Người con rể bất nhẫn
Lặn lội từ Thanh Hóa ra Hà Nội để chăm sóc con gái bị chồng đánh sẩy thai nằm viện cả tuần nay, bà Lê Thị Mẫn không khỏi chua xót. “Cái thằng bất nhẫn, bao nhiêu lần bảo nó bỏ rượu mà có chịu nghe đâu. Uống say rồi làm khổ vợ con, chồng thế này bỏ quách đi con ạ…”. Cô con gái nghe thế cũng khóc theo: “Giờ con mà bỏ anh ấy thì cái Bống phải làm thế nào, ai kiếm tiền để chữa bệnh cho nó”.
Thanh là con gái út của bà Mẫn. Nhà nghèo, học xong cấp 3, Thanh ra Hà Nội làm công nhân rồi gặp và yêu Hùng (cùng quê). Hùng làm nhân viên cho một công ty nội thất tư nhân. Vốn có tay nghề khéo nên được giám đốc tin dùng, giao cho thi công nhiều công trình nên Hùng có thu nhập ổn định. Cưới xong, hai vợ chồng thuê nhà sống, hôn nhân ban đầu hạnh phúc. Sau đó thỉnh thoảng bà lại nghe con gái gọi điện về bảo bị chồng say rượu đánh. Một hai lần, nghĩ con rể chắc mải vui uống say bên ngoài về nhà lại bị vợ càu nhàu nên mất tự chủ ra tay đánh vợ, bà gọi điện nhẹ nhàng khuyên nhủ con rể. Nhưng tình trạng say rượu rồi đánh vợ của con rể không giảm và còn tăng thêm, mức độ cũng nặng hơn.
Điển hình nhất hôm Hùng đánh vợ ngất xỉu phải đi viện cấp cứu. Lần đó, bà Mẫn gọi bà thông gia ra để góp phần dạy bảo con rể. Và bà đau đớn khi nghe bà thông gia thú nhận rằng con trai nghiện rượu đánh vợ là do “gen di truyền” từ người cha.
- Cha nó là người nghiện rượu lâu năm, cứ mỗi lần uống say lại tìm vợ con đánh để… mua vui. Thằng Hùng là con trai duy nhất trong nhà nên được ông cưng từ nhỏ. Sau này thằng Hùng lớn hơn một chút, lần nào uống rượu không có bạn nhậu là ông lại gọi nó vào uống cùng. Cứ thể thỉnh thoảng nó lại bất đắc dĩ trở thành “bạn nhậu” của cha và bị nghiện rượu luôn. Mỗi lần say, nó cùng cha đuổi đánh các chị, chửi lại cả mẹ. Chỉ đến lúc tỉnh rượu, nó mới trở lại làm đứa con ngoan, em ngoan. Khi nó trở thành con rể của tôi, tính nết không đến nỗi nào nhưng cứ có chút men rượu vào là biến thành người khác hẳn. Nhiều lần nó say rượu đánh vợ bầm dập, khi tỉnh lại quỳ gối xin lỗi, yêu vợ thương con hết lòng. Con gái tôi không bỏ nó được cũng là vì thế – Bà mẫn kể.
Cưới nhau hơn một năm thì Thanh sinh con gái. Hùng thương con hết mực, cố gắng làm lụng dành tiền mua nhà để vợ con sống đỡ khổ. Không ngờ khi lên 5 tuổi thì cháu bị bệnh thận, vợ chồng ra sức chạy chữa nhưng bệnh con bé ngày càng nặng, giờ nó tháng nào cũng phải vào viện chạy thận. Cũng may công việc của Hùng ổn định nên còn có tiền để “nuôi bệnh” của con. Cuộc sống khó khăn, cộng thêm nỗi buồn bệnh tật của con càng khiến Hùng tìm đến rượu sau giờ làm nhiều hơn. Uống nhiều say nhiều, Hùng đánh vợ cũng nhiều.
Chán nản với cuộc hôn nhân bạo lực, Thanh đã có ý định ly hôn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, ly hôn rồi thì đứa con bệnh tật ấy sẽ làm thế nào. Nếu cô dành được quyền nuôi con thì lấy tiền đâu để chữa bệnh lâu dài cho con. Để con lại cho chồng nuôi thì ai chăm sóc nó để anh đi kiếm tiền chữa bệnh cho con. Vậy là vì đứa con, Thanh đành cam chịu cuộc sống bên người chồng coi mình là vợ khi tỉnh, biến mình thành súc vật khi say. Vợ chồng thuê nhà trọ sống, cô chẳng có người thân, họ hàng bên cạnh để có thể tá túc, cậy nhờ, bênh vực, bảo vệ khi bị chồng đánh, mà chỉ biết co mình chịu trận đợi khi chồng hả cơn giận, tỉnh cơn say.
Khi Thanh mang thai đứa thứ hai, hai vợ chồng hi vọng sẽ sinh được con khỏe mạnh để bù đắp cho đứa con gái bị bệnh tật. Biết đâu, Hùng sẽ có thêm động lực để quyết tâm cai rượu. Vậy mà trong một lần uống rượu say, không làm chủ được mình, Hùng đã đánh vợ khiến cô bị sẩy thai.
Mấy ngày vợ nằm viện, Hùng rạc người vì vừa chạy vào viện lo viện phí, thuốc men cơm cháo cho vợ, vừa lo cho đứa con gái ở nhà. Nhìn nó tất tả như vậy, bà Mẫn có giận cũng chẳng dám chửi mắng thêm. Giờ nghỉ trưa, bà xuống sân bệnh viện định ngả lưng ở ghế đá một chút cho đỡ mệt thì nhận được điện thoại của cháu gái. Nó mếu máo bảo bà ngoại về nhà trọ ngay vì bố nó đang say rượu đập phá đồ đạc. Bà hốt hoảng bắt xe ôm về nhà trọ thì thấy con rể đang vứt quần áo tanh bành. Bà chạy vào, xót cháu đang khóc ngặt vì sợ hãi nên lớn tiếng mắng con rể.
Những lời của bà như đổ dầu vào lửa khiến con rể hung hăng hơn, chạy đến xô ngã bà vào góc phòng. Cú ngã đó khiến bà gãy tay phải.
Nhìn cảnh bà Mẫn tay phải bó bột, tay trái lau rửa cho con gái, ai cũng xót xa. Bà bảo đã gọi thông gia lên để tính chuyện vợ chồng nó cho rõ ràng. Nhưng nói cả ngày trời, chúng nó cũng không thể bỏ nhau vì đứa con bệnh tật kia.
Những ngày chăm con gái ở viện, bà dò hỏi mọi người xem ở bệnh viện nào có thuốc hay ở đâu có ông lang bốc được thuốc chữa “bệnh” nghiện rượu của con rể. Bằng mọi cách bà phải vận động con rể chữa được “bệnh” này. Nếu không cả cuộc đời con gái bà sẽ không bao giờ thoát khỏi bạo lực. Thậm chí bà cũng lây họa theo.
Theo Phụ nữ Thủ đô