Người đàn ông hơn 20 năm chiến đấu với bệnh vảy nến
Thạc sĩ Trần Hồng Trường tại buổi giao lưu với bệnh nhân vảy nến nhân ngày vẩy nến thế giới. |
Mắc bệnh bong tróc da
Mùa đông đến là nỗi ám ảnh của những bệnh nhân bị bệnh vảy nến vì da khô, các lớp bong tróc sẽ phát triển nhiều hơn. Vảy nến là một bệnh hệ thống, mãn tính và cho tới nay chưa có phương thuốc nào chữa khỏi hẳn được.
Biểu hiện dễ thấy nhất của bệnh là có chòm da bị đỏ, bong vảy, giới hạn rõ so với các vùng da khác. Bệnh có thể dễ nhầm với một số bệnh khác như viêm da tiết bã nhờn, vẩy phấn hồng,... Bệnh thường không đe dọa tính mạng người bệnh nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý, khiến họ tự ti, ngượng ngùng.
Thạc sĩ Trần Hồng Trường – trú tại Minh Khai, Hà Nội hiện đang là chủ tịch Chi hội vẩy nến Việt Nam, ủy viên Hội vẩy nến Thế giới, là một người đã vật lộn với bệnh vảy nến 20 năm nay. Với ông, việc tham gia những hội liên quan này là cách giúp mình có thêm kiến thức hơn về chữa bệnh.
Căn bệnh đến với ông vào lúc tuổi đời đẹp nhất. Lúc đó, công việc hay mọi thứ đều đang rất thuận lợi. Bỗng dưng, căn bệnh xấu xí đã làm ông mất tất cả, phải làm lại từ đầu. Miệng ví von, ông Trường bảo căn bệnh vẩy nến toàn thân nhìn sợ lắm, bị kỳ thị, bị chê bai. Có lẽ vì thế mà nhiều người chết trong sự kỳ thị của mọi người.
Ông Trường kể hơn 20 năm bị bệnh là hơn 20 năm ông tự mình tìm hiểu các biện pháp chữa bệnh cho mình và chia sẻ cho những người cùng cảnh ngộ. Nhờ đó, từ chỗ mặc cảm tự ti, ông Trường đã lấy được tự tin có thể mặc áo ngắn tay, không thấy xấu hổ vì làn da xấu xí của mình.
Xác định bệnh vảy nến là căn bệnh mãn tính, từ lúc bị bệnh đến các Bệnh viện Da liễu Hà Nội rồi Bệnh viện Da liễu Trung ương, bác sĩ nào ông cũng quen và phương thức điều trị nào ông cũng thuộc.
Ngoài việc chữa bệnh, mỗi năm phải vào viện điều trị nội trú đôi lần, ông Trường còn tự tìm hiểu, mày mò các tài liệu tiếng Anh về căn bệnh vẩy nến để giúp mình có kiến thức hơn trong việc điều trị bệnh, giúp ông sống vui, khỏe hơn.
Sống khỏe với xấu xí
Bệnh vẩy nến do các dấu hiệu lâm sàng rất xấu xí, kinh dị nên nhiều người còn bị nhầm lẫn sang các bệnh lây nhiễm khác như phong, giang mai, HIV… nên điều này khiến các bệnh nhân sống trong khốn khổ.
Hiểu được tâm lý này, ông Trường đã tìm mọi cách, thậm chí bỏ cả tiền túi của mình ra để làm các hoạt động nhằm gắn kết những người cùng cảnh ngộ, giúp họ có thông tin nhiều hơn về bệnh này.
Ông Trường cho biết hiện nay ở Việt Nam có 3% dân số bị bệnh vảy nến, khoảng 2,5 triệu người. Trong đó có đến 70% ở nông thôn, họ thiếu thông tin về bệnh và chết không phải vì bệnh mà vì thiếu hiểu biết.
Ngoài ra, 42% số bệnh nhân có thể bị biến chứng viêm khớp vảy nến, dẫn đến co cứng các khớp, mất sức lao động. Nhiều bệnh nhân khác còn có thể bị mắc các rối loạn chuyển hóa, tim mạch. Có những bệnh nhân bị bệnh nặng mà không được bảo hiểm thanh toán nên gia đình ngày càng khánh kiệt.
Bác Đinh Đường trú tại Trung Hòa, Nhân Chính là thành viên của câu lạc bộ vẩy nến Hà Nội vẫn không thể nào quan sự giúp đỡ của các thành viên trong câu lạc bộ khi ông điều trị bệnh. Từ ngày đó đến nay, ông trở thành thành viên của câu lạc bộ.
Dù bệnh đã bị đẩy lui được một thời gian nhưng ông Đường vẫn cập nhật thông tin với hi vọng chia sẻ và thấu hiểu để cuộc sống của những người “xấu xí” trở nên có ích hơn.