Nghề "tận diệt chim rừng": Lạ lùng chuyện mua chim trên cây
“Tuyển” chim
Người chơi chim thường thích từng loại khác nhau. Vì thế chim cảnh được chia làm 3 nhóm: Chim nghệ sĩ như: họa mi, sơn ca, chích chòe lửa, chích chòe than, chim vành khuyên..; Chim bình dân như: khướu, chào mào, cu gáy,… và chim thô tục là các loài biết nói: yểng, sáo, cà cưỡng…
Chơi chim mỗi người có mỗi sở thích, nhưng để có một con chim hay thì thường là chim bẫy, bắt từ rừng già. Những con chim non nuôi sinh sản hay bắt tổ nuôi lên ít có tố chất như những con chim trưởng thành từ rừng.
Chuồng ô vuông để thuần khướu của gia đình anh H, (huyện Tuyên Hóa) |
Ở thị trấn Đồng Lê (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), nhà anh H, một đại lý thu mua chim nằm bên đường Quốc lộ 12, ngay đầu thị trấn. Cái biển “Bán chim cảnh” to tướng án ngữ trước cửa nhà. Khuôn sân rộng nhà anh H bày treo chim để bán, có hơn 70 lồng nhỏ nuôi đủ các loại chim, còn có lồng vuông to nhốt chim chào mào và chòe lửa mới thu mua về.
Anh H cho biết, con chim bẫy từ rừng mua giá rẻ hơn chim non nuôi lên, bởi công chăm sóc đến khi nghe được tiếng hót dạn người, hay thi đấu thì mất rất nhiều thời gian và rủi ro.
“Càng ngày người nuôi, chơi chim cảnh càng nhiều và phổ biến, nuôi nhiều thì rủi ro chết cũng nhiều, nên khách hàng mua cũng đều, không kể mùa nào trong năm”, anh H kể.
Vợ chồng anh H ngoài việc thu mua chim của các thợ bẫy ở Tuyên Hóa về nuôi, khi vào cám rồi thì bán sỉ, lẻ cho khách thì còn cung cấp dịch vụ bán lồng, chuồng nuôi và thức ăn tươi (sâu, dế, cào cào..) và khô (cám) cho các loại chim.
Chim được bày bán dạo trên vỉa hè ở Đồng Hới. |
“Chim bẫy về xong được chụp hình rồi đăng lên các trang nhóm trên mạng rao bán. Khách ở xa chỉ bán được chim thuần và gửi qua nhà xe quen. Nếu con nào có đặc điểm lông khác tí hay móng chân trắng… thì để bán cho người quen, sau xem có tố chất gì đặc biệt không.
Chim mua của thợ bẫy về nhập thì giá cũng tùy con, tùy loại, chủ yếu chim chưa “vào cám”. Chim mua về được nhốt chung loại với nhau, rồi tuyển các con có tố chất nhốt lồng nhỏ để chăm riêng", anh H cho biết.
Ở đại lý chim anh H thì chim chào mào bán ra dao động từ 100-150 ngàn/con, nhưng nếu con nào dáng to con, dài đòn và sổ giọng thì được nuôi thuần và có giá từ 1,5-3 triệu/con. Những chú chim hay thường được chủ nhân giữ lại để dượt tập rồi mang đi thi lấy tiếng rồi mới bán để được giá cao.
Nhờ đăng trên mạng, nên có ngày anh H gửi hàng chục con chim theo xe ô tô ra Hà Nội hay vào Đà Nẵng.
“Khách mua chim khắp cả nước, họ thích mua bao nhiêu mình cung cấp bấy nhiêu, nếu không đủ thì phải gom rồi mới gửi 1 lần” vợ anh H kể.
Mua chim trên cây
Ngoài thu mua chim, anh H cũng thường xuyên đi bẫy chim khắp các vùng Tuyên Hóa, Minh Hóa và cả bên Lào. Khác với anh Th bẫy chim bằng lưới để bắt số lượng lớn, anh H thường bẫy đấu bằng chim mồi. Chim bẫy đấu chủ yếu bắt chim bổi trống và con chim bổi cũng được đánh giá cao hơn chim bẫy lưới.
Anh M ở xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch) đang vào rừng bẫy chim. |
“Trong lúc đi bẫy thì gặp ai bán chim thì mình mua luôn. Mua cả chim họ đã bẫy và chim chưa bẫy đang trên cây” anh H kể.
Chim được bán trên cây chủ yếu các loại chích chòe lửa, khướu, và họa mi. Giá chim trên cây cũng tùy loại chim như chích chòe lửa giá thường một trăm ngàn, chim họa mi giá năm trăm ngàn.
“Khi nhìn thấy chim thì dân họ gọi điện thoại báo, nếu lúc mình đến nhìn đúng có chim thật thì gửi tiền mua rồi tìm cách bẫy. Mua chim kiểu này rẻ, nhưng rủi ro cao, vì mua được chim rồi, tìm cách bẫy bắt về thì không đơn giản” anh H cho biết.
“Có lần, tôi cùng một người bạn phải mất 3 ngày để bẫy thành công được một chú họa mi ở trên xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa). Chú chim họa mi ấy về mới nuôi được mấy ngày thì lăn ra chết, uổng công sức lắm” anh H tiếc nuối.
Ngày trước, người dân chỉ nuôi chim cu gáy bởi thức ăn chủ yếu là thóc, đậu xanh dễ kiếm, các loại chim khác khó tìm được thức ăn để nuôi. Giờ công nghiệp chế biến phát triển, thức ăn cho chim đủ loại theo yêu cầu cho người chơi. “Chim gì cũng nuôi được, nếu có người mua đặt hàng thì một thời gian sẽ có chim, kể cả loại khó kiếm như đại bàng hay chim ưng” anh H cho biết.
Những chú chim chích chòe than trong một ngày đi bẫy đấu của Th (huyện Tuyên Hóa) |
Nhiều người chơi chim đã thử nghiệm mô hình nuôi chim sinh sản, nhưng thành công không đáng kể và chim không “hay” bằng chim đánh bắt từ rừng.
Hàng ngày, hàng chục người thợ bẫy vào rừng, giăng lưới đặt bẫy khắp các khu vực để bắt chim. Rừng cạn kiệt, chim chóc đang bị tận diệt để phục vụ thú chơi của con người.
Một cán bộ kiểm lâm Quảng Bình cho biết “công tác bảo tồn thiên nhiên chỉ tập trung vào động vật rừng, còn các loại chim trời vẫn đang gặp khó trong xử lý vì các quy định về động vật rừng liên quan đến các loài này còn rất chung chung”.
"Chúng ta cần có quy định và biện pháp thích hợp cụ thể để bảo vệ các loài chim tự nhiên trước khi quá muộn. Xử phạt và áp thu thuế cũng nên áp dụng với mặt hàng “chim” mang tính đặc thù này', vị này nói.