Nghề báo ngày càng nguy hiểm và dễ thiệt mạng
Nhà báo MỹSteven Sotloff đã thiệt mạng bởi những kẻ khủng bố IS. |
Ba nhà báo của Đài Al Jazeera đã bị cầm tù 400 ngày ở Ai Cập. Tin vui là một trong số ba người này, Peter Greste, được trả tự do vào ngày 1/2 vừa qua. Hai đồng nghiệp của ông vẫn đang bị giam giữ.
Phóng viên Jason Rezaian của tờ Washington Post cũng đã bị cầm tù ở Iran hơn sáu tháng và theo thông tin mới nhất, gia đình Rezaian cho biết trường hợp của Rezaian đã được chuyển giao cho một thẩm phán có tiếng là "rắn mặt" nhất của Tòa án Cách mạng Iran - nơi có tiếng là cứng rắn với các nhà báo - thụ lý và xét xử.
Một đoạn video được tung ra cuối tuần qua cũng cho thấy nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã chặt đầu nhà báo người Nhật Kenji Goto. Đây cũng là nhóm cực đoan đã hành quyết hai nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff năm ngoái.
Cũng chưa đầy một tháng kể từ khi diễn ra vụ thảm sát tại văn phòng của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris, Pháp khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có tám nhà báo. Có thể xem vụ khủng bố ở Charlie Hebdo là điển hình cho sự tấn công tàn bạo đối với tự do ngôn luận.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) cho biết năm 2014, có 61 nhà báo và 11 nhân viên hỗ trợ cho hoạt động báo chí, như lái xe, biên dịch viên… đã thiệt mạng vì công việc của họ. 19 nhà báo khác đã bị sát hại vì những lý do chưa được xác nhận.
Cũng theo CPJ, trong năm 2014, có 221 nhà báo ngồi tù. Đây là con số cao thứ hai kể từ khi tổ chức này bắt đầu tiến hành thống kê số liệu này vào năm 1990.
Đầy rẫy rủi ro
Thế giới hiện nay liên tục xuất hiện các điểm nóng, và đó cũng là những nơi thế giới cần đến sự xuất hiện của các nhà báo nhất. Thực tế này đã khiến các quy tắc đối với nhà báo đã thay đổi đáng kể. Nhiều năm trở lại đây, có một quy tắc bất thành văn là các nhà báo là những chiến sỹ không giới hạn và đầu óc của họ không lúc nào được nghỉ ngơi.
Có quá nhiều cuộc xung đột diễn ra gần đây không chỉ giữa hai hay nhiều quốc gia. Các bên tham chiến là những nhóm cuồng tín, chẳng đoái hoài gì đến Công ước Geneva. Khi nghi ngờ về việc làm của nhà báo, các nhóm này sẽ không xem nhà báo là bạn.
Những kẻ khủng bố đã phát hiện ra rằng bắt giữ con tin thực sự là một chiến lược kinh doanh rất hấp dẫn. Năm ngoái, The New York Times cho biết al-Qaeda và các nhánh của tổ chức này đã thu về hơn 125 triệu USD từ cách làm này. Hiện nay, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng cũng đang tranh thủ tối đa thủ đoạn man rợ này.
Cũng theo CPJ, các chính phủ dường như ngày càng thường xuyên ra tay bắt bớ các nhà báo mà họ không thích. Đây không chỉ là vấn đề đối với riêng nhà báo, mà đối với tất cả mọi người.
Nhà báo người Nhật Kenji Goto - nạn nhân mới nhất của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). |
Để hiểu thế giới, chúng ta cần những thông tin từ các phóng viên hiện trường. Nhưng với một nơi cực kỳ nguy hiểm, chẳng hạn như Syria, thông tin từ hiện trường là một trở ngại lớn đối với các phóng viên cũng như các hãng tin.
Cũng có nhiều phóng viên nước ngoài dũng cảm đi đến các khu vực chiến sự bất chấp rủi ro. Nhưng khi những khu vực này trở nên cực kỳ nguy hiểm, sự có mặt của phóng viên có thể làm phức tạp tình hình.
Tương tự như vậy, chúng ta muốn có càng nhiều thông tin càng tốt về những nơi như Iran và Ai Cập, nhưng các phóng viên không thể thu thập được nhiều từ những nơi này.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên sau khi được phóng thích vào cuối tuần qua, nhà báo Greste của Đài Al Jazeera kể rằng trong thời gian bị giam giữ, ông luôn dặn mình phải giữ vững sức khỏe và tinh thần.
"Tôi cảm thấy lo lắng khủng khiếp cho các đồng nghiệp của tôi khi họ vẫn ngồi tù. Dù đã được tự do, tôi vẫn có cảm giác quan tâm và lo lắng. Nếu tôi được trả tự do là thích hợp, thì việc tất cả chúng tôi phải được trả tự do là đúng đắn”.