Người "cướp cơm thần chết" với cây gậy trăm tuổi
Đón chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 nằm ẩn mình dưới rừng cao su xanh bạt ngàn là một ông già gầy gò, lưng còng, đon đả mời khách vào nhà, vui vẻ kể chuyện, không hề giấu giếm bí mật nghề nghiệp.
Học xong lớp 7, cậu bé Mừng được gia đình và mọi người khuyên đi học sư phạm để sau này về dạy học cho con em địa phương. Nhưng khi nhìn cảnh dân làng thường xuyên đối mặt với nguy hiểm đe dọa từ các loại rắn độc, Mừng quyết định đi học cách chữa rắn độc cắn để cứu người. Ông Mừng nhớ lại: "Ngày ấy, tui nghe người ta mách nước có thầy bên Thái chữa rắn cắn rất giỏi nên tôi quyết tâm tìm đường sang nước Thái để học. Học được 5 năm, tôi tiếp tục sang Lào. Thầy Hồ Đin ở Thái dạy làm phép nhưng không có thuốc trị, còn học thầy Hồ Thòng ở Lào vừa làm phép được vừa tìm ra thuốc chữa. Vậy là tui được cả hai".
Ông Mừng và chiếc gậy một trăm năm tuổi |
Mười năm học nghề cũng là 10 năm sống trong vất vả, kể cả làm việc nhà cho các "sư phụ". Ban đầu, thầy chỉ truyền dạy cho một số loại thuốc nhưng trải qua nhiều thử thách về đạo đức, lòng kiên trì, nhẫn nại và đặc biệt là cái tâm cứu người, Đinh Mừng được thầy truyền hết những bài thuốc bí truyền về chữa rắn cắn.
Cùng đi học với ông hồi đó có 2 người bạn nữa nhưng vất vả quá nên họ đã về quê trước. Hơn 50 năm chữa bệnh cứu người, ông đã mang lại không biết bao nhiêu nụ cười cũng như giọt nước mắt hạnh phúc cho những gia đình có người bị rắn cắn. Không kể ngày, đêm, mưa, nắng, hễ có gia đình người bị nạn đến gõ cửa là ông và vợ con lại lên đường. Trung bình mỗi năm, ông Mừng chữa được từ 40 - 60 người bị rắn độc cắn, nhưng bệnh nhân nào ông cũng nhớ rất rõ. "Chỉ có một trường hợp của anh Văn, ở xã Kim Hóa cho đến giờ tôi vẫn day dứt vì gia đình đưa đến khi đã quá muộn", giọng ông Mừng day dứt.
Chị Trương Thị Tuyết ở xã Kim Hóa chia sẻ: "Lúc còn nhỏ tôi và một ông chú ruột lên rừng lấy củi thì chú tôi bị rắn hổ chúa cắn. Tôi dùng miệng hút máu độc ra nên cũng bị nhiễm. Lúc đó trong người cảm thấy khó thở, người tím tái và lên cơn co giật, nếu gia đình đưa tôi sang ông muộn mấy phút nữa thì tôi đã chết. Ông Mừng đã cứu tôi và tôi sẽ không bao giờ quên ơn tái sinh của ông ấy".
Nay tuổi đã cao, song dù mùa mưa hay nắng, ông Mừng vẫn lên rừng đều đều lấy lá thuốc về dự trữ trong nhà để phòng khi ai bị rắn độc cắn ông còn cứu kịp. Chỉ với một cây gậy trăm năm tuổi, ít lá cây rừng nấu nước làm thuốc và mấy câu "thần chú", trong hơn 50 năm hành nghề, ông đã cứu được 2.403 người.
Ông Mừng bật mí: "Đây là cái gậy hèo nhưng quý lắm, cái gậy này tui được thầy truyền lại cho nên không bao giờ để chống xuống đường mà chỉ để chống thần chết".
Làm nghề chữa rắn cắn nên ông kiêng đủ thứ, từ thịt bò, thịt trâu, thịt chó đến các loại động vật chết trước khi được làm thịt. Đi rừng nhưng nếu trên mặt có vết bẩn ông cũng chỉ về lấy giếng nước trong vườn để rửa. Đặc biệt, trời có lạnh đến mấy thì ông cũng không được ăn cơm nóng, uống nước chè nóng. Quyết tâm theo nghề nên những điều đó ông chưa bao giờ làm trái lời thầy dặn.
Hỏi ông sẽ làm nghề cứu người đến bao giờ, ông Mừng mỉm cười: "Tôi còn cướp cơm thần chết cho đến khi nào không còn sức lên rừng lấy thuốc mới thôi".
Nguồn: cadn.com.vn