Người Đà Nẵng xin lỗi các nạn nhân vụ lật tàu du lịch trên sông Hàn
Chiều 5/6, tại Bệnh viện Đà Nẵng, thông qua Sở LĐ-TB-XH TP, đại diện Công ty TNHH MTV IVC Đà Nẵng đã đến thăm hỏi và trao tận tay số tiền 130 triệu đồng cho 19 gia đình các nạn nhân trong vụ lật tàu du lịch Thảo Vân trên sông Hàn tối 4/6.
Đại diện Công ty IVC Đà Nẵng trao tiền hỗ trợ cho anhĐặng Văn Vương, thân nhân của anhTrịnh Tiến Dương và chị Đặng Thị Xuân có hai con Trịnh Thị Phương và Trịnh Huy Hoàng bị tử vong do vụ chìm tàu Thảo Vân tối 4/6 (Ảnh: HC). |
Theo đó 17 nạn nhân hiện đang nằm điều trị tại 2 bệnh viện Đà Nẵng và Sản Nhi được nhận hỗ trợ 2 triệu đồng/người. Riêng 3 nạn nhân xấu số nhận hỗ trợ mỗi người 30 triệu đồng. Đại diện Công ty IVC cho biết, đây là số tiền được trích từ quỹ phúc lợi của đơn vị nhằm hỗ trợ một phần khó khăn cho gia đình các nạn nhân không may nói trên.
Trước đó, sáng 5/6, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng thông báo với PV Infonet là Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ 10 triệu đồng cho các gia đình có người thiệt mạng. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ thì cho biết, các nạn nhân được đưa vào các bệnh viện trên địa bàn TP đều được chữa trị, điều trị miễn phí. Trước mắt, UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ các nạn nhân còn lại trong vụ chìm tàu mỗi người 1 triệu đồng và toàn bộ chi phí tàu xe, máy bay để về quê. Đồng thời tiếp tục tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình gặp nạn để có mức hỗ trợ phù hợp ngoài các hỗ trợ nêu trên.
Điều rất đáng ghi nhận nữa là người dân Đà Nẵng không chỉ bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với các nạn nhân mà còn có nhiều việc làm cụ thể không thể tính bằng tiền nhằm góp phần khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Ngay trong tối 4/6, một số tàu du lịch đang hoạt động trên sông Hàn như Biển Đảo Việt, Phú Quý, 4U Sông Hàn... đã lập tức lao tới chỗ tàu Thảo Vân bị chìm để cứu vớt các nạn nhân.
Ông Đặng Ngọc Anh, lái phụ của tàu du lịch 4U Sông Hàn... (Ảnh: HC) |
Cho đến nay có thể khẳng định trong số 53/56 người thoát nạn khi đi trên tàu Thảo Vân tối 4/6, ngoài một số trường hợp tự thoát thân (như hai vợ chồng người Hà Nội lưu trú ở khách sạn Richico, đường Nguyễn Văn Thoại, quận Sơn Trà tự bơi vào bờ) sau khi tàu chìm thì tất cả các trường hợp sống sót khác đều được chính các tàu này cứu vớt chứ không phải là một lực lượng chức năng nào khác!
Ông Đặng Ngọc Anh, lái phụ của tàu du lịch 4U Sông Hàn cho hay, tối 4/6, tàu này đang chở 40 khách Hàn Quốc từ hướng cầu Rồng quay về cảng Sông Hàn, khi vừa qua khỏi cầu Sông Hàn thì ông phát hiện tàu Thảo Vân 2 bị lật nên đã hô thuyền trưởng Lê Văn Lực mở hết tốc lực lao tới cứu. Nhờ phao bè tàu 4U Sông Hàn quăng xuống mà nhiều hành khách tàu Thảo Vân 2 đã bám vào đó, rồi được các tàu khác tới vớt lên.
Bản thân ông Đặng Ngọc Anh cũng đã nhảy xuống sông cứu được nhiều nạn nhân, trong đó có một hành khách nam người Malaysia (ông Onr BahFatt, 47 tuổi) trong tình trạng đã tím tái, sặc nước đến ngất xỉu, cho đến nay vẫn đang phải nằm hồi sức cấp cứu mà lúc bị nạn chỉ cần chậm thêm vài tích tắc nữa thì có lẽ ông ấy đã tử vong.
Và trong khi tài công Lê Công Chí muốn bỏ trốn sau khi thoát thân vào bờ nhưng bị lực lượng chức năng bắt đưa về tạm giữ ở Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng thì thuyền viên Đỗ Xuân Phong của tàu Thảo Vân, như lời ông Đặng Ngọc Anh cho biết, đã cùng ông cứu vớt được khá nhiều nạn nhân. Đến mức, dù giỏi bơi lội nhưng anh này cũng kiệt sức và phải đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng khá nặng.
và anh Nguyễn Khánh Trường, lái tàu du lịch Biển Đảo Việt, đã tham gia cứu được nhiều nạn nhân vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân tối 4/6 (Ảnh: HC) |
Trong khi đó, anh Nguyễn Khánh Trường, lái tàu du lịch Biển Đảo Việt cho biết, tàu của anh đi ngang qua đúng vào lúc tàu Thảo Vân bị lật úp. Không nề hà đang chở khách, anh lao tàu tới ném gần 20 chiếc áo phao trên tàu của mình xuống cho các nạn nhân, rồi nhảy xuống cứu hết người này đến người khác. Phát hiện có một cháu bé bị ngất xỉu, anh đã hô hấp cho cháu phun nước ra và tỉnh lại. Lúc đó có tới mấy người bu vào vai khiến anh và cháu bé suýt bị chìm theo.
Anh Trường cố hết sức bình sinh vừa bơi vừa kéo theo cả mấy người đó tới bám vào mạn tàu để khách trên tàu kéo họ lên. Rồi anh lại thấy có một chị ôm một bé gái khoảng 5 – 6 tuổi quơ tay, mấy người trên tàu cố nắm tay chị nhưng không được nên chị này cùng cháu bé bị chìm. Anh liền bơi tới, quơ tay tìm kiếm và may mắn nắm được tay chị này đưa tới tàu để mấy người trên tàu kéo lên. Riêng cháu bé thì anh không tìm thấy. Phải chăng đây là trường hợp của chị Đặng Thị Xuân ở Bắc Kạn, đã ôm được con nhưng cuối cùng đành phải mất con?
Cũng phải nói thêm, đêm 4/6, mặc dù đã khuya nhưng khi được Chủ tịch quận Sơn Trà và Chủ tịch phường Nại Hiên Đông huy động, hàng chục ngư dân là thợ lặn khai thác chíp chíp, lặn tìm xác người bị chết sông, chết biển... đã tham gia lặn tìm các nạn nhân cho đến gần 2h sáng, kiệt sức quá mới trở vào bờ. Chỉ sau vài tiếng đồng hồ nghỉ lấy sức, lúc 5h30 họ lại đã có mặt trong đội hình gồm hàng chục tàu và hơn 120 thợ lặn để tìm kiếm các nạn nhân đang mất tích.
Trong khi đó, chiều 5/6, chị Nguyễn Thị Bé (ở quận Thanh Khê) đang đánh bắt cá dọc bờ biển đường Nguyễn Tất Thành (cách vị trí chìm tàu Thảo Vân khoảng 8km) thì phát hiện thi thể một người đàn ông trôi dạt vào bờ. Lập tức chị gọi điện báo cho chính quyền địa phương và cùng với các lực lượng chức năng đưa thi thể này vào bờ. Qua xác minh, đó chính là thi thể anh Phạm Tấn Cường (46 tuổi, ở Bình Định) bị mất tích sau vụ lật tàu Thảo Vân tối 4/6...
Người dân Đà Nẵng mong ngóng tin tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích sau vụ chìm tàu Thảo Vân (Ảnh: HC) |
Dường như người dân Đà Nẵng, bằng những cách có thể của mình, đã và đang cố làm hết sức để bày tỏ lời xin lỗi trước nhưng lỗi lầm khó lòng tha thứ của một vài người Đà Nẵng vì lòng tham và một vài cơ quan chức năng của TP vì sự tắc trách mà đã dẫn tới vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng, không chỉ gây ra những mất mát không thể nào bù đắp cho nhiều du khách mà còn ảnh hưởng nặng nề đến uy tín, thương hiệu, hình ảnh của du lịch Đà Nẵng nói riêng và cả TP này nói chung.
Nên không phải bỗng dưng mà sáng 5/6, kiến trúc sư Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch (Sở Xây dựng Đà Nẵng) đã gửi cho PV Infonet bài thơ “Tôi xin lỗi” đầy xúc cảm được anh viết ngay trong đêm 4/6:
TÔI XIN LỖI
Tôi đứng đây tuyệt vọng trước dòng sông
Cùng bao người cũng đứng đây trong tuyệt vọng
Biết chẳng thể làm gì ngoài dõi theo, trông ngóng
Chính quyền đang từng giây nỗ lực với sống còn
Tôi gặp đôi vợ chồng trẻ mất con
Đứa lên năm, đứa vừa bảy tuổi
Tiếng nấc nghẹn xót xa giây phút cuối
Chẳng thấy con khi vùng vẫy quay cuồng
Giờ đâu rồi, những đứa bé dễ thương?
Các em nằm đâu dưới lòng sông lạnh cóng?
Rồi sẽ tìm được thôi, nhưng còn đâu cuộc sống
Ướt sũng thân em, ướt đẫm mắt mẹ cha
Ôi! Hàn Giang thường khi vẫn hiền hoà
Sao chợt thế đêm nay? Tai ác quá!
Những du khách từ bao miền đất lạ
Mến quê tôi và đến với quê tôi
Có ngờ đâu phút chốc bỗng lìa đời
Dẫu chỉ là người dân, tôi thật lòng xin lỗi!