Ngư dân săn cá ngừ đại dương... "bó chân"
Cảnh tàu câu bò gù nằm bờ tại cảng cá phường 6 cuối tháng 11/2013 |
Ngư phủ "bó chân"
Đã 2 tháng vào vụ cá mới. Giữa ngày trời yên biển lặng nhưng vắng teo người ở Cảng cá Tuy Hòa, nơi đang được mệnh danh là “thủ phủ cá ngừ đại dương”. Góc cảng, một trái xoài xanh chỏng chơ giữa bàn. Một chai trắng, một chiếc cốc nhỏ chuyền qua, chuyền lại. Bàn rượu ít nói, dẫu toàn là dân săn bò gù “ăn sóng, nói gió”.
Đã dự nhiều cuộc nhậu của dân bò gù phường 6, TP Tuy Hòa, bét lắm cũng bia chai, tôi cảm nhận ngay nghề gù đương lúc rất khó. Anh em cho biết đã phải nằm nhà, tìm việc làm thuê làm mướn “lách chách” mấy tháng nay. Điện thoại hỏi một ông bạn bò gù quen, thì được biết đang vô Phan Thiết (Bình Thuận) để theo tàu giã cào. Hỏi thêm vài người nữa, kẻ làm xe ôm, người đi làm thuê trên Tây Nguyên…
Anh Nguyễn Tấn Sĩ (ở phường 7, TP Tuy Hòa), một “chuyên gia” đi bạn bò gù, vậy mà từ tháng 5/2013 đến nay phải rút về đi cộ bò chở hàng thuê, thỉnh thoảng bắt mối được ghe giã cào thì xách gói vô Nam làm. Anh Sĩ cho biết, đi bạn giã cào hiện kiếm hơn 100.000 đồng/ngày công. “Xa nhà, ăn uống chi phí cao nhưng cũng có gửi về gia đình. Bởi mình phải gánh nuôi 4-5 người trong nhà. Hầu hết tàu đi câu bò gù nằm bờ mấy tháng nay rồi, mình nằm nhà theo là đói cả dạt… Bây giờ, nhiều anh em từng đi bò gù chấp nhận đi xa làm thuê, khi nào chủ tàu gọi thì trở về tiếp tục đi săn bò gù”. “Khó lắm anh ơi, nợ nần từ việc đầu tư, làm nước (sửa chữa) tàu, bao nhiêu miệng ăn trong nhà đều trông chờ vào chiếc tàu săn bò gù. Bây giờ, phải nhín ăn nhín mặc, tìm cách xoay xở đủ thứ. Cũng chẳng biết khi nào nghề săn bò gù mới sáng sủa trở lại…”, bà Mai Thị Ty, chủ một tàu công suất 160CV chuyên đi săn bò gù đang nằm bờ, nói.
Nghề câu bò gù “bó tay” kéo theo hàng loạt dịch vụ hậu cần chuyên ngành, sơ chế, mua bán cá, người làm thuê quanh cảng,… cũng “bó chân”.
Chuyển hướng cá chuồn
Theo ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 (TP Tuy Hòa), thông thường, tháng 8 và tháng 9 âm lịch là mùa mở biển vào vụ khai thác mới, thế nhưng chỉ có lác đác vài tàu (trong tổng số 198 tàu câu cá ngừ đại dương ở phường 6) ra khơi đánh bắt. “Lạ một điều là năng suất đánh bắt cá ngừ đại dương thấp nhưng giá cá lại liên tục giảm, trong lúc chi phí cho mỗi chuyến biển thì tăng vùn vụt. Dù Chính phủ đã có Quyết định 48/2010 về việc hỗ trợ xăng dầu cho các tàu khai thác trên các vùng biển xa, nhưng lúc này câu cá ngừ đại dương vẫn không thể có lãi, vậy là hàng loạt tàu không dám vươn khơi”.
Lúc này, mỗi tàu câu cá ngừ đại dương phải đạt từ 2 tấn cá (với giá cá 130.000 đồng/kg) thì may ra mới đủ tổn phí hàng trăm triệu đồng/chuyến và bắt đầu tính chuyện có lãi. Thế mà nhiều tàu câu cá ngừ đại dương vừa rồi ra khơi cả tháng, chỉ câu được dăm ba con cá, sản lượng chỉ vài trăm ký! Giá dầu, đá lạnh và các nhu yếu phẩm phục vụ chuyến câu đều tăng vọt; trong lúc giá cá “bập bênh” từ 190.000 đồng/kg có lúc xuống còn 90.000 đồng/kg, và lúc này là 130.000 đồng/kg thì cá khan hiếm vô cùng tận.
Anh Võ Đốc, một ngư dân thiện chiến nghề săn bò gù, hiện là chủ tàu PY92691, than thở: “Mấy năm trước, mùa biển động cũng chỉ nằm tránh bão vài ngày là cùng, bởi phương tiện thông tin liên lạc bây giờ khá rồi. Tui và tàu nằm nhà đã mấy tháng nay rồi. Anh em cũng bồn chồn, nhưng câu không có cá thì đi làm gì! Vừa rồi, tập đoàn 4 tàu săn bò gù của ông bạn tui đi 29 ngày, về chỉ được hơn chục con cá; chiếc được 3-4 con, chiếc 5 con, chiếc nhiều nhất là 10 con, nên từ lỗ đến đói. Kể cả mấy tàu câu đèn cũng “meo râu”. Cá khan hiếm quá, anh em thấy vậy đều hết dám ra khơi, kể cả khi Nhà nước có hỗ trợ chi phí đánh bắt xa bờ!
Chẳng những câu vàng, dân câu đèn cũng đang lỗ tổn tràn lan. Một số tàu kết hợp câu cá nhám hoặc chuyển sang đánh cá chuồn, nhưng cũng chẳng ăn thua…”.
Xuất khẩu ngư dân?
Ông Phan Thuẫn nói: “Thực tế trong thời gian qua, do lực lượng khai thác cá ngừ đại dương ở nước ta ngày càng đông và mạnh nên ngư trường ngày càng cạn kiệt nguồn cá. Đã có một số tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân ta thấy luồng cá là mãi mê bám đuổi, vô tình vi phạm lãnh hải nước bạn, bị phạt tiền, tịch thu phương tiện, ở tù,… khổ lắm!”.
Ông Trần Ngọc Nhạn, Phó chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên cho biết: Nghề khai thác cá ngừ đại dương đang còn “đau đầu” với nhiều bài toán từ biến động giá cả. Cơ quan chức năng, doanh nghiệp và ngư dân cũng đã tìm nhiều biện pháp cải tiến khâu bảo quản để tăng chất lượng sản phẩm cá. Thế nhưng khi nguồn cá bị khan hiếm dần trên ngư trường biển Đông, nhân lực và phương tiện “trở tay chuyển hướng” không kịp, thành ra dôi thừa. “Đã có một số ý kiến về việc đưa ngư dân (có thể cùng phương tiện) sang đánh bắt cá ngừ đại dương tại một số ngư trường các nước lân cận. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến ngoại giao giữa các quốc gia, nên cũng chưa thấy xúc tiến…”, ông Nhạn nói.
Còn theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, hy vọng sắp tới ngành khai thác cá ngừ đại dương sẽ “cục cựa” trở lại khi đề án Tổ chức khai thác, bảo quản, thu mua chế biến cá ngừ theo chuỗi đặt mục tiêu (do Bộ NN-PTNT chủ trì) được triển khai.
Đã có quá nhiều cuộc họp bàn giải pháp để tìm lối thoát cho nghề câu cá ngừ đại dương, thế nhưng con cá “mũi nhọn” này vẫn còn “cùn” lắm…
Nguồn: Báo Phú Yên