Người mẹ đau đớn kể chuyện con trai giết bố
Ngày 20/12, công an huyện Phúc Thọ, Hà Nội đã bắt Nguyễn Phú Nguyên (SN 1994, trú tại cụm 2, liên Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội) để làm rõ hành vi giết người. Bị hại trong vụ án là ông Nguyễn Phú Bôn (SN 1964), bố đẻ của Nguyên.
Bà Cầm đau đớn kể lại bi kịch gia đình mình. |
Ngày 22/12, chúng tôi tìm về nhà Nguyên, cũng là nhà của bị hại để tìm hiểu rõ nguyên cớ dẫn tới vụ việc đau lòng: con giết cha. Vành khăn trắng trên đầu, vợ bị hại là bà Nguyễn Thị Kỳ (tên thường gọi Cầm) nức nở khóc. Chồng đã chết, con trai là thủ phạm đã bị bắt giam khiến bà Cầm không biết nói thế nào.
Người phụ nữ bất hạnh này kể, bà và ông Bôn lấy nhau từ năm 1990, khi đó, bà biết ông đã có vợ, con. Vì vợ ông Bôn bỏ đi, để đứa con thơ dại cho chồng nuôi nên bà Cầm cảm động, muốn chăm sóc đứa trẻ. Biết có thể vất vả nhưng bà Cầm vẫn quyết tâm lấy ông Bôn. “Chẳng hiểu sao tôi vẫn lấy. Ông ấy ghét mẹ con tôi lắm, liên tục đánh, đuổi đi. Dân làng bảo bây giờ con lớn, đi đâu cho đỡ phải bị đánh nhưng tôi không muốn. Tôi có 3 đứa con, tôi muốn ở trọn đời với ông ấy” – bà Cầm nói.
Nguyễn Phú Bình là con riêng của ông Bôn nhưng rất quý mẹ kế và đoàn kết với các em. Khi xảy ra sự việc, thanh niên này cũng không ngờ. “Nhà em chỉ có rượu thôi chứ không có nước trà bao giờ. Gia đình em chỉ có bố mẹ xung khắc chứ anh em em không có nói to bao giờ. Bố em nát rượu, đánh, mắng chửi mẹ em thường xuyên. Mẹ em cũng từng bị bố đánh què chân cách đây 5 năm” – đứa con cả ngậm ngùi nói về mối quan hệ của bố và dì hai.
Bà Cầm ngồi nghe con trai nói chỉ khóc. Với bà, Bình không khác gì con đẻ. Bà không hiểu sao sau khi lấy nhau, ông Bôn lại coi bà như kẻ thù. Đi làm về tới nhà là bà bị mắng. “Ông ấy thường xuyên đổ cơm đi, không cho mẹ con tôi ăn. Có lần ông ấy đổ cơm vào góc nhà bắt bốc ăn. Nhiều lần, ông ấy đuổi ra khỏi nhà, vứt cho cái chăn. Anh chị em của tôi khuyên nên bỏ đi nhưng mấy mẹ con tôi biết đi đâu” – bà Cầm kể về cuộc sống phải chịu nhiều bạo hành của mình.
Ngôi nhà bi kịch. |
Theo bà Cầm, trước ngày xảy ra sự việc, ông Bôn đuổi bà đi, không cho ngủ trong nhà. Khoảng 4h sáng, bà lẻn về định lấy quần áo đi làm thì chồng tỉnh dậy quát tại sao về nhà. Bà Cầm thanh minh chỉ về lấy quần đi làm giúp thì ông Bôn mắng. Bà Cầm biết tính chồng, mặc đồ rồi đi.
Đến khoảng 11h30, bà Cầm về cắm cơm cho Nguyên ăn đi làm. Lúc đó, ông chồng cũng mới đi ăn cỗ về liền chửi vợ. Ông Bôn rút điếu cày đánh bà Cầm. Nguyên về thấy bố đang đánh mẹ liền vào can. Bà Cầm chạy ra sân còn ông Bôn tiếp tục dùng điếu cày vụt con trai.
Nguyên tóm được điếu cày, đánh lại bố. Hai bố con lao vào đánh nhau, ông Bôn bị Nguyên đạp, ngã chúi đầu vào then cửa, ngã ra đất. Nguyên thấy bố bất tỉnh thì bỏ chạy.
Bà Cầm gọi anh chồng là ông Nguyễn Phú Thức sang đưa ông Bôn ra trạm xá. “Tôi thấy ông Bôn có một vết xước trên trán phải, liền lấy lá chuối dán vào đó để cầm máu. Cho ông Bôn lên xe cải tiến kéo xuống trạm xá nhưng trên đường thấy ông ấy mặt tái xám. Ban đầu tưởng ông ấy uống nhiều rượu bị trúng gió, tôi không biết gì. Từ trạm xá về tới nhà thì ông Bôn tắt thở, sau đó công an gọi tôi nói chuyện thì mới biết việc Nguyên đánh bố” – ông Thức kể lại.
Từ thời điểm xảy ra vụ việc, nhiều người trong gia đình và địa phương vẫn không biết chi tiết sự việc. Đến ngày 16/12 thì Nguyên đến công an huyện đầu thú.
Phương mai