Nghiên cứu sinh gốc Việt phát minh ra "pin vĩnh cửu"
Mya Lê Thái, nghiên cứu sinh tại Đại học California Irvine. |
Theo tờ Inc, một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Đại học California Irvine, Mỹ đã phát minh ra pin lithium có phần lõi được cấu tạo từ các sợi nano có thể sạc hàng trăm ngàn lần. Cô gái tên Mya Lê Thái, người Mỹ gốc Việt chính là tác giả, người đứng đầu nghiên cứu này.
Sợi nano là cấu trúc vật liệu đã được nghiên cứu từ lâu trong ngành pin, rất mỏng, dẫn điện tốt và có bề mặt rộng cho việc lưu trữ và truyền đi các hạt electron. Tuy nhiên nhược điểm pin thông thường nằm ở chỗ dây mỏng, dễ bị phá vỡ, nứt gãy sau quá nhiều lần sạc năng lượng.
Để khắc phục tình trạng này, Mya Lê Thái và cộng sự đã tìm cách phủ một lớp nanowire bằng vàng trên lớp vỏ mangan oxide và ngoài cùng là một lớp chất điện phân dạng gel. Điều này đã giúp cho sợi nano bên trong trở nên bền vững hơn nhiều lần.
Kết hợp đã tạo ra sự khác biệt, ngay cả nhóm nghiên cứu cũng bất ngờ về kết quả. Trưởng nhóm Mya Le Thai đã thử nghiệm loại pin mới bằng cách nạp và xả pin đến 200.000 lần trong ba tháng mà không phát hiện bất kỳ sự thay đổi nào trong công suất, điện năng và các sợi dây nano.
Loại pin công nghệ mới có khả năng kéo dài thời lượng sử dụng pin của máy tính, điện thoại thông minh, ô tô đến 400 năm.
Reginald Penner, Trưởng khoa Hóa học tại Đại học California Irvine cho biết: "Thật tuyệt vời. Mya phủ toàn bộ thiết bị bằng lớp gel mỏng và bắt đầu thử sạc nó. Sau đó, Mya phát hiện chỉ cần dùng gel này, thiết bị sẽ có khả năng sạc hàng trăm nghìn lần mà không bị giảm dung lượng. Trong khi đó pin thông thường giảm tuổi thọ nhanh chóng chỉ sau khoảng 5.000-7.000 ngàn lần sạc".
Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa lý giải được chắc chắn tại sao kết hợp vàng với gel lại cho ra một pin siêu thọ như vật. Vàng là vật liệu đắt tiền nên họ đang tiếp tục thử nghiệm một vài lựa chọn thay thế khác trước khi bắt đầu sản xuất sản phẩm tung ra thị trường.
Hiện Mya Lê Thái đang theo đuổi chương trình tiến sĩ hóa học vật lý tại Đại học California Irvine.