Ngư dân Việt kể ngày đen tối dưới họng súng hải tặc Somalia
Ngư dân Việt kể ngày đen tối dưới họng súng hải tặc Somalia
Ngày 5/4/2006, tàu Dongwon-ho 628 của Hàn Quốc bị hải tặc Somalia bắt giữ cũng là ngày đánh dấu mối nguy hiểm này luôn rình rập đối với đời thuyền viên Việt Nam đi làm thuê trên các tàu cá người nước ngoài.
Giáp mặt hải tặc
Năm thuyền viên từng sống làm việc trên con tàu Dongwon-ho 628 ngày nào nay đã mỗi người đã tìm cho mình mỗi việc làm khác nhau. Nhưng những ngày tháng sống dưới họng súng hải tặc Somaila sẽ không bao giờ quên trong tâm trí họ. Anh Trần Xuân Luân (sinh 1976, ở xóm Đồng Tiến, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) một trong năm thuyền viên trở về an toàn vẫn nhớ như in ngày tàu Dongwon-ho 628 khởi hành đi đánh bắt cho đến ngày 10 tên cướp biển tay cầm súng, đạn lao lên khống chế tàu.
Bốn trong năm thuyền viên Việt Nam làm thuê trên tàu Dongwon-ho 628 của Hàn Quốc bị hải tặc Somalia bắt năm 2006. |
Anh kể, ngày 15/10/2005, tàu Dongwon-ho 628 mang theo 25 thuyền viên người Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia rời cảng Singapore, bắt đầu cho một cuộc hành trình đánh bắt dài ngày ở vùng biển châu Phi. Sau hai tháng quần thảo ở vùng biển Ennogiang, thuyền trưởng quyết định chuyển hướng đánh bắt sang sát vùng biển Somalia. Tàu Dongwon-ho 628 vừa thả câu thì đã thấy những chiếc canô cao tốc của hải tặc lượn lờ từ xa.
"Thuyền trưởng vừa hô hoán chặt lưới để chạy thì 10 tên da đen đã bám sát lấy tàu, nổ súng cày dậy sóng biển và lao lên khống chế thuyền viên", anh Luân nhớ lại.
Sau khoảng 30 phút bị khống chế bắt cóc, đã có hai chiếc tàu chống cướp biển của hải quân Mỹ đến tìm cách giải cứu, nhưng bất lực trước sự lì lợm của bọn cướp biển khi chúng đưa những nạn nhân ra làm bia đỡ đạn. "Sau hai ngày đêm yêu cầu thuyền trưởng lái tàu chạy theo hướng dẫn của bọn chúng, tàu chúng tôi mới đến vùng biển Somalia hẻo lánh, quạnh hiu. Khi đó chỉ có thuyền trưởng được cho lên bờ đàm phán tiền chuộc, còn tất cả thuyền viên bị giam giữ trên tàu hàng tháng trời mà thiếu thốn đủ bề", anh Luận giọng chùng xuống khi ký ức hãi hùng tràn về.
Anh Trần Xuân Luân và những bức ảnh chụp với con tàu Dongwon-ho 628. |
Theo anh Luân, súng ống của những tên cướp biển luôn chĩa vào bất cứ thuyền viên nào dám manh động, chỉ cần có tiếng động là súng của bọn chúng lại lên cò lách cách và những bước chân chạy thình thịnh trên boong tàu nghe rất uy hiếp. Mọi hoạt động trên tàu đều bị khống chế, thông tin về đất liền chia cắt, ban ngày bọn cướp biển chỉ cho các các nạn nhân bị bắt cóc ra khỏi boong tàu khoảng 30 phút tắm rửa, vệ sinh. Ban đêm hải tặc tuyên bố nếu một ai đó ló đầu ra và có ý định bỏ trốn sẽ bị bắn chết tại chỗ.
"Sau gần 4 tháng đàm phán, chủ tàu mất đến 900.000 USD thì tàu mới được thả. Hạnh phúc vỡ òa khi năm thuyền viên người Việt Nam trên con tàu Dongwon-ho 628 được trở về an toàn. Và từ đó vợ con không cho tôi đi nữa", anh Luân vừa bồng con, vừa nói.
Làm hải tặc bất đắc dĩ…
Đầu năm 2011, hải tặc Somalia phóng thích tàu Tai Yuan 227 (Đài Loan) cùng 27 thuyền viên, trong đó có ba người Việt Nam. Ngoài đòi tiền chuộc, bọn hải tắc này đã khống chế tất cả mọi người trên tàu cùng đi cướp biển với chúng. Anh Nguyễn Tiến Anh (sinh 1978, ở thôn Tam Hải 1, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh) là một hải tặc "bất đắc dĩ" nhớ lại những ngày sống kinh hoàng đó.
Anh Tiến Anh làm thuê trên tàu Tai Yuan 227 chủ yếu trực câu cá ngừ đại dương. Trên tàu, người Việt Nam ngoài anh Anh còn có anh Trần Văn Trí (Quỳnh Lưu, Nghệ An), Trương Văn Hiếu (Kon Tum). Sáng 6/5/2010, Tàu Tai Yuan 227 đang lênh đênh trên vùng biển Sri Lanka thả câu thì bất ngờ bị hải tặc Somalia khống chế đưa về trại bản doanh của chúng (một vùng biển hẻo lánh tàu thuyền qua lại) đòi tiền chuộc.
Gần một tháng ở vùng biển Somaila, tất cả mọi người trên tàu Tai Yuan 227 bị yêu cầu đi cướp biển, nếu không sẽ bị bắn bỏ mạng. Anh Tiến Anh cho biết, tàu Tai Yuan 227 lênh đênh trên biển với bọn hải tặc đi "săn hàng" được nửa tháng thì bị lực lượng hải quân Ấn Độ phát hiện rượt đuổi. Khi bị hải quân Ấn Độ áp sát, hải tặc Somalia luôn chĩa súng vào các thuyền viên trên tàu rồi ra ký hiệu cảnh báo rằng, nếu còn ai rượt đuổi sẽ nổ súng bắn chết con tin. Sau khi thoát khỏi hải quân Ấn Độ, tàu Tai Yuan 227 lại bị "điều" tiếp đi săn lùng các tàu lớn khác. Trong chuyến đi cướp biển lần thứ hai này bọn hải tặc Somaila khống chế được hai tàu cá và đưa về khu vực "biển cấm" để đòi tiền chuộc…
Sau khi cuộc thương lượng không thành với chủ tàu Tai Yuan 227, hải tặc Somaila hạ cờ của tàu xuống, treo cờ Malaysia lên để bắt đầu cuộc "chinh phạt" thứ ba nhưng bất thành khi gặp tàu chiến, tàu ngầm của hải quân một số nước trong vùng biển Ấn Độ Dương đi tuần. Sau cuộc "chinh phạt" này bọn cướp biển về hạ mức tiền chuộc xuống còn 150 ngàn USD nhưng chủ tàu không đồng ý. Chúng lại tiếp tục sử dụng tàu Tai Yuan 227 và các thủy thủ đi cướp biển lần thứ tư.
Anh Tiến Anh kể, chuyến đi cướp biển lần thứ tư, bọn hải tặc chỉ cướp được một chiếc tàu chở gỗ của Malaysia. Trong lúc đi cướp một chiếc canô của bọn cướp biển bị mất liện lạc nên bọn chúng khống chế người trên tàu Tai Yuan 227 đi tìm. Trong lúc đang đi tìm, xuất hiện một chiếc máy bay cứu hộ áp sát nhưng bị bọn chúng bắn chỉ thiên cảnh báo có con tin trên tàu nên máy bay rút lui.
Anh Nguyễn Tiến Anh hồi hộp kể lại những ngày tháng bị hải tắc Somaila bắt giữ. |
Bước sang ngày thứ hai đi tìm kiếm chiếc canô mất tích, thuyền trưởng người Trung Quốc thông báo cho toán cướp biển biết là tàu gần cạn dầu, khó về đến biển Somaila. "Bọn chúng lục soát khắp nơi mà không tìm ra dầu dự trữ liền gọi tàu chở gỗ của Malaysia quay lại đón. Sau khi hải tặc vận chuyển súng ống, lương thực từ tàu Tai Yuan 227 sang tàu Malaysia thì chúng tôi mới được tự do và chạy đi lấy dầu cất giấu để về nước an toàn", anh Anh xúc động kể.
Phút nghẹt thở đánh hải tặc
Nhắc đến những người hùng đánh trả làm bọn hải tặc Somalia khiếm đảm phải kể đến 5 chàng trai người Nghệ An và Hà Tĩnh đi trên con tàu đánh cá Chin Yi Wen của Đài Loan.
Ngày 21/7/2011 tàu Chin Yi Wen bắt đầu khởi hành đánh cá. Sau hơn 3 tháng lênh đênh trên biển thì đến ngày 4/11/2011 tàu lọt vào tay một toán cướp biển. Tất cả thuyền viên đều lo lắng, không biết khi nào thì được thả tử do. Đến bây giờ anh Nguyễn Giang San (sinh 1990, xã Kỳ Phú, Kỳ Anh) vẫn luôn tự hào về mình là một trong năm thuyền viên Việt Nam dám cả gan đánh trả bọn cướp để trở về quê hương.
Anh San vẫn nhớ rất rõ, 6 tên cướp biển lúc nhảy lên tàu có 6 khẩu súng AK và những quả lựu đạn dắt bên hông làm tất cả thuyền viên trên tàu Chin Yi Wen khiếp sợ. Nhưng trong thế đường cùng, mọi người tự nói với nhau phải đánh trả lại bọn cướp mới tự giải cứu được mình thì ai nấy đều quên hết nỗi sợ hãi. "Sau ba ngày bị giam cầm, đói và khát mọi người đã bàn tính với nhau phải đánh trả lại những tên cướp khét tiếng này. Biết thuyền trưởng nói có sáu con dao cất giấu dưới boong tàu mà bọn cướp biển chưa biết thì khuôn mặt ai nầy đều lóe lên hy vọng", anh San kể.
Sau khi lên phương an tác chiến, sáng ngày 6/11/2011 theo hiệu lệnh của một số thuyền viên Việt Nam tấn công hai tên cướp cầm súng đứng canh gách thì tất những thuyền viên còn lại cùng lao vào tấn công những tên cướp đang ngủ và tên cướp đi vệ sinh. Anh San khoe: "Bị tấn công bất ngờ, có tên cướp bị khống chế ném xuống biển, có tên hoảng sợ quá lao xuống biển thoát thân. Còn về phía các thuyền viên có ba người bị thương nhẹ nhưng ai nấy đều vui mừng vì chiến công đánh thắng hải tặc Somalia".
Sau đánh thắng hải tặc, tàu Chin Yi Wen mất 20 ngày chạy liên tục mới cập cảng Singapore. Ông chủ tàu Chin Yi Wen đến chia vui, động viên các thủy thủ khi lần đầu tiên đánh thắng toán cướp biển Somaila khét tiếng.
HOÀNG DUNG