Nghệ An: Mưa như trút suốt 2 ngày, chợ Vinh ngập sâu hơn 1m
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở TP Vinh bị ngập nặng. |
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh xuống phía Nam, kết hợp với hội tụ gió trên cao nên ở phía Bắc và vùng núi Nghệ An có mưa vừa đến mưa rất to. Lượng mưa từ 19h ngày 7/12 đến 13h ngày 8/12 phổ biến từ 100 – 200mm, một số nơi có lượng mưa như: Nam Đàn 212mm, TP Vinh 280mm…
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An, tính đến 17h ngày 8/12, trên địa bàn tỉnh đã có 730 nhà bị ngập, trong đó 71 khối xóm trên địa bàn TP Vinh bị ngập, 685 hộ dân nước vào nhà; 45 hộ dân ở xã Hưng Yên Bắc (huyện Hưng Nguyên) bị ngập vườn, 1 số hộ bị ngập nhà.
Hàng ngàn ha Ngô, rau màu bị ngập úng. |
Hơn 1.500ha ngô, rau màu các loại bị ngập, trong đó huyện Nam Đàn 308,5 ha, Nghi Lộc 1.000 ha, TP Vinh 110,7 ha và TX Cửa Lò 81ha; gần 245ha thủy sản bị ngập nặng…
Mưa lớn khiến đầu cầu Bưu Điện (phía đường Lê Viết Thuật, TP Vinh) bị sụt lún, hư hỏng ½ mặt đường; ngay sau đó các lực lượng chức năng đã bố trí biển cảnh báo, căng dây quanh khu vực để đảm bảo an toàn.
Hố "tử thần" xuất hiện ở đầu cầu Bưu Điện (đường Lê Viết Thuật, TP Vinh). |
Nhiều tuyến đường tại TP ngập nước 20 – 50cm, giao thông đi lại rất khó khăn. Các đường Đặng Thái Thân, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học…bị ngập sâu trên 70cm khiến giao thông bị tê liệt hoàn toàn, cuộc sống người dân đảo lộn.
Lực lượng Công an, Quân sự, Dân quân tự vệ được huy động để di chuyển hàng hóa bị ngập cho bà con tiểu thương ở chợ Vinh. |
Đặc biệt, phía sau đình lớn chợ Vinh, nước ngập sâu khoảng 1m, hàng trăm chiến sỹ Công an, Quân sự, dân quân tự vệ đã được huy động để giúp các tiểu thương di chuyển hàng hóa lên nơi cao ráo.
Bên cạnh đó, các trạm bơm Bến Thủy, trạm bơm tiêu phía Nam và Tây Nam đã vận hành hết công suất để tiêu úng cho thành phố.
Trước tình hình mưa lớn đang diễn biến phức tạp, tỉnh Nghệ An yêu cầu các Sở, ban ngành thường xuyên theo dõi để chủ động ứng phó. |
Trước tình hình mưa lớn diễn biến phức tạp, tỉnh Nghệ An yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thời tiết để chủ động đối phó. Kiểm tra, ra soát các khu vực dân cư đang sinh sống ở vùng thấp trũng, ven sông suối và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, hạ lưu các hồ chứa nước, có kế hoạch chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Đồng thời, kiểm tra an toàn và vận hành hành công trình trong các hệ thống thủy nông, chủ động tiêu nước kịp thời, phù hợp với tình hình của từng địa phương.
Sẵn sàng triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, sạt lở đất, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn. Các Sở, ban ngành duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.