Người dân không biết sử dụng trang thiết bị phòng cháy chữa cháy để thoát nạn
Hơn 300 vụ cháy lớn, nhỏ
Chiều 12/4, tại cuộc họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức, thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC HN cho biết, trong quý 1/2016, thời điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước; đồng thời nhiều hoạt động lễ hội, tín ngưỡng thờ cúng gia tăng; thời tiết mưa ẩm kéo dài, nhu cầu sử dụng năng lượng tăng… đây là những yếu tố tác động trực tiếp đến diễn biến tình hình cháy nổ trên địa bàn.
Trung tâm Cảnh sát PCCC TP tiếp nhận và xử lý trên 1.000 tin báo cháy, yêu cầu cứu nạn, cứu hộ. Qua phân tích thống kê trên địa bàn TP xảy ra 61 vụ cháy 1 vụ nổ khí ga, 275 sự cố cháy nhỏ. Thiệt hại làm 2 người chết, 14 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính trên 7 tỷ đồng.
Trong tháng 1 và 2 do nhu cầu sử dụng điện để sản xuất, đốt vàng mã, thắp hương tăng cao. Bên cạnh đó diễn biến thời tiết rét đậm kéo dài làm nhu cầu sử dụng năng lượng tăng lên tình hình cháy tăng cao. Nguyên nhân do chập điện vẫn chiếm tỉ lệ cao (56,5% tổng số vụ cháy nổ).
Trong công tác PCCC, ngay từ đầu năm Cảnh sát PCCC đã xây dựng và triển khai nhiều phương án, kế hoạch bảo vệ các mục tiêu địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa xã hội.
Cùng đó công tác thanh kiểm tra được tăng cường, tập trung vào nơi ăn nghỉ của các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc và xung quanh khu vực bảo vệ, các điểm bắn pháo hoa đêm giao thừa; các cơ sở và địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao và dễ phát sinh cháy lớn như: Cơ sở sản xuất kinh doanh kho chứa hàng phục vụ tết, nhà ga, bến cảng, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, khu vực tập trung đông người… Trong quý I/2016 đã kiểm tra, phúc tra 6.170 lượt đơn vị, cơ sơ, phát hiện và yêu cầu đơn vị, cơ sở khắc phục 25.211 tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy; xử phạt hành chính 1.042 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền gần 1,3 tỉ đồng…
“Nhìn chung các mặt công tác nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cơ bản được tăng cường, đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác tuyên truyền hướng dẫn, kiểm tra được đẩy mạnh; công tác ứng trực, chiến đấu được tăng cường… Qua đó đã kiềm chế sự gia tăng các vụ cháy lớn, làm giảm và hạn chế thiệt hại về người và tài sản do các vụ cháy gây ra”- thiếu tướng Hoàng Quốc Định nói.
Tuy nhiên, theo ý kiến của thiếu tướng Định thì vẫn còn tồn tại, khó khăn, hạn chế. Đó là tình hình cháy nổ còn diễn biến phức tạp tuy không xảy ra cháy lớn, cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không xảy ra cháy các cơ sở trọng điểm về cháy nổ nhưng gia tăng về số vụ. trong đó tăng nhiều ở loại hình nhà dân, phương tiện cơ giới, nhà hàng, quán ăn, kho…
Trong khi đó, nhiều hộ gia đình chưa quan tâm đảm bảo an toàn phòng cháy, trang bị phương tiện chữa cháy, chưa nắm được phương pháp, biện pháp chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm; công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện hạ tầng phục vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ chưa đáp ứng yêu cầu.
Chiếm dụng diện tích giành cho lực lượng phòng cháy chữa cháy hoạt động
Qua điều tra Hà Nội có 891 nhà cao tầng, 799 đi vào hoạt động còn lại đang thi công. Thiếu tướng Hoàng Quốc Định đánh giá, nhìn chung các chủ đầu tư tuân thủ quy định về PCCC ngay từ khi triển khai dự án đến khi thi công và nghiệm thu công trình. Tại thời điểm nghiệm thu đều đảm bảo giao thông, khoảng cách… nhưng quá trình hoạt động sau một thời gian phát sinh tồn tại.
Dẫn chứng điều này, thiếu tướng Định cho biết: Công trình nghiệm thu bao giờ cũng phải đảm bảo để đi lại nhưng khi sử dụng biến thành bãi đỗ xe, bán hàng quán, chiếm dụng phần diện tích này nên khi có sự cố xe chữa cháy khó tiếp cận; các công trình có khoảng cách theo quy định nhưng do mật độ xe lớn nên chủ đầu tư cơi nới giữa 2 khu nhà để làm chỗ để xe nên chật; chủ đầu tư chưa quan tâm, hệ thống PCCC chưa bảo dưỡng định kỳ nên sau 1 thời gian nghiệm thu không hoạt động được. Đặc biệt có những chung cư đèn chiếu sáng sự cố sau 1 thời gian để lâu không bảo dưỡng, có sự cố tắt điện thì đèn này đáng lý phải sáng nhưng tối thui hoạt động được…
“Ngay bản thân ý thức người dân sống trong tòa nhà cũng còn nhiều hạn chế. Theo yêu cầu, cầu thang thoát nạn là nơi để đi đến tầng 1 ra ngoài, cửa chịu nhiệt, có đèn chiếu sáng sự cố, có hệ thống tăng áp… nhưng nhiều người biến cầu thang bộ thành nơi hút thuốc, để đồ đạc hoặc chặn cầu thang thoát nạn nên hệ thống này không đạt yêu cầu, khi có cháy đi vào thì không đảm bảo an toàn. Những người sinh sống ở tòa nhà không nắm bắt được hệ thống được trang bị PCCC nên khi có sự cố không biết sử dụng để thoát nạn, khi cơ quan PCCC tập huấn thì không tham gia nên không nắm được…” – thiếu tướng Hoàng Quốc Định nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi đến khi nào Hà Nội dùng máy bay trực thăng tham phục vụ chữa cháy, cứu nạn cứu hộ? Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết đây là chủ trương, quan điểm cần thiết. Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã đầu tư triển khai tổ chức thực hiện. không chỉ thuần túy là chữa cháy cứu nạn cứu hộ trong vụ cháy mà trong những trường hợp khác, yếu tố khác ở nơi điều kiện tiếp cận cứu chữa nạn nhân khó khăn như nhà cao tầng,vùng sâu, xa mà các phương tiện khác khó khăn tiếp cận.
“Với Hà Nội nhiệm vụ này đã được chính phủ, bộ CA, UBND TP giao Sở Cảnh sát PCCC HN tham mưu triển khai tổ chức thực hiện. Chúng tôi đã xây dựng đề án chung phát triển cơ sở của lực lượng PCCC đến năm 2020 trong đó có đầu tư phương tiện nói chung và có nội dung đề cập đến máy bay trực thăng. Nhưng trước mắt trong điều kiện kinh tế của ta còn nhiều khó khăn,điều kiện hạ tầng cơ sở để máy báy hoạt động phải có nhà ga sân bãi tập kết, lực lượng phương tiện khác duy trì, bảo quản, thực tập diễn tập… phải đầu tư lớn. Trước mắt nếu có yêu cầu cần thiết thì phải phối hợp với bên quân đội còn nếu đầu tư thì đến giai đoạn 2025-2030 mới bàn đến dựa trên nhu cầu và điều kiện kinh tế xã hội”- thiếu tướng Hoàng Quốc Định nhấn mạnh.