Người lao động ở Sài Gòn âu lo Tết đến Xuân về
Công nhân chỉ dám mua những thứ giá thấp, rẻ |
Chật vật những chuyến về quê
Tết Dương lịch này, với lịch nghỉ 4 ngày, nhưng chị Lâm Thị Liên, làm thuê chẻ rau ở quận Bình Tân, không biết làm gì, chơi ở đâu. “Về quê thì tiền vé xe quá đắt so với ngày thường. Ở lại thì nằm trong nhà luôn chớ không có tiền, đâu dám bước ra khỏi nhà. Các chỗ vui chơi, giải trí ở Sài Gòn tiền càng nhiều, không tới được”, chị tâm sự.
Tâm sự của chị Liên cũng là tâm sự của nhiều người dân lao động ở thành phố giàu có và hoa lệ bậc nhất nước này. Đợt nghỉ lễ này lại cận kề tết Âm lịch nên hầu như những gia đình nhỏ đều chọn phương án ở lại thành phố chơi lễ. Chỉ có các bạn trẻ tranh thủ về quê. Chị Nguyễn Thanh Thùy, quê Vĩnh Long, đang làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận, cho biết, chị đã đặt vé xe về quê cách đây môt tuần nhưng hầu như rất khó đặt vì những ngày cận tết Tây gần như cháy vé. Chị đã rất chật vật mới lấy được tấm vé xe với giá 150 ngàn, tăng 60 ngàn so với ngày thường.
Chị Mai Hoa, quê Cần Thơ cho biết: Năm nay, hầu như các công ty đều cho công nhân nghỉ tết Tây dài ngày nên lựa chọn của những người xa xứ là về quê. “Tuy đã gần Tết âm lịch nhưng mình vẫn về phụ mẹ lo toan việc nhà, chuẩn bị cho kỳ Tết Âm lịch tới. Mà ở trên này cũng buồn”, chị nói. Tuy vậy, để có được tấm vé về Cần Thơ tui và bạn bè cũng phải chầu chực cả tuần ngoài bến xe miền Tây.
Cũng dắt vợ con về quê Kiên Giang nhưng anh Nam lại có một lí do khác. Anh quyết định Tết ta sẽ về quê vợ nên tết Dương lịch này dắt cả nhà về quê nội. Tuy nhiên giá vé xe cao nên cũng khá vất vả khi chi phí cho 4 người.
Với họ, Tết là nỗi lo chứ không phải niềm vui. |
Những nỗi lo Tết đến, chờ lương
Khi nỗi lo lắng về chuyện nghỉ lễ, về chuyện vé xe tăng chưa kịp lắng xuống thì người lao động nghèo lại phải đeo nỗi lo muôn thuở: Vật giá tăng mỗi khi Tết cận kề!
Hơn một tuần nay, giá các mặt hàng thiết yếu cứ chạy vùn vụt theo xăng. Từ điện rồi gas đến kg gạo, mớ rau, con cá…, tất tần tật đều tăng lên từ một đến vài ngàn đồng. “Tôi sợ đi ra chợ quá, giá cứ như ở trên trời ấy”, chị Mỹ An, khu chế xuất Tân Thuận, Q7 chia sẻ.
Chị An cho biết thêm, lương cơ bản của chị 2.400.000 đồng, ráng tăng ca thêm cũng nhận 4 triệu/tháng. Hai vợ chồng chị phải chắt chiu lắm mới lo dược cho gia đình nhỏ với 4 miệng ăn. “Vợ chồng mình thì không sao chứ 2 đứa nhỏ cần phải được bảo đảm dinh dưỡng. Vậy mà mua con cá miếng thịt cũng phải đắn đo”.
Trong khi đó, anh Quân, làm việc tại khu công nghiệp Tân Bình, quận Tân Bình, lại có một nỗi lo khác. Hàng năm cứ tới tết là công ty của anh cho công nhân ký lại hợp đồng. “Vậy mà gần hết tháng 3 rồi cũng không thấy đâu. Nghe đâu có thể công ty sẽ cắt giảm khoảng 200 công nhân. Dạo này ít hàng quá mà...”, anh lo lắng.
Thông thường vào khoảng tháng 1 hàng năm các công ty sẽ tăng lương để giữ chân công nhân. Mức tăng dao động từ 100- 150 ngàn đồng. Cũng có không ít công ty tăng theo quý với khoảng 30 ngàn. Nhưng năm nay, công nhân mỏi cổ ngóng đợi mà vẫn chưa nhận được tín hiệu, động thái gì rõ ràng từ các ông chủ. Trong khi đó thì giá cả vẫn cứ lừ lừ tiến lên. Tại các khu phòng trọ dành cho công nhân trên địa bàn, chúng tôi bắt gặp lại những khuôn mặt âu lo. “Hôm rồi phòng trọ mình mới tăng giá thuê lên 100 ngàn, bà chủ nói sắp lên lương rồi mà!”.
Cứ cái đà này, có lẽ rau muống luộc, cà, tương sẽ là những món ăn thường xuất hiện trong bữa cơm của những người nghèo.