Người dân mong sớm được giải tỏa để triển khai dự án sân bay Long Thành
Ngày 29/12, người dân 6 xã thuộc huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) – nơi phải di dời để thực hiện dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đã có buổi đối thoại với đoàn làm việc của Ủy ban Kinh tế Quốc hội và lãnh đạo UBND tỉnh để đưa ra những yêu cầu, nguyện vọng của mình với các cơ quan chức năng.
Một phối cảnh của sân bay Long Thành khi hoàn tất. |
Nêu ý kiến tại cuộc gặp, những hộ dân nơi đây đều mong dự án sớm được triển khai để chấm dứt tình trạng quy hoạch treo hiện nay, bởi vì quy hoạch mà gần 20 năm qua người dân sống trong khu vực chỉ được thực hiện những sửa chữa nhỏ khi nhà ở xuống cấp.
Điều này đã khiến cuộc sống của họ gặp rất nhiều bất lợi do hệ thống cơ sở hạ tầng, đường xá xuống cấp…nhưng không được cải tạo. Trong khi đó nguồn lực về đất đai cũng bị lãng phí lớn khi chỉ trồng được những cây công nghiệp ngắn ngày như mì, ngô, đậu tương mà phải bỏ qua các cây lâu năm có giá trị kinh tế cao như điều, hạt tiêu…
Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, người dân cũng rất quan tâm đến tiền đền bù. Sau khi chủ trương xây dựng sân bay được Quốc hội thông qua thì giá đất ở quanh khu vực này đã tăng nhanh khiến người dân lo ngại không đủ tiền tái định cư.
“Hiện nay nhiều khu đất cạnh dự án đã có giá từ 10 đến 13 tỷ, xa hơn chút nữa cũng có giá từ 6 đến 7 tỷ, do vậy nhà nước phải tính toán sao cho chúng tôi đỡ thiệt thòi” – ông Nguyễn Văn Trung nêu ý kiến.
Nhiều người khác cũng bày tỏ những thắc mắc về việc giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động phải di dời, vì với những người trong độ tuổi từ 40 đến 50 sẽ rất khó khăn khi chuyển đổi, đặc biệt họ lại không có trình độ và ít được đào tạo.
Trong khi đó ông Võ Văn Chánh – Phó chủ tịch UBND cũng kiến nghị sớm thực hiện dự án. Theo ông thì vào năm 2018 dự án sẽ khởi công nhưng nếu thực hiện đền bù theo tuần tự thì phải đến năm 2022 việc đền bù mới hoàn thành.
Do vậy ông kiến nghị Chính phủ tách việc giải tỏa, bồi thường thành một dự án riêng biệt và tiến hành song song với việc lập phương án khả thi xây dựng sân bay, như vậy khi khởi công thì đã có sẵn mặt bằng và người dân cũng không phải chờ đợi quá lâu.
Trước đó, trong phiên họp với Chính phủ vào sáng cùng ngày Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cũng cho biết đã tiến hành thăm dò ý kiến của 4.600 hộ dân thuộc khu vực dự án. Kết quả cho thấy đa số đều nhất trí với việc giải tỏa để lấy mặt bằng triển khai dự án.
Trước những kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội đã đánh giá cao sự chuẩn bị của UBND tỉnh về địa điểm tái định cư cùng 200ha đất để người dân có thể triển khai canh tác nông nghiệp (trồng rau, củ) theo mô hình công nghệ cao.
Ông cũng bày tỏ sự đồng tình với mong muốn sớm triển khai dự án của người dân và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai. “Chúng tôi ghi nhận những ý kiến của người dân trong buổi làm việc này và sẽ đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù để triển khai dự án” – ông Phúc nói.
Vị trí xây dựng dân bay Long Thành. Ảnh: Google Maps. |
Theo chủ trương được Quốc hội thông qua, Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ có diện tích hơn 5.000 ha (thuộc 6 xã Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước – huyện Long Thành). Dự án dự kiến được khởi công vào 2018 với 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào năm 2025, với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng.
Khi hoàn tất 3 giai đoạn sân bay sẽ có năng lực đón 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn I là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Theo UBND tỉnh Đồng Nai sẽ có khoảng 4.000 căn nhà bị giải tỏa, trong khi diện tích đất của người dân là khoảng 3.000ha. Khu vực này cũng có 3 nghĩa trang với hơn 2.000 ngôi mộ phải di dời. Kinh phí bồi thường dự kiến sẽ vào khoảng 13.000 tỷ đồng.