Người đàn bà 2 lần có con vì bị cưỡng bức
Đắng cay đời mẹ, nghiệt ngã đời con
Bà Ngô Thị Diện (SN 1934), ở xóm Song Hồng, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh từ khi sinh ra đã gặp nhiều khổ hạnh, cuộc đời bà gắn bó với kiếp ăn xin. Rồi khi sinh được đứa con, không có gì làm vốn, bà lại dắt con đi ăn xin. Đến nay, ngôi nhà nhỏ nơi con hẻm bẩn thỉu ở xóm Song Hồng có 3 thế hệ sinh sống đều theo “kiếp ăn mày”.
Từ khi sinh ra, chị Phương đã có nhiều biểu hiện có vấn đề về thần kinh. |
Đáng nói là đứa con bà Diện sinh ra là chị Nguyễn Thị Phương (SN 1975) không được bình thường như những người khác. Từ nhỏ Phương đã có những biểu hiện có vấn đề. Lớn lên, Phương không biết làm gì ngoài việc theo mẹ đi ăn xin.
Cử tưởng thế là khổ lắm rồi, nhưng nào ngờ bất hạnh lại liên tiếp ập lên gia đình “cái bang” ấy. Năm đó khi chưa đầy 20 tuổi, trong một lần Phương ra bãi biển nhặt phế liệu đem về bán kiếm tiền, do mệt trong người, cô nằm ngủ quên bên bờ biển lúc nào không hay. Lúc tỉnh dậy trong đêm tối mịt mù, cô thấy thân mình bị một gã đàn ông đè lên người.
Bà Diện cũng chỉ nghe con kể lại như vậy, suốt những ngày tháng sau đó bà lo âu thấp thỏm cho đứa con duy nhất của mình. Rồi đến khi biết con mang thai bà cũng chỉ biết nuốt nước mắt nuôi con, chờ ngày sinh đẻ. Năm 1993, chị Phương sinh ra một đứa con trai kháu khỉnh và đặt tên là Nguyễn Văn Hiếu.
Không chồng nhưng chị Phương có hai đứa con do bị cưỡng hiếp. Đến giờ bọn trẻ vẫn không biết cha nó là ai. |
7 năm sau, bi kịch nghiệt ngã ấy lặp lại trong chính túp lều tàn của ba mẹ con, bà cháu. Bé Nguyễn Thị Thảo chào đời, nhân lên gấp bội những khó khăn chật vật. Người ta nói bà Diện sinh ra là để giành lấy những đắng cay, bất hạnh của cuộc đời.
Đưa tay quệt vội những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ, bà Diện tâm sự: “Sinh con ra mà nó (chị Phương) làm chi biết nuôi con. Cũng không biết cho con bú. Thân già như tôi cũng chịu. Thế là lại đành dắt nhau đi xin ăn, ai cho chi thì lấy”. Và thế là lại một thế hệ theo kiếp ăn mày. Ngày ngày, bốn con người lầm lũi dắt nhau đi rồi lại dắt nhau về để cố duy trì cuộc sống lay lắt, tăm tối.
Không dám mơ về tương lai
Trước hoàn cảnh trớ trêu của mẹ con bà Diện, năm 2012, nhờ sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm trong cả nước, chính quyền xã thay mặt đứng ra xây cho mẹ con bà Diện căn nhà nhỏ khang trang, kiên cố hơn.
Nhà đã xây xong, một số vật dụng trong nhà cũng được sắm sửa đầy đủ hơn. Ông Phạm Phúc Đề, trưởng thôn Song Hồng cho biết, sau khi xây xong nhà, có một người phụ nữ tốt bụng mãi tận ngoài Hà Nội đã kêu gọi ủng hộ hoàn cảnh của bà Diện. Sau đó, chính người đàn bà này đã bắt xe vào Cương Gián dùng tiền quyên góp được sắm sửa giường tủ cùng một số vật dụng cần thiết trong nhà cho bà ấy.
Căn nhà của "tổ ấm cái bang". |
Không còn sợ nắng nôi, mưa gió, nhưng miếng cơm manh áo hàng ngày vẫn là nỗi trăn trở muôn đời của bà Diện với 4 miệng ăn. Tuổi càng cao, sức khỏe ngày một yếu, bà không còn đủ sức lang bạt khắp nơi như trước. Cũng chẳng kiếm được việc gì hơn, ngày ngày, bà lại dắt díu đứa cháu nhỏ quẩn quanh phiên chợ quê, trông cậy cả vào lòng trắc ẩn của thiên hạ, ai cho gì ăn nấy, gặp thứ gì cũng nhặt nhạnh mang về “tổ ấm cái bang”.
Căn nhà nhỏ ngổn ngang áo quần, chăn chiếu đều đã bốc mùi ẩm mốc. Trong góc bếp, dưới chân giường, từng mớ thức ăn xin về vứt long lóc. Bà Diện và bé Thảo cứ đi suốt ngày, còn chị Phương và cậu con trai đầu cũng mải mê ngoài chợ.
Thương hoàn cảnh của chị Phương, gia đình ông Thành (quản lý chợ Cương Gián) bảo mẹ con chị giữ xe, dọn dẹp hàng quán rồi cho ăn ngày ba bữa. |
Năm ngoái, thương cho hoàn cảnh của mẹ con bà Diện, vợ chồng ông Nguyễn Trung Thành (quản lý chợ xã Cương Gián) đã đón chị Phương và cậu con trai về nhà giúp ông bà phụ việc quét dọn chợ và trông xe cho cửa hàng ăn của hai ông bà. Ngày ngày, hai mẹ con chị Phương sẽ không phải lo cơm nước gì nữa cả. Âu đó cũng là chút may mắn để những ngày tháng cuối đời bà Diện bớt đi gánh nặng.
Bà Phan Thị Huê (vợ ông Thành) thật thà chia sẻ: “Ở đây ai cũng biết hoàn cảnh nhà bà Diện nhưng cũng không giúp được gì nhiều ngoài mấy bát gạo hay củ sắn, củ khoai. Khổ lắm! được đứa con gái lại ngớ ngẩn, không biết gì. Cười nói suốt ngày. Thương nên đón hai mẹ con nó về đây, cho ăn, cho mặc chứ mình cũng không làm được gì hơn. Được cái, thằng Hiếu nhanh nhẹn và ngoan lắm. Tiếc là không đứa nào được đi học”.
Trong nhà được Hiếu là người bình thường nhất nhưng em lại thất học, không biết làm gì để nuôi bản thân. |
Khi thấy bà Huê nhắc đến việc học, Hiếu đứng bên cạnh cúi gằm mặt xuống đất tỏ ý thấy chạnh lòng cho mình. Hiếu cho biết vì gia đình nghèo nên không dám mơ được tới trường. Hiếu nhỏ hơn so với cái tuổi và bạn bè cùng trang lứa nhưng đôi mắt lại toát lên một vẻ thông minh, nhanh nhẹn. Ở khu chợ Cương Gián ai cũng khen Hiếu là người ngoan ngoãn, chăm chỉ, chỉ tiếc là em không được học hành nên không có công việc ổn định.
Khi chúng tôi hỏi Hiếu có ý thức được hoàn cảnh của mình không, em cúi mặt xuống nói: "Em biết nhà em khổ lắm, cơm còn không đủ ăn, nói gì đến học hành. Mẹ thì như thế, em bị mấy đứa trêu suốt nhưng lâu rồi cũng quen. Em buồn lắm, theo bà, theo mẹ đi xin gần hai chục năm nay rồi, em cũng tủi thân và xấu hổ. Em chỉ mong kiếm được việc gì đó làm ổn định để giúp đỡ bà, mẹ và cho em Thảo đi học. Thế nhưng có vẻ đó là một điều xa với đối với em”.
Nghe anh nhắc đến việc học, bé Thảo ngồi bên giãy nảy lên tiếng nhất quyết không chịu đi học. Tuy nhiên, nói như Hiếu, có lẽ Thảo cũng sẽ thất học như em bởi năm nay Thảo cũng đã 13 tuổi, không dễ gì để ngồi học được với các em lên 6. Và như thế có lẽ Thảo rồi cũng như Hiếu, sẽ phải lỡ hẹn suốt đời với sách vở, bút giấy, mái trường.
Phạm Hòa