"Ngôi làng cấm đàn ông" ở Kenya

Chỉ có phụ nữ mới được sống ở Umoja, một ngôi làng ở Kenya. Nơi đây đã trở thành địa điểm trú ẩn cho những phụ nữ sống sót sau các vụ bạo lực tình dục.

Julie Bindel, phóng viên của The Guardian, đã có chuyến đi trải nghiệm ở làng Umoja. Tại đây cô đã gặp Jane và lắng nghe câu chuyện của người phụ nữ này. 

Jane kể lại, cô bị ba người đàn ông mặc đồng phục quân Gurkha tấn công khi đang lùa đàn cừu và dê của nhà chồng về chuồng. “Tôi đã cảm thấy quá xấu hổ và không thể nói chuyện này cho bất kỳ ai. Họ đã làm những điều tồi tệ với tôi”, Jane nói, đôi mắt ánh lên nỗi đau.

Jane mới 38 tuổi nhưng trông khá già nua. Cô cho phóng viên Julie xem vết sẹo sâu trên chân cô do bị ngã vào các hòn đá nhọn khi bị đẩy ngã xuống đất. Với giọng nói đứt quãng, thì thầm, cô tiếp tục câu chuyện của mình: “Tôi đã nói với mẹ chồng rằng mình bị ốm vì tôi phải giải thích các vết thương và sự buồn rầu của mình. Tôi đã uống một loại thuốc truyền thống theo phong tục của dân làng nhưng không giúp được gì. Khi tôi nói với chồng mình về việc bị hãm hiếp, anh ta đã lấy roi đánh tôi. Vì vậy tôi đã biến mất và đến sống ở đây cùng với lũ trẻ”.

Judia (ở giữa) đến làng Umoja từ 6 năm trước.

Jane là một công dân của Umoja, ngôi làng ở vùng đồng cỏ Samburu, phía Bắc Kenya, bao bọc bởi một hàng rào bụi gai. 

Julie Bindel đến Umoja vào một ngày nắng nóng, khi những đứa trẻ đang ngủ. Dê và gà được thả khắp làng, những người phụ nữ bày các mẹt tre trước mặt, trên đó đặt những đồ trang sức họ tự làm để bán cho khách du lịch, ngón tay của họ thoăn thoắt, vừa làm, vừa cười nói vui vẻ. Quần áo được mang ra phơi dưới ánh mặt trời chói chang. Mái những ngôi lều được làm từ phân bò, tre và cành cây khô. Sự tĩnh mịch bị phá vỡ bởi những tiếng chim hót lanh lảnh, gấp gáp và vang dội. Đây là một ngôi làng điển hình ở Samburu, ngoại trừ một điều: không có bóng dáng người đàn ông nào!.

Sự xuất hiện của Julie được những người phụ nữ chào đón. Họ mặc những bộ váy truyền thống Samburu với những màu sắc sặc sỡ và một chiếc kanga (một chiếc khăn nhiều màu) vắt trên vai. Vòng cổ của họ được nối từ những chuỗi hạt màu sắc. Tất cả dường như đối lập với vùng đồi núi khô cằn, ánh mặt trời chói lọi phản chiếu những hạt bụi vương đầy trong không khí.

Ngôi làng đặc biệt này ra đời năm 1990 bởi một nhóm 15 người phụ nữ sống sót sau khi bị các binh lính người Anh cưỡng hiếp. Dân số của Umoja giờ đã mở rộng ra nhiều, bao gồm những người phụ nữ thoát khỏi tục tảo hôn, những người bị cắt bỏ bộ phận sinh dục, những người bị cưỡng hiếp và bị bạo lực gia đình... Tất cả đều là các hủ tục của người Samburu.

Dân làng là nạn nhân của những vụ bạo lực tình dục hoặc hủ tục văn hóa.

Rebecca Lolosoli là người sáng lập ra Umoja và được phong là "bà chúa" gia đình. Khi phải nhập viện vì bị một nhóm đàn ông đánh đập, bà đã nghĩ ra ý tưởng lập nên một cộng đồng chỉ toàn phụ nữ. Bà bị đánh trọng thương do dám nói với những người phụ nữ trong làng về quyền bình đẳng. 

Người Samburu có mối quan hệ rất gần với bộ tộc Maasai, họ cùng nói chung một ngôn ngữ. Họ thường sống thành từng nhóm từ 5 đến 10 gia đình, là những người bán di cư. Văn hóa của họ mang nặng tính gia trưởng. Tại các cuộc họp làng, những người đàn ông ngồi theo một vòng tròn để thảo luận những vấn đề quan trọng của làng, còn những người phụ nữ phải ngồi bên ngoài, rất hiếm khi được bày tỏ ý kiến của mình. 

Những thành viên đầu tiên của Umoja đều đến từ các ngôi làng Samburu biệt lập, phía bên kia thung lũng Rift. Từ đó, nhiều người phụ nữ và các bé gái đều tìm về Umoja, học cách buôn bán, nuôi dưỡng con cái và sống mà không phải lo sợ bị những người đàn ông khác tấn công.

Hiện ở Umoja có 47 phụ nữ và 200 trẻ em. Mặc dù sống rất tằn tiện nhưng những người phụ nữ ở đây chỉ kiếm được số tiền vừa đủ để mua đồ ăn, quần áo và dựng lều cho tất cả mọi người. 

Những người đứng đầu làng Umoja lập nên một khu nhà trọ, cách đó khoảng 1km, dành cho các nhóm khách du lịch đi săn nghỉ chân. Rất nhiều trong số đó và cả những người trên đường tới thăm khu bảo tồn thiên nhiên gần đó cũng ghé vào Umoja. Những người phụ nữ ở đây tính phí vào cửa rất rẻ và hy vọng rằng, khi tới thăm ngôi làng này, các vị khách sẽ mua những sản phẩm trang sức do chính tay họ làm ra.

China Laprodati vừa trông con vừa bán các đồ trang sức do mình làm ra.

Bà Lolosoli rất cao lớn và trông đầy quyền lực, phần đầu cạo tóc của bà được trang trí bằng các vật dụng trang sức truyền thống của người Samburu. Những cư dân trong làng cho biết bà Lolosoli đã phải đối mặt với nhiều lời đe dọa và tấn công từ phía những người đàn ông địa phương khi lập nên ngôi làng này, nhưng quyết tâm của bà không gì có thể lay chuyển được. 

Julie đã gặp Lolosoli tại Đức khi bà đang ở thăm con gái mình tại đây. Bà nói chuyện với Julie đầy tự hào về những gì mà bà cùng những người phụ nữ khác đã xây dựng được trong suốt 25 năm qua.

Một trong những đặc điểm có một không hai của cộng đồng Umoja là một số công dân có kinh nghiệm đã tới huấn luyện và giáo dục cho những người phụ nữ và trẻ em gái ở các ngôi làng Samburu quanh đó về các vấn đề như kết hôn sớm hay tục lệ cắt bỏ bộ phận sinh dục. 

Các đồ trang sức sặc sỡ là một đồ vật quan trọng trong văn hóa của người Samburu. Các bé gái sẽ nhận được chiếc vòng cổ đầu tiên từ cha của mình trong một nghi lễ gọi là “xâu hạt”. Người cha sẽ chọn một “chiến binh nam giới” lớn tuổi hơn sẽ kết hôn tạm thời với con gái mình vào lúc đó. Mang thai bị cấm nhưng các biện pháp tránh thai lại sẵn có. Nếu một đứa bé gái mang thai, cô bé sẽ bị buộc phải phá thai và việc đó do những người phụ nữ khác trong làng tiến hành.

Milka, hiệu trưởng một ngôi trường xây dựng trên đất làng Umoja, cho biết: “Nếu một bé gái kết hôn sớm, cô gái đó sẽ chưa đủ khả năng làm mẹ. Nếu sinh con, cô gái sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm như đau đớn, băng huyết... Thậm chí cả việc thực hiện những việc nhà hàng ngày cũng còn khó khăn đối với các cô bé”.

Có khoảng 200 đứa trẻ sống ở Umoja.

Ngồi dưới tán “cây nói”, phóng viên The Guardian kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của những người phụ nữ ở đây. Nagusi, một người phụ nữ trung niên có 5 người con, chia sẻ: “Tôi đã học làm mọi việc ở đây, những việc mà phụ nữ thường bị cấm làm. Tôi có thể tự kiếm tiền, khi các khách du lịch mua những sản phẩm của tôi, tôi cảm thấy rất tự hào”.

Memusi chào Julie bằng nụ cười thân thiện. Cô trốn khỏi nhà chồng chỉ một ngày sau lễ cưới vào năm 1998. “Tôi bị cha mình đổi lấy bò khi mới 11 tuổi. Và chồng của tôi thì đã 57 tuổi”.

Còn Judia, một cô gái 19 tuổi, đã tới Umoja khi mới 13 tuổi, cô đã chạy trốn khỏi nhà để tránh bị bắt phải lấy chồng. “Hàng ngày tôi thức dậy và mỉm cười với bản thân bởi xung quanh tôi có rất nhiều người giúp đỡ và hỗ trợ mình. Ngoài kia, nhiều phụ nữ bị đàn ông chi phối vì họ không thể thay đổi được gì. Còn những người phụ nữ ở Umoja thì có tự do”, Judia nói.

Điều khiến nhiều người tò mò là, tại sao ở một ngôi làng toàn phụ nữ như vậy lại có rất nhiều trẻ em? “Ah, tất nhiên là chúng tôi vẫn thích đàn ông. Họ không được phép sống ở đây nhưng chúng tôi cũng muốn có con, là phụ nữ mà, kể cả chúng tôi có không kết hôn đi nữa”, một người cười nói.

Turkana luôn mỉm cười với chính mình mỗi ngày.

Lotukoi là người đàn ông duy nhất tôi gặp ở Umoja. Anh ta đến làng mỗi ngày, trước khi mặt trời mọc, để chăm sóc đàn gia súc. Anh nói: “Chăm sóc bọn trẻ, nhặt củi và nấu nướng là công việc của những người phụ nữ, còn đàn ông thì trông nom vật nuôi. Điều khá buồn cười là bạn không nhìn thấy đàn ông quanh đây nhưng lại có rất nhiều trẻ nhỏ, điều đó có nghĩa là họ đã tìm kiếm những người đàn ông ở bên ngoài”.

Một người phụ nữ trẻ ở Umoja nói với phóng viên rằng cô có 5 đứa con, tất cả chúng đều khác bố. Vừa giặt quần áo, cô vừa nói: “Theo văn hóa của chúng tôi, việc không kết hôn mà có con là không tốt. Nhưng còn tồi tệ hơn nếu bạn không có con. Không có những đứa trẻ thì chúng tôi chẳng là gì cả”.

Mặc dù cộng đồng Umoja ngày càng mở rộng nhưng những ký ức đau thương về nguyên nhân những người phụ nữ đến sinh sống tại đây vẫn không hề phai nhạt. Phần lớn họ đều là nạn nhân bị cưỡng bức bởi các binh lính Anh và Gurkhas. 

Sammy Kania, 33 tuổi, nhớ lại: “Một khi người phụ nữ bị hãm hiếp, họ không còn trong sạch theo văn hóa Islam và Qur’an. Điều này thật không công bằng, bởi đó chỉ là tai nạn. Những người chồng có thể đưa họ đi kiểm tra HIV và sau đó họ có thể tiếp tục cuộc sống, chăm sóc bọn trẻ và cả gia đình”.

Grabriella, 24 tuổi, đang nhặt củi.

Năm 2003, một nhóm phụ nữ của Umoja đã gặp gỡ với những người tư vấn pháp luật đến từ Leigh Day, một tổ chức của Anh chuyên tổ chức các cuộc phẫu thuật cho những người dân địa phương bị thương do bom mìn còn xót lại của quân đội Anh. Họ kể lại những câu chuyện bị binh lính Anh cưỡng bức từ 30 năm trước. Martyn Day là một trong các luật sư tiếp cận với những người phụ nữ này. Day và nhóm của ông đã thu thập các tài liệu cụ thể như là báo cáo của cảnh sát và bệnh viện.  

Day báo cáo những tài liệu đó cho lực lượng Cảnh sát quân đội Hoàng gia (RMP). “Tuy nhiên, RMP cho rằng tất cả các trường hợp trên đều là giả mạo. Họ không tiến hành kiểm tra DNA của những đứa trẻ lai đó bởi có tới khoảng 65.000 đến 100.000 lính Anh có mặt ở Kenya trong suốt 30 năm”, Day nói.

Khi RMP đưa ra kết luận như vậy, Day yêu cầu trả lại các tài liệu đã thu thập được nhưng cơ quan này cho biết tất cả đã bị mất. Vậy là toàn bộ chứng cứ đã “không cánh mà bay”. Tuy nhiên, sự việc này vẫn chưa khép lại, Day khẳng định. 

“Chúng tôi muốn đòi bồi thường cho những người phụ nữ và các bé gái phải chịu đựng sự oan ức và tủi nhục từ những người lính này. Cuộc sống của họ một phần nào đó đã bị hủy hoại”, Day nói.

Jane, người tới Umoja để chạy trốn người chồng bạo lực và ký ức bị cưỡng bức đau thương, không hề có ý định tái hôn và hy vọng sẽ sống ở ngôi làng này lâu dài. “Tôi muốn con cái mình được tự do lựa chọn người chúng yêu để kết hôn”, cô nói.

Rất nhiều phụ nữ nói với The Guardian rằng họ không thể tưởng tượng được sẽ sống lại với một người đàn ông khác sau khi họ tới Umoja.

Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.

Tuệ Minh (Lược dịch)

Fansipan, Sa Pa - điểm đến lý tưởng cho kỳ nghỉ 2/9

Kỳ nghỉ lễ 2/9 kéo dài 4 ngày sẽ là thời điểm lý tưởng cho một chuyến đi du lịch tại Fansipan, Sa Pa - nơi nắng vàng như rót mật, khí hậu mát lạnh, ruộng bậc thang mùa lúa chín rực vàng và tưng bừng các lễ hội.

Lý do Hà Nam có cơ hội trở thành ‘Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á’

Được kỳ vọng là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á”, Hà Nam là nơi-phải-đến dành cho những ai yêu thích khám phá các lớp trầm tích văn hoá bản địa.

Hà Nam được đề cử 2 hạng mục tại World Travel Awards lần thứ 31

Hà Nam vừa xuất sắc lọt vào danh sách đề cử World Travel Awards lần thứ 31 khu vực châu Á và châu Đại Dương, tại 2 hạng mục “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” và “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu châu Á”.

Fansipan rực rỡ với thảm hoa tím trải dài tới tận chân trời

Tháng 8, đồi hoa tím trải rộng hơn 15.000m2 tại Sun World Fansipan Legend rực rỡ khoe sắc, làm đẹp cho bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ của dãy núi cao nhất Việt Nam.

Không sinh được con gái, bố chán nản đặt tên khiến chàng trai khốn khổ nhiều năm

Người đàn ông Bình Định tâm sự, anh từng suýt bị trầm cảm bởi cái tên oái oăm.

Bí ẩn 3 ngôi mộ trong hang đá ở Ninh Bình, thi hài được chôn trong tư thế nằm co

Cửa động rộng khoảng 10m, cao khoảng 20m. Trong động có nhiều nhũ đá, khi gõ vào phát ra những âm thanh như tiếng cồng, tiếng chiêng của người Mường.

Đi làm căn cước, chàng trai Phú Yên khiến cả phòng 'bừng tỉnh' vì cái tên lạ

Đi làm căn cước, chàng trai Phú Yên gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười vì sở hữu cái tên quá độc lạ, Lưu Kim Jin Đông.

Xuất hiện bông sen Tịnh Đế quan âm siêu hiếm ở Nghệ An

Các đầm sen ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong mấy năm trở lại đây xuất hiện nhiều bông sen Tịnh Đế khác nhau, vậy nhưng sự xuất hiện cặp sen Tịnh Đế quan âm được xem là siêu hiếm.

Người phụ nữ mặc áo dài, đứng sau cửa kính làm điều lạ lùng mỗi chiều ở TPHCM

Chiều xuống, bà chủ cửa hàng lại mặc những bộ áo dài thật đẹp rồi đứng trên sân khấu được dựng phía sau ô cửa kính để hát tặng người đi đường.

Uống chai nước bí ẩn trôi trên biển, nhóm ngư dân chết 'bất đắc kỳ tử'

Một nhóm ngư dân gồm 4 người đã tử vong và 2 người trong tình trạng nguy kịch sau khi uống chất lỏng bí ẩn trong những cái chai trôi nổi trên biển hôm 29/6.

Đang cập nhật dữ liệu !