Nghệ sĩ Phạm Bằng qua đời ở tuổi 85 vì bạo bệnh
Nghệ sĩ Phạm Bằng thời kỳ mang bệnh. Ảnh: Soha |
Xác nhận thông tin với phóng viên Infonet, nghệ sĩ Chí Trung cho biết: "Tôi đã xác nhận lại thông tin từ Bệnh viên Hồng Ngọc là bác Phạm Bằng đã qua đời, ngay trong đêm gia đình đã làm thủ tục và đưa bác về nhà tang lễ Phùng Hưng". Chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình, nghệ sĩ Đinh Trà My đau xót: "Đột ngột quá, chúng con lại mất đi một bậc tiền bối, một nghệ sĩ đáng kính… Vĩnh biệt bố! Người nghệ sĩ mà con luôn kính trọng". Một số người hàng xóm của nghệ sĩ Phạm Bằng tại ngõ 30 Hàng Giầy (Hà Nội) cũng cho biết, từ khoảng 14h ngày 31/10 đã thấy gia đình ông chuẩn bị đồ đạc để mang vào viện, đến tối cùng ngày thì nghe tin ông mất.
Nghệ sĩ Phạm Bằng chụp ảnh cùng 2 nghệ sĩ Đinh Trà My và Trung Hiếu. Ảnh: Facebook nghệ sĩ Đinh Trà My. |
Nghệ sĩ Phạm Bằng (SN 1931) là một nghệ sĩ sân khấu, hài kịch và truyền hình Việt Nam. Ông là Nghệ sĩ ưu tú,nổi tiếng vì là diễn viên kịch, gần đây là diễn viên hài trong chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV3.
Nghệ sĩ Phạm Bằng là người Hà Nội gốc. Bố ông mất sớm, mẹ ông ở vậy nuôi chị em ông khôn lớn. Năm 1955, Phạm Bằng trở thành sinh viên trường Cao đẳng Giao thông Công chính. Trong quá trình học ở trường, theo lời lôi kéo, rủ rê của bạn bè, ông cũng tham gia đóng vài vở kịch. Năm 1956, đang học năm thứ hai trường Cao đẳng Giao thông công chính, Phạm Bằng phải nghỉ học do hoàn cảnh gia đình.
Năm 1959, Phạm Bằng tham gia đoàn kịch nghiệp dư của nhà thơ Hoàng Cầm, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Đoàn kịch định dựng vở "Vũ Như Tô" nhưng không thành. Cũng trong năm đó, Nhà nước tuyển sinh cho đoàn văn công Hà Nội, đồng thời, mở trường Đại học Sân khấu khóa I, ông được tuyển cả hai nơi. Khác với một số người bạn của mình trở thành sinh viên trường Sân khấu, Phạm Bằng lựa chọn con đường vào đoàn văn công Hà Nội, bởi theo ông: "Vào văn công vừa được học, vừa được diễn, lại vừa có thêm tiền phụ giúp gia đình trong khi vào trường Sân khấu phải trả tiền học phí. Tôi không còn lựa chọn nào khác hơn. Thời kì ấy, gia đình tôi quá nghèo khó, mặt khác tôi lấy vợ trong khi chưa có việc làm". Tháng 12 năm 1959, Phạm Bằng tham gia vào Đoàn văn công Hà Nội. Đó là một đoàn tổng hợp các loại hình, từ ca nhạc, múa, kịch nói, cải lương đến chèo, xiếc.
Năm 1964, đoàn kịch Hà Nội cùng các đoàn cải lương, đoàn chèo… được tách ra và bắt đầu đời sống riêng của mình. Tại đoàn kịch Hà Nội, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi mời Phạm Bằng tham gia các vở diễn. Ông bắt đầu nổi tiếng với các vai phản diện. Sau đó, đạo diễn Trần Hoạt bắt đầu làm một vài tác phẩm kịch hài. Hài đưa vào cuộc sống một cách bình dị nhưng không kém phần sâu sắc. Phạm Bằng cũng tham gia một vài tiết mục. Lời của đạo diễn Nguyễn Đình Nghi về nghề diễn hài làm Phạm Bằng thấy rất đúng để rồi trở thành tâm niệm: "Những người đóng vai bi thì đóng vai hài rất giỏi".
Cuối năm 1974, đầu năm 1975, Phạm Bằng chuyển sang đoàn kịch nói Trung ương. Giáo sư Đình Quang là người phát hiện ra khả năng đóng vai hài của ông, còn thầy Trần Hoạt thì nhận xét: "Tương lai cậu đóng vai hài giỏi. Khiếu hài là khiếu trời cho, không thể mở lớp diễn viên hài, nhưng các diễn viên hài phải có trình độ văn hóa cao, sâu và tư duy vững". Phạm Bằng tâm sự: "Chỉ đọc mỗi phần diễn của mình thì làm sao nắm bắt được các mối liên hệ nhân vật trong vở kịch được. Riêng tôi từ trước đến nay luôn phải đọc trọn kịch bản, rồi mới yên tâm diễn". Hơn chục năm từ khi vào nghề, cuộc sống của Phạm Bằng rất vất vả. Sau khi "đứng vững" trên sân khấu, Phạm Bằng truyền nghề diễn chính kịch bằng việc dạy dỗ một số anh em cùng đoàn.
Chương trình Gặp nhau cuối tuần là nơi thực sự đưa nghệ sĩ Phạm Bằng đến với công chúng một cách sâu rộng. Từ năm 2006 đến 2010, nghệ sĩ Phạm Bằng đi diễn liên tục. Ông còn được người hâm mộ nhớ đến bởi quán bánh trôi tàu ở 30 Hàng Giầy (Hà Nội). Tuy nhiên do đợt ốm trong khoảng thời gian 2012-2013, ông nghỉ bán quán.
Sau thời gian dài chống chọi với bệnh viêm gan và mật, ngày 31/10/2016, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Bằng qua đời, hưởng thọ 85 tuổi.