Nghệ An: Mặc bão số 8 uy hiếp, ngư dân đảo Lan Châu vẫn bám biển
Mặc dù bão số 8 đang di chuyển về phía đất liền, uy hiếp vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Trị. Tuy nhiên, những ngư dân vùng đảo Lan Châu (Phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) vẫn bám biển kiếm sống.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 8 đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, gây ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14.
Mặc bão số 8 đang uy hiếp đất liền, nhưng ngư dân bãi Lèn (đảo Lan Châu, Cửa Lò, Nghệ An) vẫn bám biển kiếm sống. Với họ, chỉ khi nào biển động, gió lùa, thuyền thúng không thể thắng được sóng xô, công việc đánh bắt cá mới buộc phải ngừng lại.
Vào mỗi buổi sáng, bãi Lèn cạnh đảo Lan Châu (thuộc phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) thường xuyên tấp nập |
Vào mỗi buổi sáng, bãi Lèn cạnh đảo Lan Châu (thuộc phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) thường xuyên tấp nập. Khi chiếc thuyền vừa cập bến, người dân trong vùng đã có mặt để lựa chọn những con cá tươi ngon nhất, chuẩn bị cho bữa ăn trong ngày.
Do đánh bắt gần bờ nên “thành quả” mà ngư dân đưa về đất liền chủ yếu là cá ngạnh, cá mòi, cá sóc, ghẹ và tôm tít.
Sau khi thuyền cập bến, những mớ cá biển tươi ngon được người dân trong vùng lựa chọn để chuẩn bị cho bữa ăn trong ngày. |
Anh Trần Văn Đồng (trú phường Thu Thủy) cho biết, hàng ngày anh cùng những ngư dân khác rời bãi Lèn từ lúc 3h sáng. Sau khoảng 30 phút vượt sóng biển, đến địa điểm cách bờ khoảng gần 4 hải lý thì buông lưới. Đến khoảng 5h sáng cùng ngày thì tiến hành thu lưới để về bán cá cho kịp tươi ngon.
Cũng theo anh Đồng, trừ trường hợp mưa bão hoặc áp thấp thì phải ở nhà, biển lặng trời yên thì ngày nào cũng đi đánh cá. Tùy theo từng ngày, có ngày chỉ đủ chi phí, ngày thì có dư chút đỉnh, đẹp trời thì được khoảng một đến hai triệu đồng.
Sản phẩm mà ngư dân đưa về đất liền chủ yếu là cá ngạnh, cá mòi, cá sóc, ghẹ và tôm tít |
Ngư dân Hoàng Văn Tự (SN 1976, trú phường Nghi Thủy) cho hay, làm nghề này vất vả lắm, biển động thường xuyên nên thuyền bè nằm bờ là chủ yếu. Hơn nữa lại hao ngư cụ, đi một thời gian thì lưới nát, phải thay mới.
Cũng theo anh Tự, anh tham gia nghề đánh bắt cá từ khi học hết lớp 5. Hôm nay biết rằng bão sắp vào nhưng biển vẫn lặng nên phải tranh thủ kiếm sống. Với 400m lưới, bình quân mỗi ngày anh thu nhập được khoảng 700 ngàn đồng.
Chỉ sau một thời gian ngắn, toàn bộ sản phẩm từ biển được người dân và thương lái mua hết |
Khác với 2 “đồng đội” nói trên, sau 13 năm lao động tại nước ngoài kiếm sống, anh Nguyễn Thanh Bình (SN 1972, trú phường Nghi Thủy) trở lại tham gia đánh bắt gần bờ.
Theo anh Bình, vào năm 13 tuổi, anh đã bắt đầu đi biển, khi có được ít tiền thì đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc và Đài Loan. Từ năm 2018 anh trở về địa phương và sống với nghề này.
Anh Bình cho biết, nghề này chỉ phù hợp với ngư dân khi đã quá tuổi đi lao động xuất khẩu, bởi mưa nắng thất thường nên cũng bấp bênh lắm. Với tấm lưới dài gần 3km, hôm nay anh đánh được mỗi loại một ít, thu nhập gần 2 triệu đồng.
Sau khi lựa cá để bán cho kịp tươi ngon, ngư dân mới gỡ những con tôm tít mắc lưới |
Điều đặc biệt là nơi đây bán hàng theo mớ (mỗi mớ như trên chỉ khoảng 100 nghìn đồng) |
Được biết mỗi ngày có khoảng trên 50 ngư dân thuộc khu vực bãi Lèn ra biển đánh cá, người nhiều thì được khoảng 3 triệu đồng, ít thì 500 nghìn đồng. Điều đặc biệt của ngư dân nơi đây là bán hàng theo mớ (dụng cụ bằng rổ tre đựng số lượng sản phẩm nhất định). Nhìn chung là rẻ hơn rất nhiều so với thương lái.
Trần Hoàn