Người mẹ 24 con và tâm nguyện hiến xác
Người mẹ 24 con và tâm nguyện hiến xác
Bà Nhân đọc thư hồi âm của Trường Đại học Y Hà Nội
Chẳng thà tim ngừng đập
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu về một cái Tết xưa xa. Năm ấy, đúng 30 Tết, nhà hết sạch củi, vì có bao nhiêu đều đã đem đi bán, cô con gái út Nguyễn Thị Nhân theo mẹ lặn lội vào rừng. Gió đông thổi buốt, gánh củi chiều cuối năm nặng trĩu vai mẹ. Cô bé Nhân theo sau, cũng một cánh củi trên lưng với không ít nỗi buồn tủi, trong lòng trào dâng niềm ao ước về sự thay đổi. Năm 1969, tròn 20 tuổi, vào Thanh niên xung phong, bàn chân cô gái xã Nghi Hưng, Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An) đã đặt chân đến những điểm ác liệt nhất của chiến trường máu lửa Trường Sơn, Bình Trị Thiên. Công việc của nữ thanh niên xung phong tiểu đội 206, đơn vị P31 hồi đó là cứu đường và mở đường. Thường xuyên phải đối mặt với mưa bom lửa đạn, nhưng các chị vẫn “một tấc không đi, một ly không rời. Chẳng thà tim ngừng đập, không để mạch máu giao thông bị tắc”.
Năm 1972, rời quân ngũ, cô gái Nhân lại xung phong vào đội quân “xanh cỏ thì đến, đỏ ngói thì đi” – tham gia xây dựng lại những nơi bị chiến tranh tàn phá. Đến năm 1977, chị Nhân được chuyển về công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Ba Lan, với công việc hộ lý, nhưng chủ yếu là trồng cây dược liệu và giặt là quần áo cho bệnh nhân. Cũng chính tại đây, thương cảm cho những cảnh đời bất hạnh, vậy là chị Nhân chẳng nề hà, làm bất cứ việc gì, từ mua cơm, cháo, giặt giũ quần áo để bệnh nhân bớt cực nhọc hơn. Nhiều lần bắt gặp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong bệnh viện, chị đã rơi nước mắt, lòng thầm nghĩ: “Giá như mình được trở thành mẹ của những sinh linh bé bỏng đó!”.
Có con mẹ bớt nỗi đau
Đời chị như tên gọi
“Cả đời chị Nhân chỉ nghĩ đến mọi người. Tất cả 24 đứa con của chị, cháu nào cũng học giỏi, chăm ngoan, hiện đã có 4 cháu tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng và có công ăn việc làm ổn định. Đó chính là phần thưởng cao quý nhất mà các con dành cho người mẹ yêu quý, tuy không có công sinh thành, nhưng có công dưỡng dục. Cuộc đời chị đúng như tên gọi của chị”. Ông Nguyễn Xuân Thủy (Giám đốc làng SOS Vinh, Nghệ An) |
Cuối năm 1989, như một mối nhân duyên làng trẻ SOS Vinh được thành lập, bà Nhân đã viết đơn tình nguyện và cuối cùng nguyện vọng được làm mẹ đã trở thành hiện thực. “Để trở thành bà mẹ ở làng SOS, chị và nhiều người khác phải trải qua một kì thi tuyển, phải đáp ứng các tiêu chí do tổ chức SOS quy định, ví dụ phải có tình yêu thương con trẻ, lòng nhân hậu, đức hy sinh, sức khỏe tốt, có kiến thức về tổ chức và quản lý cuộc sống gia đình”, bà Nhân nói.
Bà Nhân nói thế để khẳng định với tôi rằng, không chỉ riêng bà mà 15 bà mẹ khác ở làng SOS, dẫu vất vả nhưng tất thảy đều một tấm lòng vì trẻ. Trong suốt hơn 20 năm qua, một tay bà Nhân đã nâng giấc cho không biết bao nhiêu đứa trẻ lớn khôn, trưởng thành. Chưa một lần “vượt cạn” sinh nở nhưng bà đã có tới 24 người con, đứa trẻ nào ở đây cũng xem bà như người mẹ hiền.
Ngày bình thường, bắt đầu từ 5 giờ sáng là lúc bà Nhân thức dậy chuẩn bị bữa sáng cho các con đến trường. Khi các con đi khỏi là bà lại tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, chăm sóc cắt tỉa cây cảnh trong khu vườn. “ Các con ở những hoàn cảnh rất thương tâm, tội nghiệp. Mỗi đứa một tính nết nhưng chúng đều hết mực thương yêu, đùm bọc nhau, coi nhau như một nhà”, bà Nhân kể.
Cứ thế bà Nhân say sưa kể về từng đứa con của mình. Trường hợp cháu Hùng, được một ngày tuổi thì bị mẹ bỏ rơi trong bệnh viện. Ngày nhận Hùng trong mảnh tã cắt vội, nước mắt bà tràn rơi. Hùng chỉ nặng 1,9 kg, bị bệnh viêm tai giữa nên nuôi Hùng thật vất vả. Hùng ốm đau liên miên, thương con nên hễ ai mách bài thuốc gì hay là bà Nhân lại lặn lội tìm kiếm mang về chữa trị cho con. Hay trường hợp bé Mai quê ở Thanh Chương (Nghệ An), khi vào làng mới chỉ 5 tuổi. Ngày ấy Mai đen nhẻm, nhỏ thó như đứa trẻ lên 3. Dù đã 5 tuổi nhưng hễ đưa cơm lên miệng là Mai nuốt luôn, không biết nhai. Nhưng rồi thời gian, bằng tình yêu và sự kiên trì bà Nhân đã vượt qua những gian nan, vất vả để nuôi dưỡng Mai.
Bà đã cố bù đắp cho các con bằng cái tâm, cái tình của người mẹ, kể cả có thể hy sinh niềm vui của mình, như vần thơ bà viết: “Có con mẹ bớt nỗi đau/có con mẹ bớt nỗi sầu riêng tư”. Với vai trò người mẹ, khi các con đến tuổi vị thành niên, tâm sinh lí biến đổi phức tạp, bà Nhân đã phải cùng những mẹ khác bàn bạc, trao đổi kinh nghiệm để kịp thời giải tỏa, tháo gỡ những khó khăn các con gặp phải.
Bà tâm sự: “Cũng có khi buồn, cố gạt nước mắt vì các con chưa ngoan, nhưng rồi nỗi buồn thoáng qua, mẹ con lại ôm nhau vào lòng lại âu yếm, vỗ về, giải thích cho con hiểu điều hay, lẽ phải. Đối với chị, đòn roi chỉ làm cho các con sợ, chứ không làm cho con thêm hiểu biết, tốt hơn hết vẫn nên dạy bảo bằng lời, luôn biết cách làm cho mái ấm gia đình rộn rã tiếng cười hạnh phúc”.
Làm đơn xin hiến xác
Vẫn nụ cười hiền hậu, bà Nhân nói: “Tôi thấy hiến mình cho y học là việc nên làm, đó là việc làm bình thường mà bất kỳ ai cũng làm được, nếu chúng ta muốn cống hiến, nhất là cho nền y học nước nhà. Tôi tâm niệm một điều, nếu mình giúp ích gì được cho người, cho đời thì hãy cứ làm. Ngay cả khi nhắm mắt!”.
Trong bức thư gửi cho Trường Đại học Y Hà Nội, có đoạn bà Nhân viết: “Tôi hiểu rất rõ giá trị của xác người trong việc nghiên cứu và học tập. Tôi tự nguyện hiến tặng xác mình sau khi qua đời cho nhà trường là để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy”. Bà Nhân bảo, tuổi trẻ đã “cho” rồi, cho Trường Sơn, cho các con, bây giờ đã 63 tuổi, chỉ còn thân xác này, có thể vẫn có ích cho cuộc đời. Cái chết phục vụ sự sống mà. Tuy nhiên khi bà Nhân viết đơn xin được hiến xác, ban đầu đã gặp phải sự phản đối của các con. Nhưng sau nhiều đêm “làm công tác tư tưởng”, các con đã hiểu được đó là việc nên làm, hiến xác chính là để mẹ được sống mãi. “Cuối cùng các cháu đều đồng ý. Bây giờ thì từ đứa lớn đến bé còn tự hào trước tâm nguyện, việc làm đầy ý nghĩa của mẹ!”, bà Nhân nói.
Theo Gia Đình