Nghỉ Tết âm lịch dài quá là không nên
Nghỉ Tết âm lịch dài quá là không nên
>"Tết âm phải giữ, bỏ Tết tây đi"
> Sao Việt từ chối gộp Tết âm - dương
> Chủ doanh nghiệp: Tết dương, âm lịch đều được, nhưng đừng lãng phí
> "Càng nhiều lễ Tết doanh nghiệp càng thu lợi nhuận"
> Tết hội nhập: Vì sao nhiều người Nhật ủng hộ?
> "Nhiều người sợ Tết vì vất vả, tốn kém"
> Đón Tết cổ truyền âm lịch, lỡ cơ hội phát triển đất nước?
> Gộp Tết âm-dương lịch như trộn nước với lửa?
“Tết” là một danh từ dùng để chỉ một thời điểm đặc biệt trong năm tính theo lịch pháp phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng. Theo Phan Kế Bính trong cuốn “Việt Nam phong tục” thì người Việt một năm có tới 10 dịp Tết: Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Hàn thực, Tết Đoan ngọ, Tết Vu lan, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu, Tết Trùng thập, Tết ông Công ông Táo, Tết Giao thừa. Đấy là chưa kể mỗi tháng đều có hai ngày sóc vọng là Mười rằm và Mùng một. Tết trong tâm thức người Việt là một thời điểm rất đặc biệt và mang “tính thiêng”. Mỗi thời điểm Tết đều gắn với các lễ hội. Nghĩa là gắn liền với việc vui chơi thưởng Tết của cả cộng đồng và được bao bọc bởi không khí thiêng liêng của các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng. Đặc biệt Tết Nguyên đán – Tết lớn nhất trong một năm là thời điểm tập trung nhiều lễ hội nhất diễn ra tưng bừng trên khắp các vùng miền trong cả nước, chi phối đời sống sinh hoạt của mọi thành viên trong cộng đồng một cách mạnh mẽ, khuôn phép các thành viên vào lối ứng xử thiêng liêng của lễ hội cổ truyền. Tết nói riêng và Tết Âm lịch nói chung là không thể thiếu trong đời sống tinh thần người Việt.
Ảnh TTVH |
Tính thiêng của Tết được thể hiện ở việc hướng về ông bà tổ tiên, cầu mong sự phù hộ của ông bà tổ tiên cho một năm mới mạnh khỏe, bình an, phát đạt. Tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng truyền thống quan trọng đặc biệt của người Việt Nam. Nó là một phần hồn không thể xâm phạm của người Việt. 10 cái Tết và 24 ngày sóc vọng trong 1 năm với nghi thức thiêng chính là cúng lễ tổ tiên minh chứng mạnh mẽ cho điều này.
Với người Việt, ý nghĩ về tổ tiên luôn thường trực trong niềm tôn kính, nỗi lo sợ và niềm khao khát được bao dung, phù hộ. Dịp Tết Nguyên đán là dịp tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên được thể hiện mạnh mẽ với dày đặc hệ thống nghi lễ linh thiêng được thực hành nghiêm ngặt, chặt chẽ, mà tục “kiêng” giống như hàng rào chặt chẽ ngăn các thành viên cộng đồng không thể xâm phạm hay vi phạm vào “khoảng thiêng” – điều cấm kị, đảm bảo thực hiện các lễ thức vừa đầy đủ, vừa nhịp nhàng, vừa tôn kính. Việc thực hiện các nghi thức truyền thống đó đòi hỏi một thời gian khá dài với nhiều bước, nhiều thao tác và buộc mọi thành viên phải tuân thủ một cách chặt chẽ, nghiêm cấm sự sai phạm. Bất cứ sự sai phạm nào dù cố ý hay vô ý đều mang ý nghĩa một sự “báng bổ” thánh thần, tổ tiên và mang đến vận xui cả năm cho cá nhân mắc phạm. Sai phạm lễ nghi là một nỗi lo sợ của mọi thành viên của cộng đồng trong “không gian thiêng” của Tết Âm lịch, đòi hỏi mỗi thành viên phải dành hết thời gian, tâm sức cho các nghi thức linh thiêng và hòa mình vào không gian hội lễ tưng bừng để tậm hưởng niềm vui năm mới.
Do đó, từ xa xưa, người Việt đã dành một thời gian dài cho nghỉ Tết Âm lịch. Bước vào thời hiện đại, cuộc sống thay đổi theo nhịp vận động của toàn cầu, ngày nghỉ Tết đã ngắn hơn rất nhiều, dù vẫn là dịp nghỉ nhiều nhất trong năm. Việc nghỉ Tết quá dài ngày trong nhịp sống đầy bận rộn và vận động từng phút từng giây đã gây nhiều cản trở cho những người Việt đặc biệt là những người trẻ tuổi hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hay đối ngoại. Chúng ta có thể giảm bớt ngày nghỉ, có thể chỉ nghỉ 4-5 ngày, đảm bảo thời gian cho việc thực hiện các nghi lễ thiêng của Tết nhưng không thể cắt hay chuyển sang Tết dương lịch vì nó xâm phạm vào tín ngưỡng của dân tộc.
Đó là chưa nói đến một “tính thiêng” vô cùng quan trọng của dịp Tết Nguyên đán là những nghi lễ liên quan đến nông nghiệp. Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, mọi tín ngưỡng, tôn giáo và nhịp sinh hoạt của chúng ta đều mang đậm chất nông nghiệp. Việc bố trí 10 cái Tết trong năm là cách bố trí khoa học phù hợp với lịch sản xuất của cư dân nông nghiệp lúa nước. Tết Nguyên đán là dịp người Việt sau một vụ mùa, chuẩn bị tinh thần để bước vào vụ mới, vừa ăn Tết vừa lo ngâm mạ, gieo mạ chuẩn bị cấy lúa đầu xuân, mong chờ sự phù hộ của tổ tiên, của thần linh cho một vụ mùa khởi đầu của năm mới bội thu. Đây cũng là thời gian nghỉ ngơi, lấy sức để khởi động của một năm lao động. Các vị vua phong kiến thường tổ chức lễ “Tịch điền” – cày ruộng đầu xuân đã cho thấy tầm quan trọng của Tết Nguyên đán trong đời sống tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Đó là sự khác biệt của nước ta – nước nông nghiệp trồng lúa nước so với các nước phương Tây và thậm chí là nước Nhật Bản – nước phương Đông đã đón Tết theo Dương lịch.
Công cuộc hội nhập thế giới đòi hỏi, thậm chí ép buộc chúng ta phải bỏ đi nhiều giá trị truyền thống. Nhưng, Tết Nguyên đán thì không thể bỏ. Vì Tết Nguyên đán là một phần không thể thiếu, không thể xóa mờ trong đời sống tâm linh của cư dân nông nghiệp lúa nước. Chừng nào nước ta còn là một nước nông nghiệp, chừng nào người nông dân còn chiếm phần lớn dân số, và sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành chính của đất nước thì chúng ta không thể bỏ lịch nghỉ Tết Âm lịch cũng như những nghi lễ truyền thống của nó. Trung Quốc – một nước lớn của phương Đông – có một nửa lãnh thổ chịu ảnh hưởng đậm của nền văn minh nông nghiệp lúa nước đã vẫn duy trì nghỉ Tết Âm lịch.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của Tôn giáo, tín ngưỡng. Bất kể sự thay đổi nào chạm đến bản sắc tôn giáo tín ngưỡng đều sẽ gây nên những xáo trộn nguy hiểm cho một dân tộc đang hòa nhập vào một “thế giới phẳng”. Chúng ta không thể coi nhẹ “tâm thức dân tộc mình” trong quá trình bắt nhịp vào thế giới. Đó là “tảng nền sức mạnh” của dân tộc ta. Tuy nhiên, không nên kéo dài dịp nghỉ Tết như hiện nay vì sẽ ảnh hưởng đến nhịp điệu sản xuất, hoạt động kinh tế. Trong cuộc vận động không ngừng của kinh tế toàn cầu thì một giây chậm chạp cũng khiến chúng ta tổn hại về tài chính và lỡ mất thời cơ. Trong khi thời cơ và tài chính là hai yếu tố cực kì quan trọng cho một nước nghèo như chúng ta đi lên. Chúng ta có thể giảm bớt ngày nghỉ Tết Âm (4-5 ngày) và bù những ngày nghỉ bị trừ đi vào dịp Tết Dương lịch vì lúc đó phần lớn các nước trên thế giới đều nghỉ lễ. Cho đến khi tính chất nông nghiệp trong đời sống tâm linh của nước ta giảm dần đi trong cuộc hiện đại hóa, chúng ta sẽ rút ngắn hơn ngày nghỉ Tết Âm lịch cho phù hợp.
Hướng Minh
(ghi)