“Ngày hội văn hóa tơ lụa Việt Nam” sẽ rất đặc sắc!
Du khách nước ngoài tìm hiểu kỹ thuật nuôi tằm... |
Đây là dịp để làng lụa Vạn Phúc, làng lụa Phùng Xá, làng lụa Nha Xá, làng lụa Mã Châu, làng lụa Tân Châu, cơ sở dệt Bảo Lộc và làng Chăm Mỹ Nghiệp giới thiệu và trình diễn công nghệ dệt truyền thống; trưng bày các sản phẩm tơ lụa; tôn vinh các nghệ nhân, các nhà sản xuất, nhà thiết kế đã nỗ lực cống hiến gìn giữ và phát triển nghề sản xuất tơ lụa, làm phong phú văn hóa mặc.
Làng lụa Vạn Phúc ở miền Bắc là một làng nghề dệt lụa tơ tằm đẹp nổi tiếng có từ ngàn năm trước. Lụa Vạn Phúc có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam, từng được chọn may trang phục cho triều đình. Làng Lụa Mã Châu ở Quảng Nam hình thành từ thế kỷ XV, gần kinh đô Trà Kiệu, chuyên dệt lụa cung cấp cho giới quý tộc, quan lại trong các vương triều.
dệt lụa truyền thống tại khu du lịch làng nghề Làng Lụa Hội An (Ảnh: HC) |
Trong khi đó, làng Chăm Mỹ Nghiệp ở Ninh Thuận được xem là làng nghề cổ nhất Đông Nam Á. Nét độc đáo của làng nghề cổ này là người dân dệt vải hoàn toàn thủ công, không hề sử dụng máy móc, bảo lưu tốt gần như nguyên vẹn chất liệu, hoa văn, bí quyết phối màu hay màu nhuộm…
Người dân và du khách đến với ngày hội văn hoá tơ lụa Việt Nam này sẽ được chứng kiến lễ hội dâng hương Bà chúa Tằm Tang; xem các nghệ nhân trình diễn kỹ thuật dệt lụa Bắc Bộ, Trung Bộ và Champa; giao lưu với các nghệ nhân và chuyên gia tơ lụa; tham quan triển lãm 500 sản phẩm tơ lụa của các làng nghề tiêu biểu của Việt Nam…
Cùng với tham dự phiên chợ ẩm thực của khu du lịch Làng Lụa Hội An, xem trình diễn thời trang áo dài lụa và ca múa nhạc cổ truyền Việt và Chăm, du khách cũng sẽ được thưởng lãm các sản phẩm lụa truyền thống và tiêu biểu của Hội Tơ lụa Kyoto (Nhật Bản) và nhiều làng nghề của các nước Thái Lan, Philippines, Malayssia, Campuchia, Lào, Indonesia, Nhật Bản... gửi đến đến tham gia trưng bày, giới thiệu tại “Ngày hội văn hóa tơ lụa Việt Nam”.