Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Người dân Tây Nguyên “tâm phục, khẩu phục”
CSGT Đắk Lắk đo nồng độ cồn một lái xe trên Quốc lộ 14. |
Theo số liệu xử lý các trường hợp vi phạm từ lực lượng CSGT 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk cho thấy, người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ khi tham gia giao thông.
Cụ thể trong hơn 5 ngày qua, lực lượng CSGT tỉnh Đắk Nông chỉ ghi nhận 66 trường hợp có nồng độ cồn nhưng đều ở mức độ nhẹ. Còn tại Đắk Lắk, chỉ có 136 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong 5 ngày lực lượng CSGT tỉnh này ra quân kiểm tra, xử lý.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, trú ở huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông cùng vợ rất ủng hộNghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống. |
Theo Trung tá Phạm Quốc Lập, Trưởng phòng CSGT tỉnh Đắk Nông: Từ những con số xử phạt cho thấy, đây là tín hiệu rất mừng, vì người dân Đắk Nông đã chấp hành rất tốt các quy định khi tham gia giao thông.
Thượng tá Nguyễn Quang Vịnh, Trưởng phòng CSGT Đắk Lắk cũng cho rằng, ngoài việc Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt nặng các trường hợp vi phạm, công tác tuyên truyền sâu rộng về an toàn giao thông trong thời gian qua của chính quyền các cấp cũng đã góp phần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Đứng ở góc độ người dân, ông Nguyễn Văn Thìn (ngụ tại TP Gia Nghĩa) tỉnh Đắk Nông cho biết, trước đây ông cũng thỉnh thoảng uống rượu bia rồi tham gia giao thông, chạy xe máy về nhà. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực (từ 1/1/2020), ông Thìn đã không dám uống rượu bia rồi chạy xe nữa.
"Ngoài bị phạt ra, tôi thấy mình sẽ gây mất an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh khi tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia. Đây là quy định chung, thiết thực góp phần ổn định trật tự giao thông trên cả nước và chắc chắc sẽ thành công”, anh Thìn tâm sự và ủng hộ Nghị định 100/2019/NĐ-CP đang đi vào cuộc sống.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, trú ở huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông cho hay: Nghị định 100 ra đời là kịp thời và hợp lý, qua đó hạn chế được rất nhiều tình trạng uống rượu bia rồi tham gia giao thông, bất chấp tính mạng của mình và người khác.
“Tôi cũng thường xuyên tiếp khách, và hay phải nhậu. Trước đây nhậu ở nhà bạn, hay nhậu ở quán tôi cũng tự chạy xe về. Thế nhưng, bây giờ chúng tôi sẽ nói không với việc này. Nghị định 100 ra đời là đúng, phù hợp với thực tế; sẽ nâng cao được ý thức của người dân, cải thiện văn hóa giao thông trên cả nước không chỉ riêng tại địa phương", anh Tuấn tự tin cho biết.
Cũng vốn là dân nhậu, anh Hoàng Viết Tý (trú tại TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho hay, Nghị định 100 ra đời là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, nhằm hạn chế tình trạng tai nạn giao thông, được nhiều người dân nói chung, bản thân anh nói riêng rất ủng hộ.
"Giờ đây mỗi lần đi nhậu, tôi và bạn bè đều rủ nhau thuê taxi cho an toàn. Nghị định 100 không chỉ nâng cao mức xử phạt, tước bằng lái xe... nó còn giữ được tài sản lớn nhất với nhiều người trong đó có chúng tôi chính là tính mạng của bản thân và người khác. Do đó chúng tôi đều "tâm phục, khẩu phục".
Bởi, nếu chấp hành đúng quy định, các vụ tai nạn giao thông chắc chắn sẽ giảm xuống rõ rệt; văn hóa, trật tự giao thông của nước ta sẽ được nâng cao, văn minh hơn", anh Tý hy vọng.
Là người sống ngay Quốc lộ 14 và từng chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia, anh Nguyễn Văn Vinh (trú tại huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết:"Trước đây tôi gặp rất nhiều trường hợp say rượu, chạy xe tốc độ nhanh, lạng lách gây nguy hiểm cho người khác, nhất là các cháu nhỏ.
Tuy nhiên, từ khi Nghị định 100 có hiệu lực dù chỉ gần một tuần, tình trạng lái xe say xỉn ra đường gần như không còn. Bản thân tôi nói riêng, người dân sống ven Quốc lộ 14 này nói chung rất vui mừng. Ít nhất chúng tôi sẽ không còn phải chứng kiến những thảm cảnh đau lòng do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia như trước kia”.