Ngày hôm qua lộng lẫy

Tôi cảm nhận được niềm vui nhỏ nhoi của mẹ - niềm vui khi có người còn nhận ra mình của thời lộng lẫy hôm qua...

Năm tôi học lớp Bảy, một lần, khi phụ chở hàng ra chợ cho mẹ bán, tôi đã chứng kiến một cuộc gặp gỡ hy hữu.

Trưa đó, trước sạp trái cây của mẹ tôi xuất hiện một khách hàng kỳ lạ. Người đàn bà ấy trông kham khổ, tảo tần nhưng toát lên vẻ lanh lợi của dân buôn chuyến đường xa. Cô ấy ghé mua ký ổi nhưng mua ổi chỉ là cái cớ để bắt chuyện với mẹ tôi. Sau vài câu thăm hỏi, chắc mẩm đúng người cần tìm gặp, người đàn bà hồ hởi tỏ bày:

“Chị ơi, ngày trước em ngồi dưới sân khấu và mê giọng hát của chị lắm. Em không vắng mặt buổi diễn văn nghệ nào có chị. Rồi mỗi chiều chị đọc tin trên đài phát thanh huyện, em cứ ra gốc cây ngồi chờ và lắng nghe. Nghĩ lại toàn tin tức hợp tác xã, thu hoạch vụ mùa, tiết mục văn nghệ tuyên truyền cho đến thông tin biểu dương xã viên tăng gia sản xuất… mà sao giọng chị truyền đạt tình cảm chi lạ. Em ái mộ chị lắm, mà đâu dám lại gần…”.

Trên tay vẫn cầm bịch ổi, run run vì không giấu được nỗi xúc động, cô ấy rề rà kéo dài câu chuyện với thần tượng một thời.

Mẹ bối rối một lúc, chỉ biết nói: “Vậy hả? Vậy mà chị đâu có biết…”. Rồi mẹ kéo cái đòn mời người khách ngồi lại cạnh mình dưới cánh bạt che nắng, phe phẩy nón quạt, đưa tay áo lên quệt mồ hôi và nước mắt chảy thành giọt dài trên gò má. 

Người đàn bà ấy đã kiếm tìm mẹ tôi ( Ảnh minh họa)
Người đàn bà ấy đã thần tượng một thời tuổi trẻ của mẹ tôi. (Ảnh minh họa)

Hai người đàn bà xa lạ ngồi sát lại bên nhau như đôi giọt nước khiêm cung sắp sửa bốc hơi bay về miền trời quá khứ. Mẹ đưa bàn tay mỏng héo nắm lấy mấy ngón gầy sạm nắng của khách, như thể đôi bàn tay đó nằm chung trên một cơ thể đã quen nhọc nhằn. Mẹ nói: “Trời ơi, hồi đó chị nhớ mình bình dân lắm mà, đâu có kiêu sa lộng lẫy gì. Cái thời ai cũng như ai, chỉ có khác chăng một chút son phấn gọi là, có chi mà em không dám lại gần?”. 

“Dạ, em biết nhưng mỗi lần thấy chị trong bộ áo dài phá cách trẻ trung bước ra sau đêm hát, đi bộ về nhà cùng mấy anh chị học thức ở trong thôn, em chỉ dám đi theo sau lén nhìn chị. Em định tới đứng trước mặt chị chào một tiếng làm quen để được chị hỏi han, rồi lại cứ thập thò hoài. Em ước gì được như chị. Nhiều đứa bạn em cũng vậy. Suốt ngày sấp mặt với ruộng đồng, đám con gái quê chỉ mong sạch sẽ, tinh tươm và lộng lẫy như chị, dù chỉ một ngày, một giờ. Bao nhiêu năm rồi chị vẫn trẻ đẹp như ngày nào trong tâm trí của em, không thay đổi gì hết”, người khách nói. 

Mẹ lặng đi chốc lát, rồi nghẹn ngào: “Rồi sao em tìm được chị?”. “Khỏi phải nói đi, khó khăn lắm mới có buổi hôm nay. Em phải dò la tin tức bao nhiêu lâu đó chị. Nè, em còn hồi hộp, tay còn nổi da gà. Thiệt tình em không tin có ngày được gặp chị, ngồi gần chị như vậy…”. 

Tới đây thì mẹ đưa tay áo lên lau nước mắt.

Cuộc chuyện trò mừng mừng tủi tủi được một lúc thì hai người đàn bà ngồi lặng thinh. Họ nhìn ra cảnh bãi chợ trưa xao xác bụi. Ánh mắt họ trở về trong vẻ cam chịu. Đám lửa ký ức được thổi bùng lên trong chốc lát như một ảo ảnh rồi tàn đi chóng vánh, để lại một khoảng trống mênh mông mà mỗi người phải đối diện. Họ được nhắc nhớ rằng điều tươi đẹp ấy đã là dĩ vãng, một trong số họ đang sắp phải ra đi.

Cuộc sống sẽ lại đâu vào đó.

Trong câu chuyện mỗi lúc một mở ra nhiều khoảng lặng sau đó, mẹ phải dừng lại nhiều lần để khóc. Nước mắt bây giờ không hẳn vì hạnh phúc, không hẳn vì khổ đau. Có một thứ nước mắt khác vắt ngang một dòng giữa tiếc nuối - hãnh diện và buồn tủi - bẽ bàng. Đó là khi thời gian trớ trêu cho họ thấy một màn sắp đặt tàn nhẫn: quá khứ diễm lệ bên một hiện thực nhọc nhằn, ngày hôm qua lộng lẫy bên ngày hôm nay tàn phai. 

Câu chuyện tình cờ hôm đó cho tôi nhìn thấy từng mảnh ghép của một thứ hào quang chóng vánh được vớt lên từ vùng nước sâu tối nhất của thời gian, được mẹ tôi và người đàn bà xa lạ kia lau chùi nâng niu, xếp đặt lại. Mảnh vỡ của những mảng ký ức đó có khi vô tình tạo ra một vết cắt bén ngọt nhưng cũng đủ cho một hàn gắn nào đó trong tâm tưởng một người với chính quá khứ của mình. Vô vàn những khoảng trống nhưng cũng nhiều hoài niệm rực rỡ được tái tạo. Tất cả tái hiện một phần bức tranh thời đã qua: một khung cảnh nghèo nàn nhưng chắt chiu hạnh phúc của một lớp thanh nữ thời bao cấp ở một vùng quê thiếu thốn. 

Đã có những người quen chung, sự kiện chung của một thời được khơi lại, hình bóng họ rõ ràng đến từng chi tiết để cho thấy rằng giữa họ lẽ ra đã có một cuộc hạnh ngộ từ lâu lắm rồi, ở một khung cảnh không phải run rủi và xao xác nơi bãi chợ như thế này.

Câu chuyện giữa họ đôi khi phải dừng lại vì có người mua mớ cóc, nải chuối và đòng đưa trả giá. Mẹ tôi trở nên dễ tính với người kì kèo hơn mọi khi. Khách trả bao nhiêu cũng gật cho xong để câu chuyện với người khách quý không bị gián đoạn. Tôi ngồi sắp xếp những nải chuối chín ra sạp, tai vẫn dỏng lên nghe lóm câu chuyện tưởng chừng không hồi kết. 

Khi bãi chợ quá ngọ đã thưa người, mẹ ngậm ngùi hỏi khách: “Vậy sắp tới em có hay ghé lại chợ này không?”. Người đàn bà ấy khựng lại một lúc, nói: “Dạ cũng chưa biết, em đi buôn chuyến rày đây mai đó chị ơi. Không biết trước ngày mai thế nào… nhưng được gặp lại chị, ngồi bên chị như thế này là em vui sướng lắm rồi, em không mong gì hơn nữa”. 

Tôi cảm nhận được niềm vui nhỏ nhoi của mẹ sau cuộc gặp lạ lùng đó - niềm vui khi có người còn nhận ra mình của thời con gái, thời còn thiết tha tô son điểm phấn, khác hẳn cảnh nghèo khó giữa chợ trưa.

ẢNH: LÂM PHÚ NGHIÊM
Ảnh: Lâm Phú Nghiêm

***

Thỉnh thoảng, mấy anh em tôi đi làm ăn xa về nhà vào mỗi dịp tết vẫn thường có thói quen mở album gia đình xem và ôn lại chuyện ngày xưa của ba, ngày cũ của mẹ. Mẹ cũng lắng nghe rồi bồi đắp thêm những chi tiết về cảnh sống gia đình trong thời đói khổ. 

Chẳng hiểu sao kho tàng những chuyện đói khổ khó khăn lại tạo một nguồn cảm hứng đặc biệt đến vậy đối với những người thuộc thế hệ của mẹ. Tôi chứng kiến biết bao cuộc gặp của những người xa lạ trong thế hệ đó, cứ gặp nhau ôn lại ngày cũ là cái “kho tàng chuyện kể nghèo khổ” được đánh thức. Hình như trong những chuyện đời gieo neo, người ta có cảm giác dễ gần nhau hơn và gian nan là một mẫu số chung để họ tìm ra niềm giao cảm. 

Mẫu số chung của hoàn cảnh một thời cũng đủ sức khỏa lấp cả những khác biệt hiện tại. Nhờ vậy, họ tìm thấy nhau trong cuộc đời. 

Trước cuốn album, mẹ sẽ kể chuyện gia đình đổi thay ra sao qua những khúc quanh thời gian. Các câu chuyện đó có khi chi tiết đến như từng cơn rôm sảy, phong đẹn của mỗi đứa con; có khi phổ quát như chuyện cả nhà mấy lần phải di dời để tìm “đất hứa”. Thế nhưng câu chuyện nào cũng bắt đầu từ khi có sự hiện diện của chúng tôi. Những bức ảnh thời con gái của mẹ với những cuộc picnic, những đêm lưu diễn văn nghệ hay tháng năm rực rỡ đủ đầy trong gia đình ngoại ở một thành phố xinh đẹp của miền Trung… mẹ không buồn nhắc. 

Người đàn bà xuất hiện ở gánh hàng năm nào không quay trở lại, chẳng biết vì lý do gì. Buổi nói chuyện hôm đó đã đủ để cô ấy bày tỏ hết những tình cảm tốt đẹp chất chứa trong lòng suốt bấy nhiêu năm trời hay hình ảnh hiện tại của thần tượng mình ở bãi chợ trưa vùng trung du đã gieo vào tâm tưởng cô cảm giác chua xót? Mẹ có mong chờ cô ấy quay lại để ký ức tươi đẹp được một lần nữa trở về hay không? 

Tôi không thể biết.

Chỉ biết thời gian đã trôi đi thật lạnh lùng. 

Theo phunuonline.com.vn

Dành cả đời chăm lo cho con riêng của chồng, mẹ kế trắng tay khi về già

Lo xong tang lễ của bố, anh trai tôi đề nghị mẹ kế ký cam kết từ chối nhận tài sản. Yêu cầu của anh khiến mẹ kế tủi thân.

Mẹ chồng đi 1.200km về nhà thông gia đón cháu, con dâu bật khóc vì cảm động

Khoảnh khắc biết mẹ chồng đi 1.200km về đón cháu, Mơ (tên ở nhà là Nguyên) rưng rưng xúc động. Cô vừa thương mẹ chồng vất vả vừa cảm động trước tấm lòng yêu con thương cháu của bà.

Em bán mảnh đất vườn, anh trai chở mẹ đến đòi 200 triệu dưỡng già

Dù có công khai hoang nhưng tôi chỉ được thừa kế một mảnh vườn ở xa, còn phần lớn đất đai giá trị cha mẹ đều sang tên cho anh trai.

Bạn gái kém 14 tuổi của anh trai khiến tôi và mẹ ngán ngẩm

Cuối tuần trước, anh trai tôi dẫn người yêu về ra mắt gia đình. Cả nhà tôi rất mong chờ điều này do anh đã lớn tuổi. Tuy nhiên, cách cư xử của cô ấy khiến gia đình tôi rất thất vọng.

Chồng tự dưng hết mực chăm sóc mẹ vợ, biết lý do tôi lập tức đưa bà về quê

Người ta nói “Không ai tốt với người khác mà không có lý do, ngoại trừ cha mẹ của họ” thật chẳng sai chút nào và câu chuyện của tôi là một minh chứng.

Mở phong bì thưởng Tết của chồng, vợ sững sờ thấy dòng chữ phía trên

Nhiều năm nay, tôi vốn không mấy khi hỏi cụ thể chuyện thưởng Tết của chồng, vì anh “dị ứng” chuyện vợ tra khảo tiền bạc. Nhưng có lẽ vì sự dễ dãi này, chồng coi tôi như người ngoài.

Xin về ăn Tết nhà ngoại, nàng dâu bật khóc nghe bố chồng nói 6 câu

Hơn 10 năm lấy chồng, chưa năm nào tôi được về đón giao thừa cùng bố mẹ đẻ. Thấy bạn bè năm ăn Tết nhà nội, năm ăn Tết nhà ngoại mà tôi lại chạnh lòng.

Chồng ngoại tình, bỏ đi theo bồ, sau 2 năm bỗng trở về cầu xin tôi tha thứ

Tại sao khi tôi đã dần nguôi ngoai, ổn định cuộc sống thì người chồng ngoại tình lại quay trở về? Đau lòng nhất là tại sao bố mẹ chồng và các con tôi lại ủng hộ anh ta?

Vợ chồng ở Thái Bình tuyên bố vỡ hụi, hàng chục người mang quan tài đi tìm

Trước thông tin chủ hụi vỡ nợ, nhiều người xã Nam Trung (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) kéo đến gây áp lực để đòi tiền. Có trường hợp cho biết đã góp hụi gần 10 tỷ đồng.

6 chị em ruột không lấy chồng, sống cùng nhau dưới một mái nhà

Thanh xuân trôi theo những tháng năm nghèo khó, 6 chị em không dám lấy chồng. Không con cái, tuổi già đuổi đến, 6 mảnh đời côi cút sống dựa vào nhau.

Đang cập nhật dữ liệu !