Người chuyển giới: Khát khao được đổi tên theo giới tính
TS. Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) |
Cấm hay không cấm vẫn tiếp tục có người chuyển giới
TS. Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), một tổ chức nhiều năm gắn bó với những hoạt động quyền của người đồng tính, chuyển giới tại Việt Nam cho rằng, ủy ban thường vụ quốc hội mới đây đưa ra ý kiến không cấm cũng không thừa nhận phẫu thuật chuyển giới là... nửa vời. Cũng giống như trước đây chúng ta không thừa nhận nhưng cũng không cấm hôn nhân đồng giới.
Với quan điểm này, rõ ràng người chuyển giới chưa có quyền chuyển giới. Trong khi luật pháp cấm, thì việc chuyển giới vẫn xảy ra, giờ không cấm sẽ vẫn tiếp tục xảy ra. Vấn đề ở đây là các cơ sở y tế trong nước không được phép làm, cộng đồng người chuyển giới sẽ ra nước ngoài thực hiện phẫu thuật (với những người có điều kiện kinh tế) và tự tiêm hóc môn (với những trường hợp không có tiền).
Việc những người chuyển giới tự làm mà không có tư vấn chuyên môn, theo TS Bình, sẽ chứa đựng rất nhiều rủi ro. Nhiều câu chuyện đau lòng đã và đang xảy ra. Nguyên nhân là do khi họ không có tiền ra nước ngoài phẫu thuật họ tự tiêm hóc môn, tự sử dụng silicon bơm vào cơ thể cũng dẫn tới nhiều trường hợp biến chứng suốt đời hoặc tử vong.
“Bản thân những người đủ tiền ra nước ngoài tiến hành phẫu thuật cũng không hẳn đã an toàn. Bởi chính việc chi phí quá cao khiến nhiều người cắt ngắn quá trình, chưa có sự hồi phục, không được chăm sóc hậu phẫu đúng cách đã phải trở về nước. Việc di chuyển khi chưa thực sự hồi phục này cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu chẳng may xảy ra sự cố các bệnh viện trong nước cũng không thể thực hiện vì không được phép làm”- ông Bình nhấn mạnh.
Theo TS Bình, pháp luật nên thừa nhận người chuyển giới. Bởi theo ông vấn đề không được thừa nhận ở đây là do nhiều người chưa hiểu quá trình chuyển giới như thế nào, họ cứ nghĩ một người chuyển giới đến viện yêu cầu được chuyển giới là sẽ được thực hiện ngay. Tuy nhiên, cách hiểu này hoàn toàn không đúng.
Thay vì thế, pháp luật cần đưa ra quy định cụ thể trong đó người muốn phẫu thuật chuyển giới phải trải qua quy trình tâm lý và pháp luật rất chặt chẽ. Nếu như ở nước ngoài muốn chuyển giới phải qua quá trình tư vấn tâm lý, gặp bác sĩ tâm lý có chuyên môn nói chuyện, tư vấn. Sau đó vị bác sĩ này xác nhận anh đúng là người cần chuyển giới.
Từ đó, anh phải sống thử với giới tính kia 2 năm (nếu là nam muốn chuyển sang nữ thì phải ăn, mặc như nữ và ở với nữ). Trong hai năm ấy, anh thực sự hạnh phúc, khi đó mới quay lại bệnh viện để được tư vấn một lần nữa để đi đến quyết định có phẫu thuật hay không?.
Gần 80% người chuyển giới mong muốn được phẫu thuật
Hiện cho đến nay chưa có con số thống kê cụ thể về người chuyển giới (do sự kỳ thị vẫn còn nên nhiều người không dám công khai giới tính thật) nhưng theo khoa học, khoảng 1% dân số là người chuyển giới.
Trong một khảo sát trên 219 người chuyển giới của iSEE vào tháng 9/2014, có 78,1% người chuyển giới mong muốn phẫu thuật chuyển giới. 11,1% đã phẫu thuật ít nhất một bộ phận trên cơ thể (ngực, cơ quan sinh dục hoặc cả hai). Trong đó 100% các ca phẫu thuật liên quan tới bộ phận sinh dục (23 trường hợp) được thực hiện ở nước ngoài (Thái Lan và Hàn Quốc), 83,3% các ca phẫu thuật liên quan tới ngực (cấy hoặc cắt bỏ) được thực hiện ở Việt Nam. Những trở ngại mà họ đưa ra của việc phẫu thuật thay đổi giới tính là: pháp luật chưa cho phép (51,9%), điều kiện kinh tế chưa đủ (76,9%).
Ông Lương Thế Huy, cán bộ pháp lý Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cho biết thêm: nhiều năm qua Viện đã tiến hành các nghiên cứu, khảo sát về thực trạng, cũng như nhu cầu về y tế, pháp luật của người chuyển giới. Hiện tại theo quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ có người sau khi thực hiện “xác định lại giới tính” (theo định nghĩa là dành cho người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính), nghiêm cấm việc chuyển đổi giới tính cũng như không thừa nhận việc thay đổi thông tin về tên, giới tính trên các giấy tờ tùy thân.
Do không được thừa nhận, người chuyển giới gặp rất nhiều khó khăn từ các giao dịch, cuộc sống thường ngày cho tới các vấn đề pháp lý như mua bán, thừa kế tài sản, di chuyển máy bay, việc làm, y tế…
“Với nhiều người chuyển giới, nhu cầu thay đổi tên gọi đi trước hoặc không liên quan tới nhu cầu phẫu thuật chuyển giới. Có thể họ chưa có khả năng kinh tế, sức khỏe, hoặc kế hoạch để phẫu thuật chuyển giới. Do đó thay đổi tên gọi theo giới tính mong muốn là một nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người chuyển giới” – ông Huy nói.
Trước những thực tế trên, ông Huy kiến nghị, cho phép người chuyển giới được quyền đổi tên mà không cần phụ thuộc vào tình trạng cơ thể. Đồng thời những người họ cũng được quyền xác định lại giới tính không cần phụ thuộc vào tình trạng giới tính bẩm sinh, cũng như dù thực hiện việc chuyển giới tại nước ngoài thì vẫn cần thừa nhận và thay đổi giấy tờ nhân thân.