Người đưa ca trù trở lại với “cửa đình”
Đã 8 năm ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, nhưng chỉ đến gần đây, công trình nghiên cứu, phục dựng hình thức hát cửa đình (hát thờ) trong dự án bảo tồn ca trù ở Hà Nội mới tổng hợp ra quy luật của ca trù, tiếp tục thắp lên thêm nhiều hy vọng bảo vệ, gìn giữ di sản ca trù.
Nghệ thuật biểu diễn ca trù, còn được gọi với nhiều cách khác như: hát cô đầu, hát ả đào, hát nhà trò… thịnh hành từ thế kỷ 15, là một sự phối hợp nhuần nhuyễn, đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.
Với phương pháp tiếp cận mới, công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và các cộng sự đã lần đầu tiên tổng hợp ra quy luật của ca trù, từ đó giúp thực hành nhuần nhuyễn việc hát, điểm trống chầu theo đúng lề lối cổ truyền.
Trình diễn hình thức Hát cửa đình cổ điển. |
Chẳng hạn, trong lối hát ả đào, một chầu hát cần có ba thành phần chính: Một nữ ca sĩ (gọi là “đào” hay “ca nương”) sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp; Một nhạc công nam giới (gọi là “kép”) chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát; Người thưởng ngoạn (gọi là “quan viên”) đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống. Không gian trình diễn tương đối nhỏ, đào hát ngồi trên chiếu ở giữa, kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi lời ca được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là “tức tịch,” nghĩa là “ngay ở chiếu.”
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền, công việc phục dựng trình thức hát cửa đình người Việt gặp rất nhiều khó khăn. Cụ Nguyễn Phú Đẹ là kép đàn nhà nghề cuối cùng của thế kỷ XX, nghệ nhân duy nhất còn lại từng tham gia trình diễn nhạc ả đào ở cả 2 không gian: Cửa đình và ca quán.
Ngay trong cuộc điền dã đầu tiên, khi phát hiện ra cụ Nguyễn Phú Đẹ còn nhớ được các bài ả đào thuộc không gian hát cửa đình cổ xưa, ông Bùi Trọng Hiền đã nhanh chóng kết nối với nghệ sĩ ưu tú Đỗ Quyên để Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng tiến hành gấp rút một dự án truyền dạy cùng nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ.
Sau 4 tháng miệt mài học tập, đến ngày 14/1/2015, lần đầu tiên sau 60 năm mai một, hình thức hát cửa đình của nhạc ả đào cổ điển đã bước đầu sống dậy trong một cuộc chuyển giao thế hệ đầy cảm xúc.
Để có thể phục dựng thể nhạc xưa này, ông Bùi Trọng Hiền đã phải nghiên cứu cơ bản về âm luật ả đào qua rất nhiều nguồn tư liệu sưu tầm, cái thì được bạn bè- người thân trao tặng, cái thì bỏ tiền mua, trong đó có rất nhiều tư liệu vô cùng quý hiếm dày công phục chế từ những cuốn băng cassette cũ mốc…
Lúc đó, mục tiêu duy nhất đề ra là phải làm càng nhanh càng tốt, khi mà cụ Nguyễn Phú Đẹ còn đủ minh mẫn, sức khỏe. Mỗi khi phục chế, sưu tầm được bài nào, ký âm phân tích xong, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền liền về ngay Tứ Kỳ - Hải Dương để nhờ cụ thẩm định… Điều khiến ông mừng khôn xiết là tìm được tư liệu vàng những thể cách tưởng chừng như đã thất truyền, hay phát hiện thêm những thể cách mà chưa từng có tài liệu nào nhắc đến…
Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền tại buổi công bố kết quả phục dựng hình thức hát cửa đình (hát thờ) trong dự án bảo tồn ca trù ở Hà Nội. |
Cuối tháng 2/2017, lấy nhóm ả đào Phú Thị làm đối tượng, ông Bùi Trọng Hiền dùng chính hệ thống lý thuyết mới nghiên cứu tiến hành thử nghiệm việc học nhạc đi kèm với việc học âm luật. Thời xưa, đào kép các giáo phường thường chỉ học bài bản qua việc truyền ngón nghề, truyền khẩu theo phương pháp tại chỗ. Còn bây giờ, tất cả mọi chi tiết, thành tố nghệ thuật âm nhạc, từ toàn bộ bài hát đến từng phần đều được đúc kết, lý thuyết hóa để giúp đào kép hình thành sự cảm nhận với ý thức chủ động.Mặt khác, căn cứ trên hệ thống lý thuyết đã đúc kết thành chuẩn mực nghệ thuật cổ điển của ả đào, hy vọng hình thức âm nhạc dân gian này sẽ được lưu truyền vững chắc.
Tiếp nối thành công của lớp đào kép, cuối tháng 8/2017, nhóm nghiên cứu cũng tổ chức đào tạo một lớp quan viên ả đào theo đúng chuẩn mực cổ điển. Các quan viên tham gia khóa tập huấn cũng học đánh trống chầu theo phương pháp tiếp cận mới, nghĩa là học được học lý thuyết cơ bản về các loại khổ đàn, khổ phách, cấu trúc bài bản…từ đó nắm bắt các sơ đồ khuôn thước cổ điển để có thể điểm chầu một cách mẫu mực.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, nguyên Viện phó Viện Âm nhạc đánh giá, đây là một phương pháp rất độc đáo. Theo cách giảng dạy truyền thống, người thầy trực tiếp truyền miệng về các ngón nghề cho học trò. Ngày nay, khi các nghệ nhân ca trù dần khuất bóng thì với quy luật ca trù mà nhóm nghiên cứu của ông Bùi Trọng Hiển đúc kết được, cách thức truyền nghề ca trù sẽ được triển khai dễ dàng, thuận lợi hơn.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, ngay từ bé đã được nghe rất nhiều bài ca trù, từng giai điệu, tiếng trống chầu đã ngấm vào máu, bà Đinh Thị Nội (con gái nghệ nhân Đinh Khắc Ban) chia sẻ: Dự án của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền và các cộng sự vô cùng đáng quý. Việc tổng kết thành quy luật bài bản giúp người nghe, người học dễ dàng tiếp cập hơn.
Phân tích rõ hơn về điều này, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết: Nhắc đến nhạc ả đào, mọi người luôn nhắc đến khổ đàn, khổ phách. Người học cần phải khám phá ra quy luật của khổ đàn, khổ phách tiếp nối nhau liên tục, đánh nhuần nhuyễn rồi mới đánh theo bài nhạc. Quan viên là người cảm thụ nhạc cũng phải nắm bắt được quy luật để điểm trống chầu thật chuẩn, góp phần vào sự thăng hoa của tác phẩm nhạc. Bằng phương pháp tiếp cận mới, những người yêu thích hoặc muốn tìm hiểu về ca trù sẽ nhanh nắm bắt đúng được khổ đàn, khổ phách, biết thế nào là hay là dở…
Đánh giá cao nghiên cứu của ông Bùi Trọng Hiền và các cộng sự, GS.TS Tô Ngọc Thanh nhấn mạnh: “Ngày trước, việc dạy ca trù bằng cách trực tiếp đòi hỏi người học phải có năng khiếu mới có thể tiếp nhận được. Bộ môn nghệ thuật đặc biệt này cũng thể hiện trí tuệ sáng tạo của dân tộc ta. Giờ bước đầu đi vào phương pháp mô hình hóa, chúng ta sẽ giữ gìn được không chỉ bài hát mà cả quy luật của ca trù. Chính vì vậy, với tư cách người làm nghiên cứu, tôi đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch cần sớm phát hành một quyển sách về nghệ thuật ca trù kèm theo đĩa minh họa giúp mọi người có thể nghe, tìm hiểu kỹ hơn về ca trù”.