Ngôi chùa Việt trên đất Ấn Độ
Chúng tôi đến thánh tích Varanasi - Sarnath, nơi Đức Phật giảng bài kinh đầu tiên sau khi Ngài thành đạo. Đây là tứ động tâm thứ 3 trong 4 tứ động tâm nổi tiếng linh thiêng của Phật Giáo mà người hành hương nào cũng muốn đến một lần trong đời. Đặc biệt, nơi đây có ngôi chùa Việt đầu tiên, được nhà sư Việt Nam xây dựng.
Hạnh nguyện xây chùa Việt trên nước Ấn
Sáu năm về trước, có 2 nhà sư Việt Nam là Đại đức, Tiến sĩ Thiện Minh và Đại đức,Tiến sĩ Tường Quang đang du học tại Ấn Độ cùng chung ước nguyện xây dựng một ngôi chùa thuộc Phật Giáo Việt Nam tại nơi Đức Phật giảng bài kinh đầu tiên.
Đại đức, Tiến sĩ Tường Quang chia sẻ: Trước năm 2005, sư đã nhiều lần đi tham quan tứ động tâm tại Ấn Độ và có khởi ý xây dựng chùa Phật giáo nguyên thủy tại Sarnath, Varanasi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy mình tài hèn đức kém, rồi nghĩ tiền đâu mà làm. Sau này sư gặp Đại đức, Tiến Sĩ Thiện Minh, sư có đặt vấn đề này. Đại đức Thiện Minh nói: “Đệ làm đi, huynh ủng hộ”.
Chùa Đại Lộc trên đất Ấn Độ... |
Là một sinh viên như bao sinh viên khác, cầm bút thì dễ mà cầm cuốc thì khó. Nhưng đối với Đại đức Trường Quang, cả hai việc này sư có thể làm được. Vì sư vốn là con nhà nông, thuở nhỏ đã làm rất nhiều việc. Từng là du học sinh tại Ấn Độ, Đại đức Tường Quang cũng thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở của du học sinh nên càng quyết tâm xây dựng cho được chùa Đại Lộc, và đây sẽ là nơi lưu trú thuận tiện cho việc học và tu của du học tăng Việt Nam.
Với ước nguyện mạnh mẽ đó, trong những năm qua, vị trụ trì chùa Đại Lộc chăm chỉ cần mẫn như một con ong thợ ngày ngày trên chiếc xe đạp cà tàng lo từng viên gạch, bao xi măng và không biết bao giọt mồ hôi và công sức đã đổ xuống trong thời tiết khắc nghiệt ở Ấn Độ tại mảnh đất Varanasi này.
Sau 5 năm khởi công xây dựng, ngày 6/12/2014, tại thành phố Varanasi, chùa Đại Lộc (The Sivali Vietnamese Theravada Trust) - ngôi chùa Nam Tông đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên đất Ấn Độ được khánh thành. Đây là ngôi chùa đầu tiên được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận là cơ sở của Giáo hội. Ấn Độ hiện nay có 13 ngôi chùa của các nước Đông Nam Á, trong đó riêng Việt Nam có 4 ngôi chùa Phật giáo được xây dựng tại đây.
Bước vào cổng chùa Đại Lộc, chúng ta sẽ thấy bên tay phải là Chùa Một Cột (Gác Chuông), biểu tượng cho tinh thần Phật giáo Việt Nam, và bên trái là Quốc Tử giám (gác trong), biểu tượng cho tinh thần văn hóa và dân tộc Việt Nam.
Chùa Đại Lộc khánh thành đã đem lại rất nhiều ý nghĩa quan trọng. Đây là một cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài, giúp phát triển và củng cố mối bang giao Việt -Ấn cũng như giải quyết giúp đỡ việc ăn ở cho các du học tăng tại Ấn Độ. Đây cũng là điểm dừng chân của các đoàn khách Việt Nam đến hành hương Xứ Phật, cũng là nơi giới thiệu chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ của Đại học Varanasi và Đại học quốc tế Theravàda.
Nhà sư có 2 bằng tiến sĩ với phát nguyện trở thành Phật
Đại đức, Tiến sĩ Tường Quang sinh năm 1969 tại quận Thủ Đức, TP.HCM. Thuở nhỏ được mẹ cho đi chùa học đạo, 14 tuổi đã xin cha mẹ cho xuất gia tại một ngôi chùa ở Sài Gòn. 18 năm nay, sư học tập tại Ấn Độ với 2 bằng Tiến sĩ về Phật học và Khoa học Xã hội, 1 bằng Thạc sĩ về Nhân quyền. Nhưng người dân xung quanh ai cũng ấn tượng với ông sư Việt Nam chân đất đúng nghĩa ngày ngày trên chiếc xe đạp đi mua vật liệu xây dựng, quán xuyến mọi việc xây ngôi chùa Việt tại vùng đất này.
Chùa Đại Lộc được khánh thành ngày 6/12/2014 |
Trong suốt 5 năm xây dựng chùa Đại Lộc tại Ấn Độ, những người buôn bán vật liệu xây dựng nói rằng, trong kinh doanh, họ có thể gian dối với bất cứ ai tại vùng Sarnath, ngoại trừ ông thầy trụ trì chùa Đại Lộc - Việt Nam. Sư Tường Quang có thuận lợi là hiểu biết chút ít trong xây dựng và cả trong tính toán sổ sách. “Tuy nhiên một công trình xây dựng quá lớn như chùa Đại Lộc mà chỉ có một mình quán xuyến, nhiều khi đi mua vật liệu về đến chùa thì công nhân ra về hết”, sư Tường Quang chia sẻ.
Có lẽ do long thần hộ pháp và chư thiên quanh chùa Đại Lộc ủng hộ nên trong vòng 6 năm qua, mặc dù vất vả trăm bề nhưng sư Tường Quang không đau bệnh dù nặng hay nhẹ. Đầu năm 2015, sư Tường Quang cũng đã chính thức trở thành công dân Ấn Độ. Lời phát nguyện xây chùa Việt tại tứ động tâm thứ 3 đã thành tựu, nhưng để duy trì và phát triển hơn nữa lại là một công việc lâu dài cần sự quyết tâm, lòng nhẫn nại của sư Tường Quang.
Xứ sở Ấn Độ, thời tiết khắc nghiệt, khi nắng thì nắng chết người, khi đã lạnh thì lạnh thấu xương. Thế nhưng tại chùa Đại Lộc, chiều nào sân chùa cũng có vài ba chục đứa trẻ quanh làng tập trung để học yoga, tụng kinh bằng tiếng Pali. Nhìn những đứa trẻ lấm lem bùn đất say sưa học những động tác yoga khó và đẹp mắt, rồi thi nhau tụng kinh theo sự hướng dẫn của sư Tường Quang, ai cũng tỏ lòng kính ngưỡng và xúc động trước một hình ảnh giản dị mà thanh cao của người tu hành.