Người bưu tá cho liệt sĩ và 14.000 lá thư tìm mộ
Người bưu tá cho liệt sĩ và 14.000 lá thư tìm mộ
Người bưu tá ấy là cựu chiến binh Đào Thiện Sính, tuổi đã ngoài 60, hiện đang ngụ tại thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Người ta biết đến ông nhiều với thành tích lạ, có mặt tại 200 nghĩa trang từ Quảng Trị vào Nam, gửi 14.000 lá thư thông tin phần mộ cho gia đình liệt sĩ.
Ông Sính tại nghĩa trang liệt sĩ Nhà Bè (quận 7, TP.HCM) - Ảnh Duy Nguyên |
32 năm đi tìm đồng đội
Công việc “chẳng giống ai” này, ông đã làm ngót 32 năm nay. Ông Sính quê ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, vùng đất nuôi dưỡng và cống hiến hàng ngàn người con ra đi bảo vệ Tổ quốc trogn hai cuộc kháng chiến. Cùng đồng đội, ông Sính làm công tác thông tin liên lạc tại các mặt trận Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, chiến trường Lào và Campuchia.
Tự nhận mình là một trong số ít người may mắn được hưởng hòa bình năm 1975, trong khi đồng đội và anh em đã ngã xuống, rất nhiều người trong số họ chưa được an nghỉ nơi quê nhà, trong đó có cả người anh ruột của mình, năm 1980 ông Sính quyết định đi tìm mộ anh trai là liệt sĩ Đào Chí Nguyện.
Ông nói: “Giấy báo tử ghi rất mơ hồ. Chỉ nói là đã hy sinh ngày 12/5/1968 tại chiến trường miền Nam. Cứ thế, tôi tìm tại các nghĩa trang từ tỉnh Quảng Trị trở vào”.
Cuộc hành trình mơ hồ tưởng chừng như vô vọng, nhưng với ông, hy vọng chưa bao giờ tắt. Trong suốt 32 năm nay, ông đã đi đến hơn 200 nghĩa trang từ Quảng Trị, Đồng Nai, Tây Ninh cho đến Mũi Cà Mau.
“Đi nhiều mới thấy có nhiều người còn khổ hơn mình. Chiến tranh qua lâu rồi nhưng nỗi mất mát, thương nhớ người thân thì còn mãi. Có nhiều người cũng giống như tôi, không biết người thân mình đang nằm ở đâu”, ông tâm sự.
Ông chưa bỏ sót một bia mộ nào trong những nghĩa trang đã đặt chân tới - Ảnh Duy Nguyên |
Những đồng cảm đó, ông tìm thấy ngay từ chuyến đi đầu tiên. Thấy mình may mắn vì còn có điều kiện đi tìm nhờ cuộc sống gia đình ổn định, không phải chạy cái ăn, ông nảy ra ý tưởng, với mỗi nơi nghĩa trang ông đến, ông bắt đầu ghi chép tỉ mỉ tên liệt sĩ, nguyên quán, tuổi tác, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh để gửi về cho gia đình liệt sĩ. Trong suốt 32 năm, những bức thư ông gửi đi đều tỉ mận, cẩn thận, không bao giờ có sai sót.
Tính đến thời điểm này, số thư ông gửi đến các gia đình thân nhân liệt sĩ đã lên đến con số 14.000 lá thư. Từ năm 2007, nghỉ hưu, ông bắt đầu dành trọn thời gian cho những chuyến đi dài. Hỏi ông, gia đình có phiền hà gì không khi ông đi nhiều vậy, ông vui vẻ cho biết, vợ và 8 người con đều ủng hộ. Ông đi đến đâu cũng đều báo tin về gia đình. Con rể cứ gọi điện hỏi thăm suốt, xem bố còn tiền không, để gửi vào.
Nhờ vậy, cái tuổi già được tiếp thêm sức để đi, đi theo tiếng gọi của nghĩa tình đồng đội, đi vì lòng nhân ái, sự đồng cảm với những số phận con người cũng giống như mình, mang nỗi đau mất mát người thân trong chiến tranh. Công việc thầm lặng của ông là hàng ngày đến nghĩa trang ghi chép, tối lại về viết thư để kịp sáng gửi đi cho thân nhân liệt sĩ. Trung bình mỗi đêm ông viết trên 100 lá thư. Có bận, nghĩa trang liệt sĩ Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh bốc mộ xây cất lại, ông phải viết liền mỗi đêm 300 lá thư để kịp báo cho thân nhân vào lấy mộ. Riêng năm 2011, ông đã viết đến 6.000 lá thư.
Những cánh thư thiện nguyện đa phần đều có hồi âm. Nhiều gia đình gọi điện cho ông để được hướng dẫn đường đi. Cái tình người lính chưa dừng lại ở đó, có những bà mẹ già đi tìm con trong khi cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, nghèo khổ. Với những hoàn cảnh đó, ông còn bỏ ra một phần chi phí để hỗ trợ họ đi lại, nơi ăn, chốn ở để đưa con về với quê hương.
Ông kể, nhiều trường hợp tưởng con mình đã mất tích hoặc đã chạy theo giặc sau hòa bình, mang danh phản quốc và không được hưởng chính sách đền ơn đáp nghĩa của Nhà nước. Sau khi được ông báo tin mộ phần và tìm được con, giải nỗi oan bán nước, họ mừng và biết ơn ông lắm. Ông cũng được vui lây, từ đó thôi thúc ông tiếp tục hành trình.
“Còn sống là còn đi”
Hỏi ông, ông định làm bưu tá cho liệt sĩ đến bao giờ, ông trả lời không ngần ngại: “Còn sống, còn đi được là tôi còn đi. Chưa tìm được anh tôi nhưng mỗi chuyến đi không phải là vô ích. Mình đi sẵn giúp tìm người thân cho các đồng chí luôn”.
Ông Sính (bìa phải) tìm đồng đội ở Tây Nguyên - Ảnh tư liệu do ông cung cấp |
Những chuyến đi dài và liên tục với tuổi già đã là một chuyện không dễ. Ấy thế mà trên chuyến hành trình đó lại còn có thêm biết bao khó khăn, cách trở. Người ta thường thấy ông trong nghĩa trang cầm kính lúp soi bia mộ, chụp ảnh rồi ghi ghi chép chép. Ông cho biết, nhiều bia mộ qua năm tháng, chữ khắc mờ lắm. Để nhìn rõ đã là khó, việc giải mã thông tin cho chính xác lại càng khó hơn. Đó là chưa kể, không phải nghĩa trang nào cũng cho ông vào tự do. Đến nhiều nơi, họ xua đuổi, còn kêu công an đến bắt.
Một thân một mình mang túi đồ đi khắp các nghĩa trang, những lúc mệt mỏi, ông ngủ tạm ở một góc nghĩa trang. Trong túi hành lý, ngoài ba bộ quần áo và bì thư còn có một hộp đựng thuốc trợ tim, thuốc cao huyết áp, thuốc cảm… Ông bảo: “Mấy đứa con nó chuẩn bị cho đấy. Nhờ trời, sức khỏe tôi vẫn còn tốt. Nơi nào tiện thì ngã lưng, cũng tiết kiệm được chút chi phí đi đường. Ở nghĩa trang cũng đều là đồng đội cả”.
Biết ông đi tìm mộ liệt sĩ, 10 năm trở lại đây, ngành bưu chính không thu tiền cước thư gửi gia đình liệt sĩ của ông. Tuy vậy, ông phải tự làm phong bì thư với dòng chữ “Thư báo tin phần mộ liệt sĩ”. Trên 10.000 bưu điện văn hóa xã còn giúp ông xác minh địa chỉ thân nhân liệt sĩ rất nhiệt tình. Mấy năm gần đây, một cán bộ trong ngành bưu chính khắc tặng ông con dấu ghi thông tin để những cánh thư của ông gửi nhanh hơn.
Nhờ có con dấu thông tin trên bì thư, việc viết thư giảm bớt thời gian, những lá thứ viết nhanh hơn - Ảnh Duy Nguyên |
Giúp nhiều gia đình tìm lại người thân, ông xem niềm vui đoàn tụ của họ chính là niềm vui và động lực của bản thân mình và nhất quyết từ chối nhận thù lao. Để cảm ơn ông, nhiều người đã gửi tặng bì thư và luôn giữ liên lạc, dõi theo từng nơi ông đến.
Đi và trông thấy từng nắm mộ nơi đồng đội đang an nghỉ, ông càng thêm xót lòng và trăn trở khi nhiều nghĩa trang liệt sĩ đang xuống cấp trầm trọng. Có nơi đồng đội nằm, chỉ là nắm đất đắp cao, cỏ mọc dày, bia đá bạc mờ. Vừa qua, ông đã chụp ảnh và viết thư gửi Bộ LĐTB&XH về tình trạng xuống cấp của nghĩa trang liệt sĩ Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Kết quả đáng mừng là Nhà nước đã quyết định đầu tư xây dựng lại nghĩa trang này. Riêng nghĩa trang liệt sĩ ngành bưu điện đặt tại tỉnh Tây Ninh, ông vẫn luôn trăn trở: “Nhà nước dành cả 3 hecta cho nghĩa trang đó, nhưng số mộ được quy tập về thì không nhiều”.
Con đường tìm anh, tìm đồng đội còn dài và lắm gian nan. Ông vẫn tiếp tục đi như một hình ảnh người chiến sĩ tìm về với đồng đội, một người bưu tá tận tụy chưa bao giờ nghỉ hưu.
Duy Nguyên