy nghĩ của họ”.
Tuy vậy theo anh đó chỉ là thiểu số, bởi những người khiến anh tin tưởng vào cuộc hành trình của mình vẫn có rất nhiều. Đó là một cậu bé tại Ninh Bình đã gọi ba mẹ dậy mở cửa cho anh vào trong một đêm mưa khi anh bị lỡ đường và đang đứng co ro trú dưới mái hiên.
Đó là một nhân viên photo tại Sóc Trăng kiên quyết không lấy tiền khi biết công việc anh đang hướng tới. Cũng có khi là một anh CSGT đã bỏ tiền đóng góp cho hành trình thêm sức sống, hay một người qua đường đã “gửi anh vài trăm đổ xăng” vì ấn tượng với chiếc xe anh đang chạy tại Bình Dương, và cả những anh em trong Hội Vespa cổ tại các tỉnh thành, sự nhiệt tình giúp đỡ của họ và rất nhiều cơ quan nhà nước nơi anh liên hệ đã làm chuyến đi thêm trọn vẹn.
Bỏ qua những khó khăn thách thức đến từ cả con người và thiên nhiên, Quang Đạt vẫn ngày đêm đi theo con đường mà mình đã chọn. Trên con đường đó không có tiền tài, danh vọng mà chỉ có nụ cười trên khóe mắt nhăn nheo của những người Mẹ Việt Nam.
Nghệ sĩ Quang Đạt sinh tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, không chỉ nổi tiếng với 3 chiếc Vespa cổ có chữ ký của các nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên, CSGT, nhà báo trên khắp cả nước, Quang Đạt còn là người giữ nhiều kỷ vật “độc” như 99 chiếc giày của 99 nghệ sĩ nổi tiếng, hay một máy quay phim với 99 chữ ký của các nhà quay phim...
Cũng trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2011 Quang Đạt đã có 4 lần xuyên Việt với các chủ đề: “Vì nạn nhân chất độc da cam” (2006), “Vì trẻ thơ Việt Nam” (2008), “Vì an toàn giao thông” (2010), “Rước Bác vào Nam” (2011).
Để chuẩn bị cho chuyến đi lần này anh đã đặt hàng chục chiếc áo và vẽ hình ảnh bà mẹ VNAH ở mặt trước, còn phía sau là chữ ký của gần 30 nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Đào Bá Sơn, NSND Hồng Vân, diễn viên Lê Tuấn Anh…
Và khi đến mỗi địa phương những chiếc áo này sẽ được đem bán đấu giá, cộng với tiền ủng hộ của mọi người, tất cả sẽ được trao tặng cho các Mẹ VNAH có hoàn cảnh khó khăn tại chính địa phương này.
Sau gần 3 tháng rong ruổi, hiện tại Quang Đạt đã tới Thái Bình và dự định sẽ trở về Hà Nội vào đúng lễ kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 tới đây. Trong khoảng thời gian này, anh đã tới thăm và tặng quà cho gần 140 bà mẹ VNAH tại 38 tỉnh với số tiền hơn 300 triệu đồng.